Lạng Sơn là tỉnh miền núi với diện tích phần lớn là đất đồi rừng, có nhiều bãi chăn thả, có diện tích đất trồng cỏ, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào nên thuận lợi cho việc chăn thả và phát triển chăn nuôi gia súc.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Lạng Sơn vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có, chăn nuôi chủ yếu theo hình thức quảng canh tận dụng, ít đầu tư, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, phần lớn người chăn nuôi chưa biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, do đó, năng suất, sản lượng thấp. Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi chưa cao, chưa tạo ra được những sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội.
Năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn thực hiện mô hình “Vỗ béo bò thịt trong nông hộ”. Để triển khai mô hình có hiệu quả, đồng thời tạo sự lan tỏa đối với người chăn nuôi trong vùng, Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm và các hộ có đủ điều kiện theo quy định để triển khai.
Mô hình được thực hiện từ tháng 6/2017 với quy mô 205 con và 70 hộ của 3 xã miền núi thuộc huyện Bình Gia là Hồng Thái, Tân Văn và Tô Hiệu.
Bò vỗ béo trong mô hình là bò không sử dụng vào mục đích sinh sản, cày kéo và lấy sữa, bò đực nuôi hướng thịt. Kỹ thuật áp dụng theo quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt trước khi giết thịt của Cục Chăn nuôi ban hành. Lượng thức ăn tinh bình quân 3 kg/con/ngày, thức ăn thô xanh bình quân 25 -30 kg/con/ngày, nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp đầy đủ nước sạch, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tẩy nội, ngoại ký sinh trùng trước khi nuôi vỗ béo.
Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật; được hỗ trợ 50% vật tư bao gồm: thức ăn hỗn hợp và thuốc điều trị nội, ngoại ký sinh trùng, 50% vật tư còn lại, con giống, thức ăn thô xanh và công chăm sóc do các hộ tham gia mô hình đóng góp.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kết hợp cùng khuyến nông viên, nhóm trưởng theo dõi đo khối lượng tăng trọng hàng tháng cũng như kiểm tra giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, phòng trừ bệnh kịp thời và vệ sinh chuồng trại, máng ăn, nước uống cho đàn bò.
Sau 3 tháng vỗ béo, đàn bò ở các hộ gia đình đều sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh, trọng lượng bò tăng bình quân 725g/con/ngày. Lợi nhuận đạt trung bình 3.778.000 đồng/con (tương đương 1.259.000 đồng/tháng). Trong khi đó, nuôi bò không áp dụng quy trình vỗ béo, với giá bán cùng thời điểm cho lợi nhuận 2.070.000 đồng/con (tương đương 690.000 đồng/tháng).
Theo đánh giá, mô hình thực hiện khá hiệu quả, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương và nhu cầu của người chăn nuôi. Thông qua mô hình các hộ nắm vững kỹ thuật vỗ béo bò thịt để tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô đàn bò vỗ béo của gia đình, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Áp dụng kỹ thuật vỗ béo bò thịt sẽ tăng năng suất, sản lượng, chất lượng thịt bò tiến tới sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường, đồng thời giúp cho chính quyền địa phương có hướng chỉ đạo chuyển dịch chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân, góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thị Hải
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.