Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 20 tháng 10 năm 2021 | 1:7

Tràn lan những công trình trái phép trên đất nông nghiệp không bị xử lý

Không khó để phát hiện ra những công trình sai phạm trên các thửa đất nông nghiệp, thế nhưng để xử lý hay không thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền địa phương cấp cơ sở… cần xử lý nghiêm người được giao quản lý địa bàn để xảy ra sai phạm.

Trên trục đường 70 thuộc địa bàn xã Vĩnh Quỳnh và Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) hiện đang tồn tại tràn lan những kho bãi, nhà xưởng được xây dựng và hoạt động trái phép trên nền đất nông nghiệp, đất dự án.
 
Tại đây, hàng loạt nhà xưởng cơ khí, bãi đỗ rửa xe, gara sửa chữa ô tô… mọc san sát mặt đường. Các cơ sở này đều được dựng lên bằng khung sắt mái tôn thành nhà tạm hoặc các công trình nhà ở cấp bốn, còn các khu đất trống được trưng dụng làm bãi chứa các công cụ cơ khí, sản phẩm đá…
 
Tại khu vực có treo biển "Phương Đông - rửa xe thay dầu bơm mỡ" (Vĩnh Quỳnh), phía bên trong là bến bãi đậu xe, điểm tập kết hàng hóa. Đáng nói, mỗi người khi vào bến bãi tự phát này gửi hay giao nhận hàng đều phải nộp tiền mặt (20.000 đối với người đi bộ, xe máy là 30.000 đồng và 50.000đ đối với ô tô) mà không hề được phát tấm vé đảm bảo.
 
Theo tìm hiểu, các khu vực này đều là đất nông nghiệp và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
 
Một đại diện chính quyền sở tại cũng thừa nhận những sai phạm trên và cho rằng thực trạng này đã tồn tại từ thập niên 90 thế kỉ trước. Cũng theo vị này thông tin, bản thân mình cũng mới chuyển công tác về địa bàn chưa lâu nên chưa thể nắm rõ hết mọi việc. Trong khi hiện nay, xã đang tập trung mọi nguồn lực vào công tác phòng chống dịch COVID- 19 và chưa thể quan tâm đến việc khác.
3a2e9e32d070392e6061.jpg
Tại trục đường 70 thuộc địa bàn xã Vĩnh Quỳnh và Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang tồn tại nhiều kho bãi, nhà xưởng được xây dựng và hoạt động trái phép trên nền đất nông nghiệp, đất dự án.

 

Theo quan sát, tại một bãi rửa xe không có hệ thống cống xả thải, bãi tập kết đá không có phương tiện che chắn, chỉ một cơn gió bụi đá sẽ bay khắp mọi nơi… khiến cảnh quan, môi trường tại đây luôn nhếch nhác. Bên cạnh đó là các gian hàng chứa lốp ô tô, thùng phuy dầu... đều là các vật liệu dễ bén lửa, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.
 
Tương tự Vĩnh Quỳnh, tình trạng vi phạm sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, dự án cũng diễn ra tại xã Tam Hiệp. Ngoài các vi phạm tại mặt đường 70 thuộc xã Tam Hiệp (phía bên phải, theo hướng Văn Điển - Hà Đông) thì tại nhiều nơi khác cũng xuất hiện các nhà xưởng, kho tàng, bến bãi… được dựng tạm để hoạt động với các mục đích khác nhau.
 
Đơn cử tại khu vực đất thuộc dự án Đồng Phát (xây dựng chung cư) cũng xuất hiện các bãi xe, nhà kho, ô tô ra vào hoạt động ngày đêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất này do chưa giải phóng được mặt bằng (còn khoảng 5 đến 6 hộ dân chưa thỏa thuận được đền bù) nên đến nay dự án được quy hoạch làm chung cư vẫn bị "treo".
 
Do dự án chưa triển khai nên tại khu đất này từ lâu đã xuất hiện tình trạng sử dụng đất sai mục đích. Cụ thể, đây là đất dự án nhưng chủ đầu tư không quây tôn bảo vệ mà tự ý cho một số hộ dân thuê sử dụng làm bến bãi, kho hàng và tập kết rác thải.
 
Trước đó, chúng tôi đã phản ánh và nhận được cam kết của cán bộ xã "không cho đỗ xe và làm kho bãi" nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra.
 
