Bám sát đặc điểm sản xuất và nhu cầu thực tế của người dân, những năm gần đây, thông qua việc thực hiện các mô hình khuyến nông, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã thực sự đồng hành cùng bà con nông dân trong phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo…
Mía trong mô hình phát triển tốt
Được đánh giá là một “điểm nhấn” trong hoạt động của Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên, mô hình thâm canh chăm sóc sớm mía lưu gốc đã giúp mở ra hướng đi mới, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân.
Đầu năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương triển khai mô hình thâm canh chăm sóc sớm 6 ha mía lưu gốc tại 14 hộ thuộc các xã: Bạch Xa, Phù Lưu, Bằng Cốc, Minh Khương, Minh Hương, Đức Ninh, Thái Hòa, Yên Phú, Bình Xa, Nhân Mục, Thái Sơn và Hùng Đức. Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc mía, đồng thời cán bộ khuyến nông cơ sở bám sát đồng ruộng theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của ruộng mía, tổ chức hướng dẫn cho các hộ nông dân bón phân, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Các hộ tham gia mô hình được vay trả chậm vật tư phân bón đến cuối vụ thu hoạch và được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha bằng phân bón, cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dân kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.
Kết quả cho thấy, trên cùng một điều kiện thổ nhưỡng nhưng biện pháp kỹ thuật tác động khác nhau đã giúp cho 6ha mía có mức độ nhiễm sâu đục thân, rệp nhẹ hơn; chiều cao cây mía hơn diện tích đối chứng từ 0,2 m/cây, to, nặng hơn; năng suất bình quân đạt 117,6 tấn/ha, tăng hơn 55,1 tấn/ha; sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ thu lãi tăng hơn 30 triệu đồng/ha so với cách trồng mía truyền thống.
Là hộ có năng suất mía lên tới 126,7 tấn/ha, ông Lê Văn Khánh ở thôn Trầm Bùng, xã Đức Ninh chia sẻ, với sự hướng dẫn thường xuyên của cán bộ khuyến nông, gia đình ông đã thực hiện tốt kỹ thuật “4 sớm” gồm: bạt gốc sớm, cày xả gốc và lọng gốc sớm, dặm gốc sớm, bón phân sớm. Cùng với đó, gia đình ông Khánh cũng luôn tuân thủ đúng quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh vì vậy, năng suất mía đã tăng gấp 2 lần so với năm 2016.
Theo ông Vũ Bình Luận, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên, mô hình thâm canh chăm sóc sớm mía lưu gốc chỉ là 1 trong 25 mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực trồng trọt được Trạm triển khai thực hiện từ đầu năm 2017 đến nay. Trong đó, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như thâm canh chăm sóc sớm mía lưu gốc; sử dụng phân DAP Lào Cai trên cây lúa, cây lạc; sử dụng phân bón vi sinh vô cơ TOBA trên cây chè, lúa và cam; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cam; mô hình nuôi gà trên đệm lót an toàn sinh học...
Tìm hiểu được biết, chỉ riêng đối với cây trồng chủ lực là cam sành, năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên đã thực hiện 11 mô hình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cam với diện tích 4,5ha.
Ông Vũ Đình Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên chia sẻ, các mô hình khuyến nông do Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên thực hiện đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất của địa phương và giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Thu nhập bình quân đã tăng từ 21 triệu đồng/người/năm 2015 lên hơn 24 triệu đồng/người hiện nay.
Tạ Quang Đạo
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.