Xin cải tạo, san gạt, hạ cốt nền nhưng thực chất là chở đất bán; phá rừng trên diện rộng; biệt thự 'mọc' trên đất nông nghiệp là thực tế đang xảy ra tại Phú Thọ, Phú Yên, Đắk Lắk, rất mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.
Phá rừng trên diện rộng
Dọc hai bên đường vào trung tâm xã Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, ai cũng có thể bắt gặp trên các sườn núi loang lổ những mảnh rừng đã được dọn sạch, chờ xuống giống các loại cây trồng.
Cách trung tâm xã khoảng 4km đến tiểu khu 75, rất nhiều khu vực rừng bị chặt phá, có nơi đã được người dân trồng sắn, chuối. Trên đỉnh núi, hàng loạt cây rừng tự nhiên bị chặt hạ nằm ngổn ngang có đường kính từ 10 đến hơn 20cm.
“Trước đây, khu vực này bị “lâm tặc” chặt hạ hết các cây gỗ lớn. Qua thời gian dài, rừng đang tái sinh trở lại, nhưng tiếp tục bị tàn phá”, một người dân tiết lộ.
Trao đổi với báo chí về thực trạng nêu trên, ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho hay, rừng bị chặt hạ để lấn chiếm đất sản xuất từ đầu tháng 7 đến nay. Trước đó, địa phương đã họp, bình xét cấp đất sản xuất cho 86 hộ với tổng diện tích 308ha tại các tiểu khu 74, 75, V2.2.
Khi biết chủ trương giao đất lâm nghiệp, không ít hộ dân đã tự ý vào rừng phát trắng, lấn chiếm đất, trong đó có cả rừng phòng hộ.
“Chúng tôi đã phối hợp lực lượng kiểm lâm đo, đếm từng tiểu khu từ ngày 6-7, nhưng đến nay vẫn chưa xong hoàn toàn do diện tích phá lớn, địa hình lại phức tạp”, ông Hóa phân trần.
Việc phát rừng này đã được UBND huyện Đồng Xuân yêu cầu xã Phú Mỡ khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tất cả mọi hoạt động tác động đến rừng; thành lập các tổ tuyên truyền, vận động người dân dừng ngay việc phá rừng.
Đồng thời, giao Hạt Kiểm lâm huyện, chậm nhất đến ngày 15/9, phải thống kê đầy đủ diện tích rừng, đất rừng bị phá. Sau đó, tổ chức khoanh vùng, phân loại theo quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đưa ra giải pháp quản lý, bảo vệ chặt chẽ.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, ít nhất 50ha rừng đã bị chặt phá; trong đó khoảng 40ha tại các tiểu khu 67, 74, 75 được quy hoạch là rừng sản xuất; 10ha thuộc tiểu khu 59, 72, 73 quy hoạch rừng phòng hộ. Riêng các tiểu khu 83 và V.2.2 đang được kiểm tra, đo đếm.
Điều đáng nói ở đây là rừng bị phá trên quy mô lớn, dàn trải trên diện rộng, không phải chỉ những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, mà cả những người hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Theo báo cáo mới nhất của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, trong vụ việc này, có tới 13 cán bộ, đảng viên tham gia phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Và trước đây (năm 2015), cũng tại xã Phú Mỡ đã xảy ra tình trạng phá rừng chiếm đất, khiến nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cấp huyện bị xử lý kỷ luật.
Phú Mỡ là xã vùng cao, xa nhất tỉnh Phú Yên. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và luôn xem rừng là nguồn sinh kế từ bao đời nay. Trên thực tế, nhiều hộ nghèo, thiếu đất sản xuất đã được bình xét công khai để bố trí đất, phát triển kinh tế. Cũng không ít người lý giải, họ thuộc hộ nghèo, thiếu đất nên lấn chiếm rừng để sản xuất, hoặc rừng này trước đây của cha ông canh tác, nay lấy lại để làm.
Về vấn đề này, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nói: “Qua đối thoại, một số hộ dân cho rằng đất rừng là đất ông bà từ ngày xưa nên họ phát dọn để sản xuất. Thế nhưng, khi chính quyền thực hiện phương án giao đất tại một số tiểu khu cho các hộ dân sản xuất, cụ thể là ở các thôn Phú Tiến, Phú Giang, Phú Đồng, thì có hiện tượng người dân lợi dụng, muốn xâm lấn thêm để mở rộng diện tích”.
