Những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây nhiều thách thức cho người dân và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là người dân sinh sống tại các vùng ven biển bị xâm nhập mặn. Việc triển khai mô hình nuôi vịt biển 15 được xem là xu hướng mới nhằm đa dạng hóa vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đàn vịt trong mô hình phát triển tốt.
Tháng 9/2017, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi triển khai mô hình nuôi vịt biển 15 cho 18 hộ dân sinh sống tại 3 xã ven biển trên địa bàn TP. Quảng Ngãi gồm: Nghĩa Phú, Nghĩa Hà và Tịnh Hòa với 6.500 con giống. Chỉ sau vài tháng triển khai, mô hình đã đạt kết quả rất khả quan.
Anh Phạm Phú, trú tại thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, người tham gia mô hình, cho hay: Giống vịt biển 15 rất khác với những giống vịt khác, vì nó có thể uống nước biển và sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn thủy, hải sản dồi dào từ các ao, hồ nuôi thủy sản của địa phương nên vịt lớn nhanh, giảm được lượng lớn thức ăn.
“Hồi mới nhận giống về nuôi, gia đình rất băn khoăn về khả năng thích nghi và chất lượng thịt của giống vịt này. Nhưng chỉ sau vài tháng nuôi, vịt đã đạt trọng lượng từ 2,7-3,0 kg/con. Người mua cũng rất ưng ý vì vịt biển 15 có thịt thơm, mềm”, anh Phú cho biết thêm.
Giống như anh Phú, các hộ nông dân tham gia mô hình nuôi vịt biển 15 đều đánh giá, giống vịt biển 15 đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Bởi lẽ, ngoài việc thích nghi với vùng nước mặn thì khả năng sinh trưởng, phát triển của giống vịt này cũng phù hợp với điều kiện khí hậu của Quảng Ngãi. Đặc biệt, giống vịt biển 15 có chất lượng thịt thơm ngon, mềm, lượng thịt nhiều, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau hơn hai tháng nuôi, người dân đã bán với giá 80.000-85.000 đồng/con. Bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nuôi 360 con vịt biển 15, sau mỗi đợt nuôi, mỗi hộ sẽ thu khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 5,5 triệu đồng.
Ông Cao Tùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TP.Quảng Ngãi, cho biết: “Sau khi các hộ triển khai nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông TP.Quảng Ngãi thường xuyên kết hợp với địa phương tiến hành kiểm tra để đánh giá mô hình này. Tuy đây là mô hình mới, nhưng hầu hết bà con đều thấy rất khả quan. Bên cạnh đó, do vịt biển 15 có thịt thơm, ít mỡ, nên khi xuất bán cũng được nhiều người ưa chuộng, đầu ra khá ổn định”.
Ông Lê Văn Việt, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, hầu hết người nuôi đều thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, nên đàn vịt sinh trưởng tốt. Mặt khác, đây là giống vịt kiêm dụng vừa để lấy thịt, vừa để lấy trứng. Loài vịt này có thể sống được ở vùng nước biển, nước lợ và vùng nước ngọt, ăn được nhiều loại thức ăn nên có sức đề kháng cao, dễ nuôi. Chính vì thế, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tìm hiểu và có hướng phát triển, nhân rộng cho nhiều địa phương khác.
Mô hình nuôi vịt biển 15 được xem là bước đột phá trong ngành chăn nuôi thủy cầm, là giải pháp mới để phát triển ngành chăn nuôi, bởi từ trước tới nay, vịt không thể sống được ở môi trường nước biển mà chỉ sống trong đất liền và khu vực nước ngọt. Việc nhân rộng mô hình nuôi vịt biển 15 sẽ tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ nông dân đang sinh sống tại các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Mạnh Hùng
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.