Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 2 năm 2020 | 12:59

Xây dựng sản phẩm OCOP: Bắc Hà tiến tới đạt chuẩn NTM nâng cao

Với quyết tâm đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao theo đúng lộ trình kế hoạch, nhiều xã vùng cao của huyện Bắc Hà (Lào Cai) dù đã đạt NTM vẫn “loay hoay” khi chưa có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP...

tr14b.jpg
Sản phẩm quế hữu cơ Nậm Đét dù rất triển vọng, song vẫn chưa có “chủ thể”.

Với quyết tâm đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao theo đúng lộ trình kế hoạch, nhiều xã vùng cao của huyện Bắc Hà (Lào Cai) dù đã đạt NTM vẫn “loay hoay” khi chưa có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) theo chỉ tiêu 10.2 của tiêu chí 10 về “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập” cho người dân.

“Vướng” sản phẩm OCOP

Với yêu cầu tối thiểu là, mỗi xã phải có ít nhất 1 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, qua khảo sát, đến nay, nhiều xã NTM của huyện Bắc Hà như Tà Chải, Bảo Nhai, Na Hối, thậm chí cả Nậm Đét, cũng… đang “vướng” khi thực hiện nội dung này. Để tháo gỡ khó khăn, cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, ngành chức năng của huyện đang chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp các xã đang trên lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao “sớm” có sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Dù rất quyết tâm thực hiện mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020 theo đúng lộ trình, kế hoạch, song đến nay, xã Tà Chải mới đạt 14/18 tiêu chí áp dụng với xã NTM nâng cao và đang nỗ lực để hoàn thành 4 tiêu chí còn lại. Đáng mừng là đến nay, xã đã có nhiều tiêu chí đạt ở mức khá cao như nhóm tiêu chí về Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế  - xã hội: trường học, y tế, điện... Xã cũng đã có ít nhất 3 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương gồm: Rau an toàn; mận Tam hoa; đào Cảnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có sản phẩm nào được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Ông Vàng Đình Vi, Phó chủ tịch UBND xã Tà Chải, cho biết: “Nếu xã muốn “đạt” mục tiêu xã chuẩn NTM nâng cao, thì nội dung này bắt buộc phải hoàn thành, trong khi đó, Tà Chải đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nội dung này.

“Các sản phẩm nông sản thế mạnh của Tà Chải cơ bản là có, có thể kể tới bánh chưng đen, cao ngựa bạch, cốm, mận Tam Hoa và du lịch cộng đồng…, tuy nhiên, việc phát triển hiện nay còn manh mún, chưa nhiều, chủ yếu ở cấp hộ gia đình và vẫn chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác đứng ra tổ chức thực hiện, do đó, khó khăn trong việc chọn phát triển sản phẩm OCOP. Trong năm 2020, xã sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh sản xuất, xây dựng sản phẩm để phát triển lên thành các sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm rau sạch của Công ty Thiên Trường đóng trên địa bàn, sẽ tạo điều kiện để thành lập được HTX và sớm có sản phẩm OCOP: Rau sạch”, ông Vi cho hay.

 

tr14a.JPG
Ông Nguyễn Tiến Hồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Bắc Hà trò chuyện cùng phóng viên về giải pháp tháo gỡ khó khăn với từng xã.

 

Cùng với chỉ tiêu 10.2 về xã có ít nhất 1 sản phẩm được chứng nhận OCOP, thì chỉ tiêu 10.3 về xã có ít nhất 1 HTX thành lập theo Luật HTX năm 2012 hoạt động hiệu quả, đến nay, Tà Chải có 2 HTX, song xét thấy hoạt động của các HTX này vẫn chưa thực sự hiệu quả theo Luật HTX năm 2012. Do vậy, các nhóm chỉ tiêu của tiêu chí 10: “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập” dường như như rất khó “đạt” với địa phương, rất cần sự quan tâm định hướng, tháo gỡ khó khăn từ cấp trên và các cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Hà.

