Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 6 năm 2021 | 22:21

Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Tuyên Quang đang diễn biến phức tạp khi 6/7 huyện xuất hiện bệnh. Để kịp thời ngăn chặn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, tránh để dịch bệnh kéo dài, lây lan, phát sinh ổ dịch mới.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Tuyên Quang đang diễn biến phức tạp.  

 

 

Bệnh diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Dương, tính đến ngày 21/5, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 23/31 xã với tổng 245 con bò của 179 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh. Trong đó, số bò chết đã tiêu hủy là 19 con với tổng trọng lượng 2.460 kg. Số bò mắc bệnh còn lại đang được nuôi nhốt cách ly, chăm sóc, điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hiện đã có gần 50 con được điều trị khỏi bệnh.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được ghi nhận tại 9 xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa với 42 con mắc bệnh. Ông Hà Doãn Đạo, thôn Thượng Quang, xã Xuân Quang (Chiêm Hoá) cho biết, thời gian gần đây phát hiện trên da bê con của gia đình có các nốt sần sùi. Ông Tuyên đã báo cho chính quyền địa phương, đề nghị các cơ quan chuyên môn huyện lấy mẫu xét nghiệm và xác định bệnh viêm da nổi cục.

Tại huyện Lâm Bình, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện tại 6/8 xã, với tổng số 35 con trâu, bò bị, trong đó có 3 con đã bị chết. Trước tình hình trên, UBND huyện Lâm Bình đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã quản lý chặt chẽ số trâu, bò mắc bệnh; hướng dẫn nuôi cách ly những con ốm; những con bị chết phải tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, chỉ trong thời gian ngắn, dịch viêm da nổi cục đã được ghi nhận tại 62 xã trên địa bàn 6/7 huyện với 388 con bò mắc bệnh, làm chết 22 con. Qua đây cho thấy, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Nhiều giải pháp phòng, trị bệnh

Ngay sau khi bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND các huyện tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và hướng dẫn cách xử lý khi có trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục.

 Công tác phun tiêu độc khử trùng tại khu chăn nuôi.

 

Đồng thời, phân công cán bộ thú y cơ sở thường xuyên sâu sát nắm bắt tình hình dịch bệnh, đồng thời phát hiện sớm các ổ dịch, bao vây dập tắt dịch ngay khi mới phát sinh, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng; tập trung chỉ đạo tiêm phòng bổ sung đối với đàn trâu, bò mới tái đàn hoặc chưa được tiêm phòng.

Chính quyền địa phương đã vận động người dân thường xuyên vệ sinh, phun thuốc diệt côn trùng chuồng trại tại khu vực chăn nuôi, nơi có nguy cơ cao mắc bệnh, nơi buôn bán gia súc, gia cầm và các phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy định, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn.

Tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ hơn 15.000 lít thuốc khử trùng cho các địa phương có dịch. Một số cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt lớn đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn vật nuôi với 11.706 liều.

Theo ông Đào Duy Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, hiện vắc xin phòng dịch viêm da nổi cục mới có và chưa được bán đại trà nên cần phải có thời gian tiếp cận. Việc cần làm lúc này là kiểm soát chặt việc vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn; công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi phải được thực hiện thường xuyên, tăng cường các biện pháp diệt vật chủ trung gian truyền bệnh như phun thuốc diệt muỗi, ve, mòng…

Thời gian tới, dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do tỷ lệ trâu, bò được tiêm phòng vắc xin thấp, nhiều người chăn nuôi chưa nắm được thông tin về dịch bệnh. Đặc biệt, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho ruồi, muỗi, ve, mòng sinh sôi. Do đó, mỗi hộ chăn nuôi cần thực hiện vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi; phát hiện kịp thời dịch bệnh báo cáo cơ quan chức năng xử lý, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.       

Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh viêm da nổi cục truyền nhiễm hoặc bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút không gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, để tránh nguy cơ lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định; có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm; chi trả công tiêm vắc xin, kinh phí mua thuốc diệt côn trùng.

Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc. 

 

 

   

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top