Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2021 | 14:54

Vườn mẫu không chỉ đẹp mà phải có hiệu quả kinh tế

Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu ở Hà Tĩnh đã trở thành phong trào rộng khắp, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả cao hơn, hài hòa hơn về kinh tế  - xã hội và môi trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng NTM bền vững.

t8a.jpg
Ông Lê Đình Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo NTM  tỉnh Hà Tĩnh (người đứng thứ 3 từ trái sang phải) kiểm tra vườn mẫu tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân.

 

Trước ngưỡng cửa xuân mới Tân Sửu 2021, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện với ông Lê Đình Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM Hà Tĩnh.

Thưa ông, tiêu chí thứ 20 – Vườn mẫu, nét đặc trưng của NTM Hà Tĩnh đã khẳng định được vị trí và “thương hiệu” trong và ngoài tỉnh. Ông có thể chia sẻ về kết quả này?

Qua thực tiễn xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã nhận thấy một số bất cập trong phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường, văn hóa, an ninh trật tự; nói cách khác là chưa thật sự rõ về chiều sâu và tính bền vững chưa cao. Trước thực trạng đó, Hà Tĩnh đã mạnh dạn cho nghiên cứu, xây dựng thí điểm 5 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 240 vườn mẫu đại diện cho 3 vùng sinh thái.

Sau thời gian thực hiện đã tổ chức đánh giá, kết quả bước đầu cho hiệu quả rõ nét, một số mô hình khá thuyết phục, được người dân và cộng đồng đồng thuận cao. Từ kết quả đó, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, trong đó, tập trung vào phát triển kinh tế, cải tạo cảnh quan, đảm bảo môi trường, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa làng quê; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định…

Cùng với ban hành bộ tiêu chí, Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm. Phần vốn hỗ trợ chủ yếu cho các nội dung như: Quy hoạch, làm hàng rào xanh, hỗ trợ giống cây, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất (hệ thống tưới tiết kiệm, chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...). Tỉnh đã ban hành chính sách thưởng theo kết quả đầu ra, mỗi khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn từ 50 - 300 triệu đồng; vườn mẫu đạt chuẩn thưởng từ 5 – 30 triệu đồng.

Chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nhanh chóng được người dân hưởng ứng, tự giác tham gia và dần trở thành phong trào có sức lan tỏa nhanh, trên diện rộng. Từ xây dựng mô hình điểm, đến nay, Hà Tĩnh có 678 khu dân cư kiểu mẫu, 7.244 vườn mẫu đạt chuẩn; thu nhập bình quân/vườn ở vùng đồng bằng đạt trên 70 triệu đồng/năm, miền núi và bán sơn địa trên 150 triệu đồng/năm, có trên 1.200 vườn doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 261 vườn doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

Theo ông, giá trị cốt lõi trong xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu là gì?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Tiêu chí thứ 20 bao hàm xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu, tạo ra một diện mạo mới, một khởi sắc mới nông thôn, chính đó là NTM sát thực với người dân.

Việc xây dựng khu dân cư mẫu, kinh tế vườn không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo nên một hệ sinh thái xanh – sạch – đẹp. Điều quan trọng nhất là, người dân đã nhận thức và phát huy tốt vai trò chủ thể, tự giác thực hiện ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng thôn xóm. Đặc biệt, xây dựng vườn mẫu đã làm thay đổi tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi.

Đội ngũ cán bộ qua thực tiễn chỉ đạo xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu đã lăn lộn, sát thực tiễn, trưởng thành, gắn bó với nhân dân hơn.

 

t8.jpg
Tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu - sáng tạo của Hà Tĩnh với hàng rào xanh hiện hữu khắp các miền quê.

 

Xây dựng, phát triển kinh tế vườn đã tạo tiền đề vững chắc cho việc duy trì, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM tại các xã; tạo ra xã đạt chuẩn NTM thuyết phục hơn, là cơ sở quan trọng để Hà Tĩnh phấn đấu có nhiều xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng đến xây dựng Tỉnh NTM trước năm 2025.

Thưa ông, những kết quả đạt được thời gian qua rất quan trọng, tạo tiền đề để Hà Tĩnh phấn đấu đạt tỉnh NTM. Ông có thể cho biết để xây dựng bền vững tiêu chí 20, thời gian tới Hà Tĩnh cần làm gì?

Với những kinh nghiệm và kết quả đạt được, Hà Tĩnh luôn xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thường xuyên và lâu dài “chỉ có khởi đầu, không có kết thúc”.

Điều quan trọng nhất phải huy động được tối đa sự vào cuộc của người dân, phát huy quyền chủ thể của người dân và cộng đồng. Yếu tố được chú trọng hàng đầu là các nguyên tắc về công khai, dân chủ, minh bạch, tuyệt đối không chạy theo thành tích, không chủ quan nóng vội, càng không được trông chờ, ỷ lại.

Khu dân cư NTM kiểu mẫu được xây dựng thực chất, bền vững trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của từng xã, từng vùng để có sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Có thể “dễ làm trước, khó làm sau”, nhưng khi đã xác định rõ nhiệm vụ, tiêu chí thì phải tập trung, kiên trì thực hiện rõ hiệu quả, mục tiêu hướng đến vẫn là ấm no về vật chất, vui tươi về tinh thần cho nhân dân.

Để xây dựng nên được những khu dân cư NTM kiểu mẫu vẫn cần sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ, mà phải làm sao để phong trào lan tỏa sâu rộng, tô màu áo mới cho các miền quê, đem đến cho người nông dân đời sống khấm khá, lành mạnh, phấn khởi.

Việc xây dựng kinh tế vườn, hay vườn mẫu cần căn cứ thực tiễn từng vùng miền để có định hướng chỉ đạo phù hợp. Làm vườn mẫu không phải để ngắm mà điều quan trọng hơn là, từ vườn mẫu tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Vì vậy đưa giống cây, giống con phải phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thực hiện nghiêm túc, khoa học, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tính toán hiệu quả kinh tế. Muốn xây dựng bền vững kinh tế vườn phải phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm làm ra phải có thị trường đầu ra ổn định.

Cùng với đó phải đưa ra cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ. Vì vậy, phải ưu tiên hơn mục tiêu xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn (so với mục tiêu xã đạt chuẩn), đồng thời các cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng và ưu tiên thực hiện theo mục tiêu này.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”, với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần, vai trò chủ thể và vị thế của cư dân nông thôn được nâng cao; kinh tế nông thôn phát triển; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nông thôn văn minh, đoàn kết, bình yên, giàu bản sắc. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để người dân phát huy các giá trị, cốt cách, ý chí và khát vọng vươn lên của con người Hà Tĩnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

 

 

Trà Giang (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top