Tích cực “gỡ”

Chung tay tháo gỡ khó khăn với các xã xây dựng NTM nâng cao đang gặp phải, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Hà - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM có trách nhiệm hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP Bắc Hà đang nỗ lực hướng dẫn, giúp các xã “sớm” có sản phẩm được chứng nhận OCOP trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Hồng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Hà, cho biết: “Với quyết tâm phấn đấu thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, việc xây dựng ít nhất 1 sản phẩm OCOP đối với xã NTM nâng cao đang được đơn vị quan tâm, vì đây là tiêu chí “cứng” để các xã như Tà Chải, Bảo Nhai, Na Hối… có thể về đích  NTM nâng cao theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Huyện Bắc Hà phấn đấu năm 2020 có Tà Chải đạt chuẩn xã NTM nâng cao; tiếp đó giai đoạn 2021-2025 phấn đấu hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao với Na Hối, Bảo Nhai. Đặc biệt, Nậm Đét vừa được UBND tỉnh Lào Cai công nhận đạt chuẩn xã NTM, đã mạnh dạn đăng kí phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao trong giai đoạn 2020-2025.

 

tr14.JPG
Công ty Thiên Trường canh tác rau sạch trên diện tích khoảng 6ha, đang nỗ lực xây dựng HTX, mở rộng quy mô sản xuất.

 

Bên cạnh một số xã có các sản phẩm thế mạnh, như Tà Chải với sản phẩm rau sạch của Công ty Thiên Trường (thôn Na Lo); xã Nậm Đét với sản phẩm “quế hữu cơ Nậm Đét”…, Phòng Nông nghiệp và  PTNT huyện Bắc Hà đề nghị các xã, đặc biệt là các xã đang trên lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao, tiếp tục quan tâm, vào cuộc quyết liệt xây dựng sản phẩm OCOP; chú trọng xác định được các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, có nguồn gốc tại địa phương để có thể xây dựng, phát triển lên thành sản phẩm OCOP trong tương lai gần, nhất là việc tìm ra được chủ thể “đủ mạnh” để đứng ra đảm nhận việc sản xuất, bao tiêu liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hồng thông tin thêm: “Bắc Hà có sản phẩm “quế hữu cơ Nậm Đét” rất triển vọng, quế cũng là mặt hàng mang lại giá trị kinh tế gần như lớn nhất ngành trồng trọt của huyện, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có “chủ thể” đảm nhận việc phát triển chuỗi sản phẩm ngành hàng quế.

Với xã vùng cao Tà Chải, bên cạnh sản phẩm rau sạch của Công ty Thiên Trường, ông Hồng gợi ý, ngay cả du lịch homestay, Điệu the (múa xòe Tà Chải) - một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận từ năm 2014- cũng có thể phát triển được thành sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch- dịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần có một chủ thể HTX đủ mạnh đứng ra liên kết các hộ lại với nhau, để đảm nhận việc phát triển sản phẩm OCOP.

Với xã Bảo Nhai, sản phẩm của HTX Duy Phong đóng trên địa bàn đã đạt chuẩn OCOP,  nên về cơ bản đã có “ít nhất 1 sản phẩm OCOP” như yêu cầu tiêu chí 10 đặt ra với xã NTM nâng cao;

Với xã Na Hối, ngành Nông nghiệp huyện đang hướng đến chọn các sản phẩm chủ lực đã được đăng kí bảo hộ nhãn hiệu, như rau an toàn Na Hối, các chủng loại rau; thời gian tới sẽ giúp xã tập trung trung xây dựng để tạo thành sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu tiêu chí đặt ra.

Từ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, các chủ thể HTX, doanh nghiệp và những cố gắng của các cơ quan chuyên môn, tin tưởng rằng, những khó khăn trên sẽ từng bước được tháo gỡ, để con đường đến với mục tiêu xây dựng xã “chuẩn” NTM nâng cao của các địa phương như Tà Chải, Na Hối, Bảo Nhai, Nậm Đét sẽ đến gần hơn.   

 

 

Khuất Linh
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top