Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2019 | 14:39

Ứng dụng KHCN thay đổi tập quán sản xuất

Phổ biến kiến thức, khoa học công nghệ (KHCN) đến hội viên, nông dân được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp Hội) xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Chính vì thế, thời gian qua, công tác này được đơn vị phối hợp với các hội thành viên, đặc biệt là Hội Làm vườn, triển khai thường xuyên và mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

 

2.jpg

Hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ bệnh trên cây chanh.

 

Xây dựng mô hình “cây xoài nhà tôi”

Vùng trồng xoài huyện Cao Lãnh là một trong những vùng cây ăn trái tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Các chương trình hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, địa phương và người dân tự áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo theo giá trị sản phẩm cũng tăng.

Ông Nguyễn Phước Thọ, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cao Lãnh, cho biết, Cao Lãnh được biết đến là vùng trồng xoài lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, trước đây người dân trồng xoài theo tập quán cũ, chưa hiểu biết nhiều về tiến bộ kỹ thuật, máy móc hỗ trợ, dẫn tới chất lượng sản phẩm thấp. Từ năm 2016, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương đã xây dựng mô hình “Cây xoài nhà tôi”, người trồng xoài tại đây được các chuyên gia, nhà khoa học chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, trồng xoài theo hướng an toàn, nghịch vụ mang lại năng suất cao, chất lượng tốt. Nhờ đó, xoài Cao Lãnh đạt yêu cầu về chất lượng và được xuất sang thị trường các nước: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Úc...

Ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) chia sẻ, ông bắt đầu trồng xoài từ năm 1995, trước đây, xoài chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh nên giá trị trái xoài không cao. Sau khi tham gia HTX xoài Mỹ Xương, được HTX triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi” có hỗ trợ kỹ thuật canh tác, ông đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm được quản lý truy xuất nguồn gốc nên chất lượng được đảm bảo. Đến nay, qua hơn 3 năm canh tác, ông Mách đã bán được hơn 25 “Cây xoài nhà tôi”, với giá 3-5 triệu đồng/cây. Từ đó, giúp thu nhập của gia đình ông ổn định hơn so với trước.

Cùng với việc hỗ trợ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để giúp người nông dân tiếp cận thông tin về thị trường xuất khẩu, các yêu cầu của thị trường hiện nay, năm 2019, Liên hiệp Hội đã phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh, HTX, Hội quán tổ chức phổ biến kiến thức về thông tin thị trường, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về sản phẩm sạch... đến người dân, nhờ đó bà con nắm bắt được các quy trình kỹ thuật cơ bản trong sản xuất, áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao. Hiện huyện có hơn 400ha xoài Cao Lãnh được cấp mã vùng cho xuất khẩu, giúp nâng cao hiệu quả cho người trồng xoài.

Chủ động nhân rộng

Theo ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, ngoài cây xoài, trong năm 2019, Liên hiệp Hội và Hội Làm vườn còn phối hợp phổ biến kiến thức KHCN, các quy trình sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP cho các cây trồng khác như chanh, cam, quýt... Đặc biệt là kiến thức về “Giải pháp khắc phục suy thoái vườn cam, quýt”, cách xử lý bệnh trên cây quýt hồng đã giúp một số nông dân thay đổi tập quán canh tác, từng bước phục hồi được vườn cây ăn trái, tạo sự phấn khởi trong nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Đầy (ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung), một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi theo quy trình sản xuất mới, chia sẻ, trước đây, vườn quýt hồng 1ha của gia đình bị nhiễm bệnh chết xanh, vàng lá, thối rễ. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trường Đại học Cần Thơ và Chi cục Trồng trọt tỉnh, qua giải pháp dùng phân hữu cơ ủ bón cho cây nên hiện nay tỷ lệ phục hồi trên cây đạt khoảng 95%, cây đã xanh tốt, ra đọt bình thường... “Từ hiệu quả mô hình của ông Đầy, sắp tới, Hội Làm vườn huyện Lai Vung sẽ nghiên cứu, nhân rộng phương pháp phòng trừ bệnh trên cây có múi ra toàn huyện. Việc này nhằm từng bước đẩy lùi dịch hại trên cây, đồng thời phục hồi diện tích vườn quýt Lai Vung trước đây”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Lai Vung, chia sẻ.

Theo Liên hiệp Hội Đồng Tháp, trong năm, với sự ủng hộ và phối hợp khá chặt chẽ của các hội thành viên và người dân, Liên hiệp Hội tổ chức và phối hợp tổ chức với Liên hiệp Hội Việt Nam, hội thành viên và các ngành thực hiện các chương trình hội thảo, hội nghị báo cáo chuyên đề với hơn 1.080 đại biểu tham dự. Theo đó, các chương trình hội thảo, hội nghị báo cáo chuyên đề bao gồm các nội dung: giải pháp cải tạo đất giúp cây trồng phát triển ổn định; phát triển trong thời chuyển đổi số với những tiến bộ của khoa học và công nghệ; những vấn đề nhà nông cần biết về xuất khẩu hàng hóa nông sản trong giai đoạn hiện nay...

Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng KHCN và sản xuất tại khu vực nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do còn nhiều nông hộ vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất; nguồn kinh phí hạn chế... Ngoài ra, một số địa phương và người dân chưa chủ động, sẵn sàng trong việc tiếp thu các mô hình ứng dụng KHCN đã thành công để nhân rộng sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn...

Thời gian tới, Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các hội thành viên, đặc biệt là Hội Làm vườn, ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới... Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các địa phương, các ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần cùng địa phương hiện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu nông nghiệp.                    

 

 

 

M.N
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top