Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2022 | 9:14

Xây dựng NTM và cách làm sáng tạo của Lào Cai

Là tỉnh biên giới nghèo với nhiều khó khăn thách thức, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Lào Cai trở thành điểm nhấn về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía Bắc.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM Lào Cai đã chia sẻ về cách làm sáng tạo mà tỉnh  đã vận dụng để có được thành quả như ngày hôm nay.

 

anh-1.JPG
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Lào Cai.

 

Được biết, Lào Cai hiện là tỉnh có nhiều thành tựu nổi bật trong phong trào XD NTM. Ông có thể chia sẻ về những kết quả mà Lào Cai đã đạt được?

Trước năm 2010, Lào Cai không có xã đạt 19 tiêu chí; bình quân/xã chỉ đạt 3,3 tiêu chí; thu nhập bình quân khu vực nông thôn 7,44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,47% (theo quy định cũ); đặc biệt có 96 xã dưới 05 tiêu chí. Các tiêu chí chưa hoàn thành tập trung vào một số tiêu chí như: tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, môi trường, nhà ở, an toàn thực phẩm, điện, quốc phòng và an ninh, hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật. Ngoài ra, một số tiêu chí liên quan đến hạ tầng cơ sở cũng khó thực hiện do địa hình phức tạp, chia cắt, thiên tai thường xuyên, suất đầu tư lớn.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH Trung ương về nông nhiệp, nông dân, nông thôn, Lào Cai xác định Chương trình MTQG XDNTM là chương trình khung của các chương trình trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực nông thôn. Qua 12 năm thực hiện  (2010-2022), cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có nhiều cách làm sáng tạo; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, dù xuất phát điểm thấp, triển khai trong điều kiện khó khăn, nhưng qua 12 năm thực hiện, Chương trình XDNTM của tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Đến hết tháng 6/2022, 62/127 xã đạt chuẩn NTM (tăng 62 xã so với năm 2010); 04 xã đạt NTM nâng cao; thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vu xây dựng nông thôn mới, Bảo Thắng đạt chuẩn huyện NTM. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 15,73 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí (duy trì từ năm 2018).

Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 6.300km đường giao thông nông thôn; 100% số xã có đường giao thông được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường tới trung tâm thôn với khoảng 98% số thôn bản có đường đi lại thuận tiện bốn mùa. Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn phục vụ cung cấp nước tưới chủ động trên 90% diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp cả năm. Tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 99,2%; tỷ lệ số hộ khu vực nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96,6%. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư, đến nay 100% cơ sở giáo dục đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính, nhiều trường vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, cơ bản đảm bảo các điều kiện học tập; 390/602 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 64,7%. 112/127 xã có nhà văn hóa xã; 100% số thôn bản có nhà văn hóa thôn. 127/127 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 84,9%. Các công trình cấp nước tập trung được quan tâm đầu tư, tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,6%. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế; có trên 250km tuyến đường hoa nông thôn mới, 260km đường điện chiếu sáng nông thôn được hình thành...

Từ thực tiễn trong quá trình XD NTM, ông có chia sẻ gì về những khó khăn mà các địa phương, người dân đã và đang gặp phải?

Cùng với những kết quả đạt được, XDNTM cũng còn một số tồn tại, khó khăn.

Kết quả XDNTM ở các địa phương không đồng đều, một số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng một số tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu, chưa bền vững; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, thiếu tính liên kết, cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt hạn chế trong khâu chế biến, bảo quản và thị trường đầu ra cho sản phẩm. Môi trường nông thôn còn bất cập; tình hình an ninh trật tự nông thôn có lúc, có nơi diễn biến phức tạp.

Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM còn nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các tiêu chí “động” như: thu nhập, hộ nghèo, nhà ở, văn hoá, an ninh trật tự,… Thiên tai, dịch bệnh, lũ quét, lũ ống đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân, nhiều công trình hạ tầng bị hư hại, an ninh trật tự nông thôn tiềm ẩn nhiều phức tạp…

Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các xã đạt chuẩn NTM sẽ trở thành khu vực I, do đó, không được hưởng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt các chính sách hỗ trợ về giáo dục và y tế. Theo đó, khi các xã về đích NTM, học sinh không được hỗ trợ học phí và tiền ăn bán trú, gây ra nhiều khó khăn cho học sinh và gia đình, các em không yên tâm học tập; tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần thấp; học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ người mù chữ, tảo hôn tăng kéo theo các tệ nạn xã hội phức tạp hơn. Người dân sẽ không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT mà phải chuyển sang nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình hoặc nhóm đối tượng khác, từ đó ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá NTM, tỷ lệ bao phủ BHYT của xã hoàn thành NTM sẽ giảm tỷ lệ người tham gia.

Với quan điểm, giải pháp “XD NTM là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; đồng thời là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI”, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, XDNTM tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 09/6/2021 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG XDNTM trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025 xác định: “XDNTM phải thực chất, không chạy theo thành tích; tập trung, đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống của người dân”.

 

anh-3.JPG
Thăm mô hình rau công nghệ cao của huyện Bắc Hà.

 

Lào Cai đã có những cách làm khác biệt gì so với các tỉnh miền núi khác để có được  thành quả như hiện nay, thưa ông?

Lào Cai xác định có 04 điểm nhấn, sáng tạo đã tạo nên thành công của Chương trình XDNTM thời gian qua.

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia XDNTM, như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có sáng kiến thành lập “Ban Tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn”, qua đó vận động, huy động được các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện tham gia ủng hộ chương trình XD NTM.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức XDNTM” do Trung ương phát động và tổ chức phát động phong trào “Lào Cai XDNTM và giảm nghèo bền vững”. Các phong trào thi đua đã tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp, tạo động lực cho người dân tích cực tham gia, thể hiện rõ hơn vai trò chủ thể của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở nông thôn; tăng cường tính tự quản của cộng đồng; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo đảm cảnh quan, môi trường, sinh thái xanh - sạch - đẹp.

Thứ ba, quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Tỉnh ủy viên và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã về XDNTM, giảm nghèo bền vững; các huyện, thị xã, thành phố phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, lãnh đạo các phòng ban, đoàn thể cấp huyện trực tiếp giúp đỡ các xã, thôn, bản và phối hợp với các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ các xã. Trong những năm qua, công tác này đã giúp các xã thực hiện tốt hơn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, định hướng cho các xã về mục tiêu, kế hoạch hàng năm và giai đoạn; giúp xã đề ra các giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.

Thứ tư, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đưa ra các nguyên tắc, quan điểm trong triển khai XDNTM, như: Nội dung nào dễ làm trước, khó làm sau; nội dung nào ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau; nơi nào được sự đồng thuận của nhân dân làm trước, chưa đồng thuận làm sau; không đầu tư dàn trải các tiêu chí,...; thực hiện cơ chế khoán gọn đối với nội dung thực hiện được; phù hợp với quy hoạch, đề án XD NTM” và ban hành các cơ chế, chính sách với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đây là một trong những sáng tạo nhất, tạo tiền đề để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ XDNTM trong thời gian qua của tỉnh Lào Cai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chúc Lào Cai đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong phong trào XDNTM.

 

Nguyên Hoa (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top