Mỗi người chọn cho mình một lĩnh vực để khởi nghiệp nhưng họ có một điểm chung, đó là nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo, tuổi trẻ Hà Tĩnh đã và đang từng bước khẳng định mình.
Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, họ còn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của quê hương.
Khát vọng “nâng tầm” sản phẩm đồ gỗ
Là Giám đốc của một doanh nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng Phan Văn Thành (sinh năm 1990) đã có những định hướng phát triển công ty khá mới lạ. Không giống như các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ khác tại làng nghề mộc Thái Yên là sản xuất các loại bàn ghế, tủ, giường, đồ thờ… ông chủ của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên lại chọn sản xuất các sản phẩm như dụng cụ nhà bếp, dụng cụ mát - xa, đồ lưu niệm... từ gỗ.
Tốt nghiệp Đại học kinh tế, bôn ba khắp mọi miền Tổ quốc, khi niềm đam mê đã chín, cùng với nắm bắt tiềm năng, cơ hội mới, Phan Văn Thành quyết định trở về quê khởi nghiệp với ý tưởng tìm hướng đi mới cho đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề Thái Yên (Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ).
Những cuốn sổ, đèn, móc khóa, đĩa, bình hoa, cốc, bộ dụng cụ nhà bếp … dưới sự chỉ dẫn của vị giám đốc trẻ tuổi, cùng với bàn tay của những người thợ mộc Thái Yên thổi hồn vào đó, khắc đậm dấu ấn vùng miền văn hóa và con người Hà Tĩnh như: Ngã ba Đồng Lộc, Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ…, khi tung ra thị trường đều được khách hàng, nhất là khách du lịch đặc biệt quan tâm.
Với phương châm sản xuất là sự kết hợp hài hoà giữa tinh hoa truyền thống làng nghề cùng phương thức sản xuất hiện đại để tạo ra những sản phẩm tinh tế, chất lượng, hữu ích, an toàn, các sản phẩm đồ lưu niệm bằng gỗ cửa công ty đã nhanh chóng chinh phục thị trường không chỉ trong và ngoài tỉnh mà còn ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức, tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương.
“Mục tiêu công ty hướng đến không chỉ là sản xuất đồ lưu niệm bằng gỗ mà còn trở thành trung tâm kết nối cung cầu các sản phẩm đồ gỗ, xây dựng làng mộc Thái Yên trở thành làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch”, Phan Văn Thành cho biết.
Với sự nỗ lực của vị giám đốc trẻ, Mô hình sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, gia dụng tiện ích kết hợp với không gian trải nghiệm, sáng tạo của anh Phan Văn Thành đã đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2019”. Đặc biệt, năm 2020, bộ dụng cụ nhà bếp của công ty đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh công nhận là sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao.
Làm giàu trên vùng đất khó
Sinh ra trong gia đình làm nông tại huyện miền núi biên giới Vũ Quang, hoàn cảnh cuộc sống khó khăn đã tạo động lực để Đoàn Ngọc Bảo phấn đấu vượt khó vươn lên.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên, Bảo được nhận vào làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông. Môi trường công tác ổn định, công việc phù hợp với chuyên môn của mình, thế nhưng anh vẫn quyết định trở về quê lập nghiệp trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè.
Nhận thấy, gia đình có quỹ đất rộng, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả vườn đồi, tỉnh nhà đang có nhiều cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới đã nhen nhóm trong anh khát vọng phát triển thương hiệu cam Vũ Quang.
Đoàn Ngọc Bảo cho biết: Bản thân là kỹ sư nông nghiệp, lại được tham gia các lớp tập huấn trồng cam và học hỏi từ thực tiễn nên tôi quyết định phải làm điều gì đó khác biệt cho cây cam đặc sản của quê hương mình. Đó chính là trồng cam theo hướng sinh thái hữu cơ. Chỉ có như vậy mới có thể đứng vững được với nhịp sống thị trường hiện nay trước những yêu cầu khắt khe về thực phẩm sạch.
“Cái khó đầu tiên là tôi phải vượt qua áp lực dư luận. Quê tôi còn nghèo khó, được ăn học rồi làm việc trong cơ quan Nhà nước như tôi được xem là người thành đạt. Vì vậy, khi tôi quyết định bỏ ngang công việc về quê khởi nghiệp, nhiều người nghĩ tôi có vấn đề, hoang tưởng. Nhưng lúc đó, tôi tự nhủ mình đã quyết tâm rồi, đã lựa chọn rồi thì chỉ còn một con đường là làm nỗ lực hết mình. Cha tôi dựng 4 cái cọc làm lán trên đồi, 2 vợ chồng tôi cơm đùm, cơm nắm lên lán ở để khai hoang. Giữa rừng sâu, sên, muỗi nhiều không kể xiết. Vất vả, cực nhọc nhưng may mắn tôi có vợ đồng cam cộng khổ nên mọi khó khăn cũng trôi qua”, Bảo chia sẻ.
Năm 2015, bước đầu khởi nghiệp với số vốn tích góp được, Bảo đã tự nhân giống từ vườn cam chanh xã Đoài đầu dòng. Mỗi năm mở rộng diện tích trồng thêm cam, bưởi và các loại cây ăn quả khác kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, nuôi ao cá theo mô hình VACR với quy mô gần 20ha, trong đó có 6ha cam nguyên liệu. Đến nay, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập ước đạt khoảng 300 triệu/năm, dự tính trong năm tới, khi các vườn cây ăn quả đồng loạt cho thu hoạch, sẽ mang lại nguồn thu 700-900 triệu/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, xây dựng mô hình, phát triển thương hiệu cam Bảo Phương, năm 2019, mô hình của anh vinh dự được tỉnh chọn là 1/10 mô hình điểm của tỉnh và là đoàn viên thanh niên duy nhất được chọn mô hình điểm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Thương hiệu Cam Bảo Phương do anh sáng lập đã được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được hội đồng giám khảo đánh giá cao và người tiêu dùng trên khắp cả nước ghi nhận, tin dùng. Hiện, Cam Bảo Phương đã có mặt trên nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Ngoài công việc bộn bề của ông chủ trang trại trẻ, Đoàn Ngọc Bảo còn tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội địa phương tổ chức; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ các bạn đoàn viên, thanh niên hình thành ý tưởng, xây dựng kế hoạch, tiếp cận các điều kiện hỗ trợ từ nhiều phía để khởi nghiệp, làm giàu từ những tiềm năng, lợi thế của quê hương. Ngoài ra, anh còn thường xuyên được các trường THPT, cao đẳng, đại học mời nói chuyện, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.
Với những cố gắng, nỗ lực, nhiều năm liền Đoàn Ngọc Bảo được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen; được vinh danh điển hình thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác. Đặc biệt, anh là một trong 3 đại diện của tuổi trẻ Hà Tĩnh được vinh danh điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII; một trong 6 thanh niên tiêu biểu Hà Tĩnh dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III.
Anh Lê Thành Đông, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đánh giá: “Thanh niên Hà Tĩnh năng động, sáng tạo, có ước mơ, khát vọng. Phan Văn Thành và Đoàn Ngọc Bảo là những tấm gương thanh niên điển hình tiên tiến, tích cực, đầy sáng tạo, không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, họ còn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của quê hương Hà Tĩnh”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.