Được biết, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lí quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/01/2014 của UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý và khắc phục.

San lấp gần chục héc ta đất nông nghiệp

San lấp gần chục héc ta đất nông nghiệp tại xứ đồng Trung, thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nôi) rồi dựng nhà xưởng trông như điểm công nghiệp làng nghề, mặc dù đã được phát hiện, xử lý từ năm 2016. Tuy nhiên hiện nay, nhiều trường hợp lại ngang nhiên tái vi phạm dưới sự làm ngơ của chính quyền địa phương.

Cụ thể, lợi dụng xứ đồng Trung, thôn Nguyên Hanh nằm cách xa quốc lộ 1A (cũ), giáp ranh với xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên sẵn có đường giao thông thuận tiện đi lại nên một số cá nhân đã “lập kế hoạch” san lấp mặt bằng gần chục héc ta đất nông nghiệp rồi dựng hàng loạt nhà xưởng bằng khung sắt, mái tôn cùng các công trình nhà ở cấp bốn để ở, trông như điểm công nghiệp làng nghề. Hành vi vi phạm này được thực hiện từ năm 2015, đến đầu năm 2016 hoàn thành.

Tuy nhiên, sau khi được báo chí và người dân phanh phui, chính quyền địa phương huyện Thường Tín và xã Văn Tự đã phải vào cuộc xử lý, cưỡng chế hàng loạt nhà xưởng rộng từ 300 - 600m2 cùng các công trình nhà ở của chủ buôn bán gỗ tại đây. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự nơi đây những năm qua đã ổn định, người dân quanh khu vực yên tâm lao động, sản xuất.

Nhưng do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nên từ năm 2020 trở lại đây, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện rồi bùng phát thì cũng là lúc nhiều chủ gỗ quay trở lại sử dụng khu đất ở xứ đồng Trung làm mặt bằng buôn bán gỗ. Một số công trình nhà ở cấp bốn trước đây chưa được tháo dỡ triệt để đã được chủ buôn gỗ cải tạo sử dụng. Không những thế, có trường hợp còn ngang nhiên dựng cả nhà xưởng mới.

 

6bada564f2261b784237.jpg
Thiếu quyết liệt xử lý vi phạm nên những công trình nhà xưởng khủng lại ngang nhiên mọc trên đất nông nghiệp xứ đồng Trung, thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự gây bức xúc dư luận.

Qua đó, xứ đồng Trung đã được các trường hợp ngụy trang bằng việc trồng cây xanh phủ kín xung quanh khiến nhìn từ bên ngoài vào khó có thể phát hiện các công trình nhà xưởng mới và cũ vẫn tồn tại. Hoạt động buôn bán, chế biến gỗ đã tái diễn tại khu đất ở xứ đồng Trung được một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề biết. Thậm chí thời gian gần đây, mặc dù dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn huyện Thường Tín khá phức tạp nhưng chủ xưởng gỗ Mạnh Nga, Tân Duân vẫn dựng được nhà xưởng bằng khung sắt, mái tôn rộng khoảng 300 - 500m2.

Cùng với đó, các chủ buôn gỗ, như Thắng Thuận, Tạ Điềm, Anh Lại… cũng sửa chữa các công trình trước đây chưa được tháo dỡ dứt điểm làm nơi ở, hoạt động buôn bán gỗ trở lại gây bức xúc cho người dân các xã của huyện Phú Xuyên ở liền kề với xã Văn Tự. Chính sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương nơi đây đã làm gia tăng tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng không chỉ ở tại xứ đồng Trung mà ở cả những khu vực khác của xã Văn Tự, một trong những địa phương vốn dĩ để xảy ra nhiều vi phạm về đất đai.

Lý giải về việc hàng loạt trường hợp ngang nhiên xây dựng nhà xưởng tại một số khu vực trên địa bàn xã trong thời gian qua, nhất là thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơn thừa nhận với báo chí: Do thời điểm năm 2016 chưa xử lý dứt điểm vi phạm nên đến nay, đã có một số trường hợp cải tạo, sửa chữa lại công trình để sử dụng làm nơi ở, quản lý, buôn bán gỗ.

 

507c9cb5cbf722a97be6.jpg
Một trong những công trình nhà xưởng khủng mới được dựng lên tại xứ đồng Trung, thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tư (huyện Thường Tín) nhưng chính quyền địa phương chỉ phát hiện khi được phóng viên thông tin.

