Ông Lê Văn Hải ở xã An Thạch (Tuy An - Phú Yên) là tấm gương tiêu biểu của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Sau 3 năm thực hiện mô hình trồng cây ăn trái, ông Hải đã biến đồi Núi Một khô cằn thành vườn đồi xanh tốt và cho trái ngọt.
Xuất thân từ gia đình thuần nông, ông Hải xem đất đai như khúc ruột của mình. Thấy đồi hoang Núi Một toàn là đá, bà con không mặn mà, vợ chồng ông Hải gom hết tiền dành dụm mua lại để trồng cây. Năm 2018, ông Hải bắt tay vào cải tạo vườn đồi với ước mơ biến nó thành vườn cây ăn trái, xa hơn là một trang trại xanh.
Biến đồi đá thành vườn cây
Vợ chồng ông hàng ngày từ sáng đến tối, cơm đùm, cơm dỡ dựng cái chòi nhỏ, lượm đá dồn thành đống, đào mương dẫn nước, xây dựng hệ thống bơm nước từ dưới ruộng kéo lên đồi. Hơn 3 tháng vật lộn với quả đồi đá, ông Hải cũng có thành quả khi các hố đất được đào, đường ống dẫn nước lên tới nơi, phân lạt ủ hoai để bắt tay vào trồng cây ăn trái.
Với gần 3ha đất đồi, ông Hải chọn trồng mãng cầu và mít Thái siêu trái. Sau 2 năm, vườn cây đã cho trái lứa đầu tiên. Tết vừa rồi, vườn cây mãng cầu và mít đã mang về cho vợ chồng ông gần 50 triệu đồng.
“Năm nay, vườn cây bắt đầu thu hoạch rộ, mỗi năm cho vụ thu chính vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Đoan ngọ. Một trái mít nếu bán với giá thấp nhất 50.000 đồng/trái, mỗi cây 5 trái, cả vườn có 100 cây, riêng mít đã thu được 25 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, vườn mãng cầu sau đợt ảnh hưởng của bão và sương muối năm ngoái, mùa này cũng bắt đầu ra hoa”, ông Hải cho biết.
Nhớ lại những ngày đầu khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình, ông Hải kể vợ chồng ông gặp không ít khó khăn. Vợ chồng ông hết lo nhặt đá để ló đất ra trồng được cây, đến lo nước tưới, vì mùa khô ở đồi đá này nóng như lửa. Đến mùa mưa cây chết do úng rễ, vợ chồng ông hì hục đào mương thoát nước đến phồng rộp tay, phải thuê máy múc mương.
“Quyết tâm cải tạo cho được đồi đá thành vườn cây, bà nhà tôi cũng đồng lòng, dành dụm thêm tiền đầu tư hệ thống tưới nước đến từng gốc cây, rồi đào mương chống úng”, ông Hải bộc bạch.
Hướng tới trang trại sinh thái
Tốn kém tiền của và công sức, nhưng sau 2 năm thấy màu xanh đã bắt đầu phủ lên đồi đá, vợ chồng ông Hải như được động viên. Hiện nay, trang trại của ông với 600 cây mãng cầu, 100 cây mít Thái đang cho thu hoạch, xung quanh có thêm chuối cấy mô, cỏ nuôi bò là thành quả từ sự cần cù, chịu khó của hai vợ chồng già.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạch Dương Văn Hải cho biết: Hội Nông dân xã An Thạch đang hướng dẫn bà con xây dựng mô hình trồng rau la ghim và mô hình vườn đồi. Vườn đồi đá Núi Một của ông Hải được Hội hỗ trợ ban đầu về cây giống từ chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn kỹ thuật để trồng và chăm sóc. Đồi đá Núi Một nay đã bắt đầu có màu xanh, là mô hình để các hộ dân khác học tập làm theo.
Ngấp nghé tuổi 70, ông Lê Văn Hải vẫn ngày ngày cải tạo đất đồi, tưới nước, chăm cây, biến đồi đá Núi Một thành khu vườn đồi xanh tốt. Nói về dự định sắp tới, ông cười hào sảng: “Mình còn sức khỏe thì còn lao động, đó cũng là cách tập thể dục cho khỏe người. Sắp tới, hai vợ chồng sẽ làm chuồng nuôi thêm heo, gà, bò, lấy phân bón cho cây, từng bước hình thành vườn rừng nuôi, trồng, được nữa thì kết hợp với dịch vụ ăn uống sinh thái từ những sản phẩm tại vườn”.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.