Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 12 năm 2018 | 13:48

Trồng bơ, hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng trên gò đồi Bố Trạch

Nhằm giúp người dân vùng gò đồi huyện Bố Trạch đa dạng đối tượng và có hướng chuyển đổi cây trồng trên đất cao su hợp lý, Trung tâm KN - KN Quảng Bình hỗ trợ thực hiện mô hình trồng bơ với tổng diện tích 3ha tại thị trấn Nông trường Việt Trung.

bo_qbinh.jpg
Mô hình trồng bơ sử dụng công nghệ tưới Israel.

 

Cây trồng tiềm năng

Cách đây 3 năm, gia đình ông Lưu Đức Ngọc ở tổ dân phố Quyết Tiến mạnh dạn trồng thử nghiệm 50 gốc bơ từ cây thực sinh (cây mọc từ hạt). Đến giữa năm 2018, những cây bơ này cho trái bói với số lượng khoảng 100-150 quả/cây, trọng lượng  3 quả/kg, vỏ láng mịn, ăn dẻo, ngọt.

Theo ông Ngọc, bước đầu cây bơ phù hợp với điều kiện của địa phương, sinh trưởng phát triển tốt và chất lượng quả ngon, là cây trồng tiềm năng có thể mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu hàng hóa trên vùng gò đồi Bố Trạch.

Ông Nguyễn Văn Diệm ở tổ dân phố Hữu Nghị chia sẻ, gia đình trồng bơ từ chục năm nay ở xung quanh vườn nhà. Trước đây, do thiếu kiến thức nên chưa chú trọng đến chất lượng cây giống cũng như khâu chăm sóc. Mặc dù vậy, cây bơ đều cho 200-250 quả/năm, trung bình 3-4 quả/kg. Sau trận bão năm 2017, trên diện tích cao su bị gãy đổ, ông tập trung phát triển hồ tiêu, đồng thời trồng hơn 100 gốc bơ,  khoảng 1ha cam để thử nghiệm và đánh giá hiệu quả, từ đó có hướng phát triển hợp lý.

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch, thống kê đến cuối năm 2018, toàn huyện có gần 1.050ha  cây ăn quả, tăng hơn 200ha so với năm 2015; trong đó, tập trung phát triển cây ăn quả chủ lực như chuối (gần 500ha), cây có múi (gần 200ha), ổi (trên 100ha)… Đối với cây bơ, trên địa bàn huyện đã có một số hộ trồng từ vài năm trước, tuy nhiên diện tích còn ít, manh mún và chưa được đầu tư thâm canh đúng mức để phát triển theo hướng hàng hóa. Do đó, việc xây dựng mô hình chuyển đổi đất trồng cao su kém hiệu quả sang trồng bơ sử dụng công nghệ tưới Israel sẽ giúp cho bà con có hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng gò đồi.

Hỗ trợ mô hình điểm

Năm 2018, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện mô hình trồng bơ trên vùng gò đồi tại hộ ông Diệm và ông Ngọc với quy mô 1,5 ha/hộ. Bơ đưa vào trồng thử nghiệm là giống 034, quả dài, hạt lép, chất lượng quả ngon; tán cây thấp giúp tránh gió bão và thuận tiện thu hái; quả chín vào thời điểm tháng 7-8, có thể tránh được mưa bão.

Các hộ được lựa chọn triển khai mô hình đã có diện tích và kinh nghiệm trồng bơ, có vốn đối ứng lắp đặt hệ thống tưới tự động Israel. Để thích ứng với điều kiện gió bão của địa phương, 3ha bơ trồng thử nghiệm này được trồng dày với mật độ 6x6m (278 cây/ha) nhằm tạo tán thấp. Mô hình được triển khai từ tháng 10/2018, sau 2 tháng trồng và chăm sóc, cây bơ được đánh giá là sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

Theo ông Lê Thuận Trung Trưởng Phòng Chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình), hiện tại, bà con một số địa phương trong tỉnh đã phát triển cây bơ và bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, diện tích trồng bơ còn manh mún, nguồn giống trôi nổi, kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Do đó, việc triển khai thực hiện mô hình “điểm” sẽ giúp theo dõi, đánh giá về chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển cũng như hiệu quả kinh tế của cây bơ tại địa phương; đồng thời thông qua mô hình sẽ là điểm trình diễn giới thiệu cho nông dân tham quan, học tập cũng như là cơ sở để nhân rộng trong các chương trình, hỗ trợ phát triển kinh tế một cách bền vững cho người dân vùng gò đồi Bố Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

Mặc dù được đánh giá là cây trồng tiềm năng và có triển vọng mở rộng diện tích thâm canh theo hướng hàng hóa, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cẩm Long, bà con không nên tự phát trồng bơ một cách ồ ạt mà cần phát triển theo quy hoạch; đồng thời kết hợp tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch để ổn định đầu ra. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần hướng tới sản xuất sạch, an toàn theo VietGAP, hữu cơ, tiến tới đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có như thế mới có thể mở rộng và phát triển diện tích cây bơ theo hướng bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

 Là đối tượng cây trồng tiềm năng, triển vọng trên vùng gò đồi, bơ hiện đang được xem là cây trồng chuyển đổi được bà con vùng gò đồi huyện Bố Trạch đánh giá cao, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng trên đất cao su. Hiện tại, mô hình  đang tiếp tục được các hộ thực hiện đầu tư, chăm sóc và đánh giá hiệu quả để có hướng nhân rộng trong thời gian tới.

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top