Ở góc độ khác cùng sự việc, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho rằng, công tác giao đất cho người dân để phát triển rừng trong thời gian qua còn nhiều tồn tại. Việc giao đất, giao rừng chưa thể hiện được vị trí rừng sản xuất, rừng phòng hộ trên thực địa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân dễ lấn chiếm đất.
Trong một tình tiết khác liên quan, năm 2017, tỉnh Phú Yên đã rà soát và quy hoạch lại ba loại rừng là rừng đặc dụng (hơn 19.000ha), rừng phòng hộ (hơn 102.000ha) và rừng sản xuất (hơn 153.000ha). Trong đó, huyện Đồng Xuân là địa phương có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất với 32.600ha, tập trung chủ yếu ở xã Phú Mỡ, địa bàn được xem là nếu mất rừng diện tích lớn, vùng hạ du sẽ chịu hậu quả tàn khốc. Minh chứng là cơn lũ lịch sử cuối năm 2009, toàn huyện có 35 người chết, 11 người bị thương.
Theo ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế rừng, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, mặc dù đã có quy hoạch ba loại rừng, nhưng chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Có khi đất được quy hoạch mục đích là sản xuất, nhưng rừng lại là phòng hộ. Để tránh tình trạng kế hoạch sử dụng đất của xã không phù hợp huyện và quy hoạch chung phát triển rừng, cần có tính đồng bộ giữa quy hoạch đất với quy hoạch rừng.
Nhiều biệt thự 'mọc' trên đất nông nghiệp
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh thông tin “Hàng loạt biệt thự xây dựng trên đất nông nghiệp” mà thời gian qua báo chí đã phản ánh.
“Kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý các sai phạm báo cáo về Bộ Xây dựng (qua Thanh tra Bộ) số 37 Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Thành Phố Hà Nội trước ngày 30/9/2020 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng”, trích văn bản của Bộ Xây dựng.
Cùng ngày, ông Bùi Hồng Quý - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì tổng hợp để báo cáo Thanh tra Bộ Xây dựng về dự án nói trên.
Cụ thể, tại dự án nhà ở thương mại tại tổ dân phố 7, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột do Cty TNHH xây dựng Nam Sơn làm chủ đầu tư trên diện tích 8,6 ha, còn nguyên thổ là đất nông nghiệp (đất rẫy cà phê-PV).
Năm 2018, khi mới chỉ có chủ trương thực hiện dự án, chủ đầu tư đã triển khai rầm rộ các hạng mục hạ tầng, các công trình nhà ở biệt thự trên đó. Toàn bộ diện tích làm dự án của Cty Nam Sơn chưa được cấp có thẩm quyền giao đất để chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở thương mại.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần chỉ đạo bằng văn bản, yêu cầu Cty Nam Sơn dừng mọi hoạt động bên trong dự án, nhưng doanh nghiệp này không chấp hành.
Sau khi bị phản ánh, những vấn đề liên quan đến xây dựng trái phép tại dự án này, toàn bộ dự án mới bị đình chỉ xây dựng chờ các cấp có thẩm quyền giải quyết.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã “phê bình nghiêm khắc” Cty Nam Sơn và chỉ đạo UBND TP Buôn Ma Thuột “rút kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ”, yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để Cty Nam Sơn làm các thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị để thực hiện dự án nhà ở thương mại tại địa chỉ nói trên… nhưng, đến nay vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục “rà soát lại”.
Trong khi đi kiểm tra tại dự án này, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giao các cấp phải rà soát trong những lô này. Theo đó, vị này nói: “Có lô nào của cán bộ nhà mình không?”
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm trên đất rừng, đất nông nghiệp là vô cùng cần thiết, bên cạnh đó cần sớm đưa ra những chủ trương, kế hoạch bảo vệ đất rừng, đât nông nghiệp để phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp bền vững, giúp người dân vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên đất.
Ngoài ra, cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý người đứng đầu đã buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm mà không kịp thời phát hiện hoặc phát hiện nhưng không xử lý, tạo “kẽ hở” cho sai phạm. Qua những sai phạm nêu trên có thể nói, không thể không kể đến trách nhiệm của các ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương.
Gần 300 gốc đào bích của người dân tại thôn Phù Trì, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) bị kẻ gian chặt hạ cành, gây thiệt hại tiền tỷ, trong khi thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ không còn bao xa. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm những đối tượng phá hoại này.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.