Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2019 | 13:45

Trồng lạc thích ứng với biến đổi khí hậu

Vụ hè thu năm nay, thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nhưng sau hơn 3 tháng triển khai, 15ha lạc thuộc mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu tại HTX Quật Xá, xã Cam Thành (Cam Lộ - Quảng Trị) vẫn cho năng suất vượt trội.

tr12d.jpg
Mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu cho năng suất vượt trội.

 

Năng suất thực thu cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 4 tạ/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 9 - 10 triệu đồng/ha.

Tăng lợi nhuận

Bà Đoàn Thị Nga, một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, gia đình bà có 10 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) sản xuất lạc theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng giống lạc L14. Ước tính năng suất thu hoạch đạt 1,2 tạ/sào, cao hơn so với trước đây 0,2 tạ/sào. Với giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi hơn 15 triệu đồng.

Theo bà Nga, khi tham gia thực hiện mô hình, bà và các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn  làm đất, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt là sử dụng máy gieo hạt chứ không gieo bằng tay như trước đây nên giảm được công lao động và đảm bảo mật độ. Ngoài ra, HTX đã điều hành tốt khâu tưới tiêu, đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm cho đất, giúp lạc phát triển tốt.

Theo kỹ sư Dương Hồng Phong, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị,  mô hình được triển khai tại HTX Quật Xá trên diện tích 15ha với 90 hộ tham gia. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống lạc chất lượng cao, chế phẩm vi sinh Tricoderma, các loại vật tư phân bón, máy gieo hạt, hệ thống tưới phục vụ cho ruộng mô hình khi thời tiết khô hạn.

Theo kỹ sư Phong, vụ hè thu năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài,  ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng nói chung và cây lạc nói riêng. Tuy nhiên, ở ruộng mô hình, do sử dụng giống lạc L14, là giống lạc có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng thích ứng rộng, tỉ lệ đậu quả cao; gieo trồng bằng máy gieo hạt MGH-1 đảm bảo mật độ 45 cây/m2 và áp dụng đúng quy trình kĩ thuật, sử dụng phân đạm urê hạt vàng nhả chậm, chủ động được nước tưới, xử lí đất bằng chế phẩm Tricoderma trước khi gieo nhằm tăng độ phì cho đất nên cây lạc vẫn phát triển tốt, hạn chế được bệnh chết ẻo; các chỉ tiêu cấu thành năng suất như số quả, số quả chắc, trọng lượng quả… đều cao hơn so với ruộng đại trà của người dân.

Kết quả, năng suất ở ruộng mô hình đạt trên 24 tạ/ha, cao hơn so với ruộng đại trà 4 tạ/ha. Với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, ruộng mô hình mang lại lợi nhuận gần 29,5 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đại trà gần 9,2 triệu đồng/ha.

Nhân rộng mô hình

Theo Giám đốc HTX Quật Xá Trần Văn Lương, hầu hết xã viên đều đánh giá cao hiệu quả mà mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại.

Thống kê của HTX cho thấy, ruộng mô hình có năng suất cao hơn so với ruộng đại trà của người dân từ 4 - 6 tạ/ha. Ngoài ra, do lạc trong vụ hè thu này chủ yếu là bán để làm lạc giống cho vụ đông xuân nên giá bán thường đạt 40.000 - 45.000 đồng/kg nên tính ra người trồng lạc thu lãi  47 - 53 triệu đồng/ha.

“Trên cơ sở kết quả đạt được, trong vụ đông xuân tới, HTX sẽ vận động xã viên áp dụng mô hình này trên toàn bộ diện tích trồng lạc của gia đình”, ông Lương cho hay.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Lê Anh Chương đánh giá rất cao mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu này. Theo ông Chương, bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân, mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Thông qua mô hình còn trang bị cho người nông dân những kiến thức, kĩ năng mới để áp dụng vào sản xuất của gia đình; tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh sản xuất, thay đổi phương thức canh tác, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

“Là một trong những địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất tỉnh Quảng Trị,  chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện có chính sách hỗ trợ; tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn để nhân rộng mô hình ra toàn huyện”, ông Chương nhấn mạnh.

 

 

Lê An
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top