Một diện tích đất đai rộng lớn thuộc các dự án thực hiện không đúng tiến độ bị “ông trùm” ngang nhiên chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ lợi ích cá nhân. Dư luận nghi ngại có hay không việc “bật đèn xanh” của cơ quan chức năng?
Đến phường Hương Vân, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi hỏi về Dự án quy hoạch xây dựng Nhà máy Xi măng Long Thọ II, nhiều người dân tỏ ra hoài nghi về việc sử dụng đất không đúng mục đích tại đây.
Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, đầu tiên dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng làm chủ đầu tư tại Quyết định số 512/QĐ-UBND ngày 13/02/2007. Sau đó, UBND tỉnh có Công văn số 5684/UBND-XD ngày 15/11/2008 đồng ý chuyển đổi cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Vạn Lộc tiếp nhận dự án.
Tuy nhiên, do không triển khai đúng tiến độ cam kết, ngày 7/4/2010, UBND tỉnh có Quyết định 687/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty CP Đầu tư Vạn Lộc và Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp cho Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng.
Tiếp đến, ngày 21/6/2010, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 31111000178 cho Tổng công ty Sông Hồng.
Dù vậy, Tổng công ty Sông Hồng vẫn không triển khai đúng tiến độ cam kết, ngày 17/4/2013, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định 739/QĐ-UBND chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Quay trở lại nguồn gốc đất được sử dụng tại đây được biết, Dự án quy hoạch xây dựng Nhà máy Xi măng Long Thọ II có diện tích 21ha và dự án “treo” này đã trực tiếp ảnh hưởng đến 7 hộ gia đình phải di chuyển nhà, 350 hộ gia đình bị thu hồi đất nông, lâm nghiệp.
Một diện tích đất đai rộng lớn ấy “bỗng nhiên” được máy múc đến đào xới để trồng cây keo tràm vào cuối năm 2018 trước sự ngỡ ngàng của người dân. Bởi lẽ, theo họ, nhiều người tại phường Hương Vân đang thiếu thiếu đất sản xuất và mong muốn được giao, trả lại đất để tiếp tục canh tác hoa màu.
Vậy mà, theo một người dân sống tại TX Hương Trà, việc trồng cây tại đó là của “ông trùm xây dựng” tại địa phương này. Người này nói thêm, nếu như dự án chưa thực hiện được và tạm chuyển đổi mục đích sử dụng thì nên giao lại cho người dân để họ trồng trọt, canh tác tăng thêm thu nhập. Người này cho biết thêm, việc làm của “ông trùm” như đang giành giật với người dân. Đồng thời, ông cũng hoài nghi phía sau “ông trùm” có “chống lưng”.
Một ý kiến khác về sự việc này, ông Hồ Khả Tô, trú ở thôn Lại Bằng 1, phường Hương Vân, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Hương Trà chia sẻ, nhiều người dân dù rất tiếc nuối khi đất đã thu hồi không được giao lại để tiếp tục sản xuất nhưng cũng tỏ ra đồng ý chủ trương khu đất 21ha ấy trở thành vườn ươm trồng cây xanh đô thị.
“Tuy nhiên, tưởng là vậy nhưng hóa ra không phải vậy, đáng lẽ doanh nghiệp được giao đất phải trồng, ươm cây xanh để cung ứng phục vụ công tác chỉnh trang, xây dựng đô thị thì nay lại ngang nhiên đào hố, cày xới toàn bộ khu đất để trồng rừng keo”, ông Tô bức xúc.
Đi tìm câu trả lời từ cơ quan chính quyền, trao đổi với PV Báo Kinh tế nông thôn, ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, cho biết, UBND xã chỉ quản lý về mặt chính quyền, không quản lý về mục đích sử dụng đất. Về sự việc nêu trên UBND xã đã nắm được và có báo cáo đến UBND TX. Hương Trà mà cụ thể là Trung tâm Phát triển Quỹ đất TX Hương Trà.
Tiếp tục tìm hiểu, trao đổi với ông Trần Xuân Đống, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TX Hương Trà, PV được biết, quỹ đất nói trên hiện nay đã được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất TX Hương Trà quản lý, vừa qua một công ty cây xanh trên địa bàn xin ươm giống cây xanh tại diện tích này và đã được sự đồng ý của UBND TX Hương Trà.
Trước việc công ty cây xanh nói trên trồng keo tràm thay vì ươm cây giống, ông Đống cho hay, UBND TX đã có văn bản đình đơn vị này chỉ tại thời điểm tháng 12/2018. Vị Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TX Hương Trà nói thêm, Trung tâm sẽ lên kiểm tra lại, nếu đơn vị này vẫn tiếp diễn vi phạm sẽ bị xử lý.
Từ nguồn tin của PV, được biết, công ty cây xanh đang được UBND TX. Hương Trà cho phép ươm giống cây xanh trong khu đất của Dự án quy hoạch xây dựng Nhà máy Xi măng Long Thọ II là Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị An Nhiên. Theo điều tra, đứng đằng sau công ty là một nhân vật được mệnh danh là “ông trùm xây dựng” ở thị xã Hương Trà với tên biệt danh thường gọi là Tèo.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.