Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 11 năm 2018 | 14:21

TX. Long Mỹ: Nở rộ mô hình sản xuất hiệu quả

Thời gian qua, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) luôn quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả dựa trên đặc thù của địa phương. Những mô hình này đã dần giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

1.jpg
Mô hình trồng rau trong nhà lưới giúp ông Bi nhẹ công chăm sóc và có nguồn thu nhập ổn định hàng ngày.

 

Sử dụng công nghệ mới

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà thuộc dự án “Xây dựng một số mô hình sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm” do Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang thực hiện tại xã Long Phú. Mô hình vừa kiểm soát được môi trường, nấm dại và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, ít tốn công, vừa tạo ra sản phẩm an toàn và được liên kết theo chuỗi giá trị bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra.

Ông Nguyễn Văn Lâm (ấp Long Hòa 1, xã Long Phú), người thực hiện mô hình, cho biết: “Hồi trước, tôi chỉ biết trồng nấm rơm ngoài trời. Khi mưa, nắng không kiểm soát được yếu tố thời tiết nên dễ dẫn đến tình trạng thất mùa. Bây giờ, trồng theo mô hình trong nhà giúp kiểm soát được các điều kiện của môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, giúp nấm phát triển tốt hơn và chủ động được thời gian thu hoạch. Hiện nay, rơm được ủ chín và cấy meo sẵn thành dạng compost (hỗn hợp), giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, công lao động”.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà còn giúp ông Lâm tận dụng được nguồn phụ phẩm trong canh tác lúa để tăng thêm thu nhập. Sản phẩm làm ra được an toàn hơn để phục vụ người tiêu dùng và hướng đến việc canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, ông còn được tập huấn về kỹ thuật, được hỗ trợ 50% giá trị nhà trồng nấm và sản phẩm nấm làm ra được công ty bao tiêu với giá 45.000-50.000 đồng/kg.

Ông Lâm cho biết thêm: “Làm theo kiểu mô hình này tôi còn biết sử dụng công nghệ mới. Đó là dùng bộ cảm ứng giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí dựa trên thông số chính xác đo được trực tuyến 24/24 giờ. Từ đó, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất từ tác động của môi trường như nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nồng độ CO2 cao”.

Phá thế độc canh cây lúa

Bên cạnh nấm rơm, việc đưa rau màu xuống ruộng cũng góp phần phá thế độc canh cây lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thay vì trồng lúa 2-3 vụ/năm như trước thì giờ nhiều nông dân chọn luân canh 1 vụ lúa và 2-3 vụ rau màu. Các loại rau màu được trồng phổ biến như: dưa leo, khổ qua (mướp đắng), đậu bắp và một số loại rau ăn lá khác, tập trung nhiều ở khu vực 6 và khu vực 5, phường Thuận An.

Ông Nguyễn Văn Được (khu vực 6, phường Thuận An) cho biết: “Nhờ hệ thống đê bao được xây dựng, bảo vệ chắc chắn nên tôi canh tác được rau màu trên nền đất ruộng. Nhờ chuyển đổi cây trồng, luân canh rau màu trên nền đất ruộng mà kinh tế gia đình đã khấm khá hơn. Với 2 công đất, gia đình đạt lợi nhuận 12-15 triệu đồng/vụ/năm từ trồng khổ qua và dưa leo”.

Trồng rau thủy canh trong nhà lưới cũng được người dân thị xã Long Mỹ phát triển. Mô hình xuất hiện đầu tiên tại nhà chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (ấp 5, xã Long Trị A) với diện tích 50m2. Chị Tuyền cho biết: “Bây giờ, nhu cầu thực phẩm cao nên người dân trồng rau nhiều, sâu bệnh cũng không ít nên rau bị phun thuốc nhiều. Nghĩ thế nên tôi  tự trồng rau để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình mình”. Vườn rau của chị đủ các loại như cải thìa, cải xà lách tím, cải rổ, dưa leo…, không những đủ cung cấp rau sạch cho gia đình mà còn có thể bán cho bà con trong khu vực với số lượng trung bình 10kg/ngày. Giá bán 25.000-50.000 đồng/kg nên cũng đủ để chị trang trải chi phí trong sinh hoạt.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ  và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang đã phối hợp thực hiện điểm trình diễn trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại phường Thuận An. Mô hình có quy mô 300m2 tại hộ ông Nguyễn Văn Bi, ở khu vực 5. Với mô hình này, ông Bi rất nhẹ công chăm sóc vì không phải tưới rau hàng ngày do sử dụng hệ thống tưới đối lưu tuần hoàn. Chất dinh dưỡng hòa trong nước được tự động di chuyển đem dinh dưỡng đến nuôi rễ cây. Khu trồng rau được bao nhà lưới chắc chắn, không để côn trùng, sâu hại xâm nhập gây bệnh.

Ông Bi cho biết: “5 năm trước, tôi trồng rau ăn lá nhưng vì mưa nắng làm ảnh hưởng năng suất rau nên tôi che lưới bên trên, tuy nhiên sâu hại vẫn tấn công. Nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên tôi mạnh dạn phối hợp với thị xã đầu tư đối ứng dàn khung nhà lưới gần 10 triệu đồng. Không ngờ, chỉ mới trồng chưa được một tháng nhưng tôi thấy mô hình khá hiệu quả. Rau mau lớn mà không cần bỏ công tưới hàng ngày và không phải xịt thuốc trừ sâu, rất nhẹ công chăm sóc”.

Hiệu quả của các mô hình mang lại cho thấy việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng, ứng dụng phương thức sản xuất theo công nghệ hiện đại của nông dân thị xã Long Mỹ đã mở ra triển vọng chuyển dịch tích cực trong cơ cấu nông nghiệp. Đây cũng là tiền đề và giải pháp thiết thực giúp người dân có công ăn việc làm và đẩy mạnh kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

 

Trúc Linh
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top