Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2016 | 2:21

Chị Duy, bông hoa đẹp

Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Hoàng Thị Duy, hội viên Chi hội phụ nữ thôn 8, xã Khánh Hòa (Lục Yên-Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư vào trồng cam sành. Vượt qua khó khăn và thất bại ban đầu, sau 12 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, gia đình chị đã thoát nghèo và trở nên khá giả.

Chị Duy (phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cam sành.

Nhắc đến những hộ làm kinh tế giỏi ở thôn 8, người dân địa phương ai cũng nhắc đến gia đình chị Duy với trang trại trồng cam sành quy mô hơn 2ha. Hiện, vườn cam của gia đình chị có khoảng 1.200 gốc, thu bình quân 200 - 500 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về quá trình làm vườn, chị Duy cho biết, trước đây, khi mới lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của vợ chồng chị gặp vô vàn khó khăn, tài sản duy nhất chỉ là căn nhà gỗ nhỏ của bố mẹ chồng để lại và vài sào ruộng độc canh cây lúa. Không cam chịu  đói nghèo, vợ chồng chị Duy đã đi nhiều nơi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Sau khi sang Hà Giang thăm mô hình trồng cam sành, nhận thấy loại cây này phù hợp với điều kiện địa phương, trở về chị cùng chồng mạnh dạn khai hoang diện tích đất rừng đầy cỏ lau để trồng thử nghiệm 100 gốc cam sành. Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, chị chịu khó tìm hiểu các phương pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh qua sách báo, các lớp tập huấn do thôn, xã tổ chức. Bên cạnh đó, để có thêm vốn đầu tư, chị vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện. Sau hơn 4 năm, vườn cam sành bắt đầu cho thu hoạch, qua từng năm số lượng bán cũng như thu nhập tăng dần, giúp gia đình chị vươn lên trở thành hộ tiêu biểu  trong phong trào trồng cam sành ở Khánh Hòa.

Chia sẻ về cách trồng cam sành cho năng suất cao, chị Duy cho biết: Cam sành đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Để sản xuất cam sành đạt hiệu quả, chị Duy áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, việc làm đất, chế độ bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều phải thực hiện đúng kỹ thuật.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Duy còn giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ trong và ngoài chi hội về cây giống, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh trên cây cam, nhiều chị em nhờ học hỏi từ chị Duy đã thành công với mô hình trồng cam sành.

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cam sành của chị Duy, Hội Phụ nữ xã Khánh Hòa đã tuyên truyền, vận động hội viên các chi hội cùng làm theo. Đến nay, toàn xã có trên 100 hộ hội viên tham gia trồng với diện tích khoảng 30ha, tập trung ở các chi hội 1, 5, 6, 7…; nhiều hội viên có thu nhập từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhờ trồng cam.

Bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Hòa, khẳng định: “Chị Duy là một trong những hội viên tiên phong đưa cam sành vào trồng ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn tích cực giúp đỡ hội viên nghèo. Đây là tấm gương mà Hội đánh giá cao, đồng thời khuyến khích hội viên khác học tập theo mô hình của chị Duy để phát triển kinh tế gia đình”.

Khắc Điệp

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top