Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 5 năm 2020 | 11:28

TT - Huế: Triển khai NQ 42 có đối tượng không thuộc các nhóm chi trả

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cơ bản hoàn thành việc chi trả cho 04 nhóm đối tượng khó khăn vì dịch bệnh. Các nhóm đối tượng còn lại đang được tích cực rà soát. Xuất hiện, đối tượng cấp dưỡng mầm non không nằm trong các nhóm đã quy định.

Hoàn thành chi trả cho 04 nhóm đối tượng được ưu tiên

Theo đó, vào ngày 28/4/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định 1083/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong danh sách này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt 134.907 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí là: 149.178.750.000đ.

Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ (Nghị quyết số 42) và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 15) quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, những đối tượng này được hỗ trợ với thời gian 03 tháng.

 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế ưu tiên chi trả cho nhóm 4 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế ưu tiên chi trả cho nhóm 4 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

 

Báo cáo nhanh của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 30/4/2020 về tiến độ hỗ trợ người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cho biết, tính đến 17h30 cùng ngày ước đạt đã chi trả kinh phí hỗ trợ trên 95% kinh phí cho các đối tượng đã được phê duyệt.

Được biết, số chưa chi trả kịp tính đến ngày 30/4/2020 chủ yếu là các hộ/cá nhân do đau ốm, bệnh tật, cao tuổi... Do đó, để hoàn thành mục tiêu 100% đối tượng được hỗ trợ kịp thời, nhiều địa phương đã cử người thực hiện việc chi trả cho các đối tượng tại nhà.

Ngày 11/5/2020, ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, địa phương đã hoàn thành 100% việc chi trả cho 04 nhóm đối tượng ưu tiên đã được phê duyệt kèm theo Quyết định 1083/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tương tự, thông tin từ các huyện Phong Điền, A Lưới… cho biết, các địa phương này cũng đã đã hoàn thành 100% việc chi trả cho 04 nhóm đối tượng được ưu tiên vào đầu tháng 5/2020.

Tiếp tục rà soát, đối tượng cấp dưỡng mầm non chưa biết xếp trong nhóm nào

Thực hiện Công văn số 3306/VPCP-KGVX ngày 25/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42, Quyết định số 15; bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các tổ chức đoàn thể liên quan trong việc rà soát, niêm yết công khai kỹ đối tượng được hưởng chính sách, bảo đảm tính chính xác, hạn chế tối đa việc tăng nguồn kinh phí, chủ động sử dụng nguồn ngân sách huyện để chi trả kịp thời cho các đối tượng.

Bố trí, phân công Lãnh đạo huyện, đơn vị về trực tiếp các phường, xã để kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện; không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có, phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo.

Trao đổi với Kinh tế nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hoàng Văn Thái cho biết, địa phương đã giao cho các xã tiến hành rà soát các nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Dự kiến, sẽ hoàn tất danh sách rà soát trước ngày 15/5/2020.

Ông Thái cho biết, trên cơ sở khai báo của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các thôn, xã sẽ xác minh, xác nhận thông tin và gửi về UBND huyện. Đối với những lao động đi làm việc ở địa phương khác hoặc từ nơi khác đến cư trú làm việc tại địa phương thì có thể thực hiện khai báo và nhận tiền hỗ trợ tại nơi cư trú hoặc nơi tạm trú.

Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động nhận tiền hỗ trợ tại nơi tạm trú thì phải thực hiện khai báo, xác nhận không nhận tiền hỗ trợ tại nơi cư trú và ngược lại, ông Thái trao đổi thêm.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, địa phương đang rà soát các nhóm đối tượng còn lại được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Và, về cơ bản, địa phương đã hoàn thành việc rà soát các nhóm đối tượng này.

Cụ thể như, huyện A Lưới đã tổng hợp được số liệu của 183 hộ kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, rà soát đến thời điểm hiện tại, huyện A Lưới chưa ghi nhận đối tượng người sử dụng lao động đảm bảo các điều kiện theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 để có thể tham gia vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Cũng trong quá trình rà soát, huyện A Lưới nhận thấy nhóm lao động cấp dưỡng của các trường mầm non đang khó xác định để đưa vào danh sách chi trả, hỗ trợ. Bởi lẽ, bình thường nhóm đối tượng này được phụ huynh nộp tiền để trả lương, do đó, đối tượng này không nằm trong những quy định cụ thể của Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Hiện, huyện đã báo cáo để xin chỉ đạo của tỉnh, ông Cường chia sẻ.

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Hà Văn Tuấn cho biết, các xã, phường tại địa phương đang triển khai rà soát lại các nhóm đối tượng còn lại để tiến hành đề xuất lên UBND tỉnh phê duyệt và tiến hành chi trả. Thị xã Hương Trà đã giao việc này cho 01 đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách để đảm bảo tính cụ thể, chính xác, khách quan và kịp thời.

Thông tin từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, căn cứ những hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan chức năng, đơn vị này đã bố trí con người, lực lượng, vốn, tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị để nắm nhu cầu của người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn. Sau khi rà soát và danh sách được UBND phê duyệt, đơn vị sẽ tiến hành các thủ tục thực hiện cho người sử dụng lao động vay vốn theo quy định hiện hành.
Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top