Còn đối với các trường hợp dựng nhà xưởng mới làm kho sản xuất, chế biến gỗ vừa được lãnh đạo UBND xã phát hiện khi đi kiểm tra chốt trực phòng chống dịch Covid-19 của xã nằm giáp ranh với xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, do những ngày qua vừa hết thời gian giãn cách xã hội nên UBND xã chưa thể tiến hành kiểm tra xác định chủ các công trình nhà xưởng, nhà ở tạm là của các chủ gỗ nào được.

Chủ tịch UBND xã Văn Tự cũng cho biết thêm, chưa thể xác định được chủ nhân của một số nhà xưởng bằng khung sắt mái tôn mới vi phạm có thi công vào thời điểm giãn cách xã hội hay không(?). Tuy nhiên, ông Trịnh Hùng Sơn cũng nhận trách nhiệm để xảy ra việc tái diễn vi phạm dựng nhà xưởng “khủng” và cải tạo lại các công trình nhà ở trên đất nông nghiệp để sử dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh là trách nhiệm của UBND xã. Về nội dung này, thời gian tới UBND xã sẽ tiến hành lập hồ sơ kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm đất đai, xây dựng tại xứ đồng Trung.

Sai phạm kéo dài nhiều năm

Tại phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về đất đai, cơ quan chức năng phát hiện 5 trường hợp xây dựng nhà, công trình trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương không lập biên bản vi phạm hành chính, không xử lý vi phạm.

Điển hình, hộ ông Nguyễn Văn Tiến được Nhà nước giao đất nông nghiệp. Ông Tiến đã san lấp, xây nhà ở 2 tầng kiên cố, bê tông cốt thép, sân, tường rào bao quanh khu đất. Hộ ông Tiến xây dựng vào năm 2004-2005.

Cũng tại phường Thiệu Khánh, năm 2007, ông Nguyễn Gia Minh, đại diện Cty TNHH vận tải Tuấn Minh nhận chuyển nhượng gần 3.000 m2 đất nông nghiệp của 12 hộ gia đình tại thôn Dinh Xá. Việc mua bán được UBND phường Thiệu Khánh và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa xác nhận, đồng thời được UBND huyện Thiệu Hóa phê duyệt "Mặt bằng xây dựng cửa hàng kinh doanh giới thiệu sản phẩm đồ mộc dân dụng".

Trong quá trình sử dụng, hộ ông Nguyễn Gia Minh được UBND huyện Thiệu Hóa cho phép chuyển mục đích sử dụng 300 m2 đất nông nghiệp sang đất ở, phần đất này đã tặng cho con là ông Nguyễn Gia Mạnh. Hiện nay, ông Mạnh đã xây dựng nhà ở kiên cố. Cty TNHH vận tải Tuấn Minh chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuế đất. Hiện nay, Cty đã đầu tư xây dựng 1 gara để xe đạp, xe máy, 1 nhà kho, 1 ao ngâm vật liệu xây dựng. Thời điểm doanh nghiệp này xây dựng các công trình nói trên là năm 2008.

 

3f3d4d551917f049a906.jpg
Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bên lòng hồ thủy lợi Sai phạm kéo dài nhiều năm.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là do công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương, đơn vị còn yếu, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm. Để xử lý dứt điểm những vi phạm, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND cấp huyện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý và giải quyết dứt điểm từng trường hợp.

Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không thuộc đất của các Cty nông - lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý thì lập hồ sơ xử lý dứt điểm và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1.751 trường hợp vi phạm (trước ngày 1/7/2004 và 4.929 trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2004. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tạm thời được sử dụng đất nguyên hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

Đối với 3.080 trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND cấp huyện rà soát thời hiệu của từng trường hợp vi phạm, làm cơ sở lập hồ sơ xử lý nghiêm. Trường hợp hành vi, vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm.

Đối với 94 trường hợp tổ chức vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không thuộc phạm vi của các Cty lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý thì UBND các huyện được yêu cầu thành lập tổ công tác để xử lý dứt điểm, từng trường hợp cụ thể.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc các sở có liên quan, chủ tịch UBND huyện, giám đốc các Cty nông, lâm nghiệp, giám đốc các ban quản lý rừng phòng hộ có các vi phạm tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chậm phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý không nghiêm; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2021.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top