Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2019 | 14:47

Tư Nghĩa phấn đấu sớm về đích huyện NTM

Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2019.

1-tu-nghia.JPG
Diện mạo nông thôn mới ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa.

 

Nỗ lực không ngừng

Hơn 8 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tư Nghĩa không ngừng nỗ lực triển khai XDNTM. Đến nay, huyện  có 100% số xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Tư Nghĩa cũng đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM và phấn đấu đạt tiêu chí về môi trường trong thời gian tới, để cuối năm 2019 huyện về đích NTM. 

Năm 2011, khi mới triển khai XDNTM, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện chỉ đạt 4,3 tiêu chí, có xã chỉ đạt 1 tiêu chí; thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người; hộ nghèo chiếm 14%. Đặc biệt,  2 xã miền núi là Nghĩa Thọ và Nghĩa Sơn có  98% dân số là đồng bào dân tộc Hrê (Nghĩa Thọ là xã đặc biệt khó khăn với hơn 76% hộ nghèo).

Trước thực trạng đó, Tư Nghĩa đã chọn Nghĩa Lâm làm xã điểm XDNTM (đây cũng là xã điểm của tỉnh). Sau 4 năm triển khai, đến năm 2015, Nghĩa Lâm đã về đích NTM.

Trong quá trình triển khai XDNTM, Tư Nghĩa xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để  nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, đưa kế hoạch XDNTM vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó phát huy vai trò làm chủ của người dân, coi trọng việc phát huy nội lực của người dân và mỗi địa phương, đơn vị là động lực; đồng thời kết hợp có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết: Trong quá trình XDNTM, huyện chú trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là người đứng đầu cấp xã, thôn. Mặt khác, mỗi địa phương phải căn cứ vào lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn việc nào làm trước, việc nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp. Đồng thời, việc huy động nguồn lực để XDNTM phải theo phương châm: “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.

Với cách làm này, Tư Nghĩa đã từng bước hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM và phấn đấu về đích trước 1 năm so với kế hoạch tỉnh giao.

Ông Thành chia sẻ: “Nhờ XDNTM mà hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Nếu năm 2011, toàn huyện có 14% số hộ nghèo thì nay chỉ còn trên 3%, thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, huyện sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí NTM, tiến đến xây dựng lộ trình đăng ký xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”.

Diện mạo khởi sắc

Tính riêng năm 2018, Tư Nghĩa đã đầu tư trên 192 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn, sân vận động... Để có nguồn kinh phí đầu tư, ngoài ngân sách Trung ương và tỉnh cấp (trên 87 tỷ đồng), huyện và các xã đã đầu tư 37,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên 56 tỷ đồng. Đặc biệt, đã huy động nguồn lực trong dân đóng góp gần 23 tỷ đồng. Người dân tích cực hiến đất mở đường, xây dựng nhà văn hóa...  Huyện Tư Nghĩa đã xây dựng và hoàn thành một khu dân cư (KDC) kiểu mẫu.

Sang năm 2019, huyện tiếp tục triển khai xây dựng thêm 6 KDC kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2020, các xã trên địa bàn đều có KDC kiểu mẫu, tiến đến xây dựng xã NTM nâng cao.

Tư Nghĩa hiện đã đổi thay, đường giao thông đã bê tông hóa đến mọi khu dân cư. Các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học đều được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống người dân.

Thông qua dồn điền đổi thửa, đưa giống mới vào sản xuất, năng suất lúa, hoa màu tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Theo ông Thành, thời gian tới, Tư Nghĩa sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, Trung ương để đầu tư phát triển sản xuất, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top