Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2016 | 2:50

XDNTM ở Quỳnh Phụ: Những chuyển biến tích cực

Triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã được huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Đến thời điểm này, 22 xã đã hoàn thành XDNTM, 10 xã đạt 15 tiêu chí, 4 xã đạt 13 tiêu chí...

Nông thôn mới xã An Ninh (huyện Quỳnh Phụ).

Dân vận tốt là mấu chốt

Đó là điều mà ông Nguyễn Văn Khoa, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Quỳnh Phụ, khẳng định, khi nói về Chương trình XDNTM: “Phải tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, cùng đóng góp XDNTM, vừa xây dựng quê hương giàu đẹp và vừa phục vụ lợi ích của chính bản thân”.

 Xác định công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng, nên ngay từ khi triển khai kế hoạch về XDNTM, huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể. Công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM được cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng đúng mức, bằng nhiều hình thức phong phú như: thông qua đài truyền thanh huyện, xã, thông qua hội nghị, hội thi ở các tổ chức đoàn thể chính trị (Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…). Chính vì vậy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt, người dân thấy được sự cần thiết về XDNTM và  phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư.

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, phong trào XDNTM ở Quỳnh Phụ đã được nhân dân hưởng ứng sâu rộng. Người dân hiến đất, đóng góp công sức tiền của cùng với nhà nước XDNTM. Sau 5 năm thực hiện, điện mạo làng quê nông thôn Quỳnh Phụ có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của người dân ngày một nâng cao.

Sau khi tỉnh và huyện có chủ trương hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, các cấp, ngành, địa phương trong huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở tổ chức đăng ký và tiếp nhận, sử dụng xi măng hỗ trợ. Toàn huyện đã đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt 121.969 tấn xi măng, các xã đã tiếp nhận 112.376 tấn xi măng và xây dựng 17,413km đường trục xã; 187,9km đường giao thông trục thôn; 302,36km đường nhánh cấp 1 của đường giao thông trục thôn; 62,741km đường giao thông nội đồng trục chính; 7,644km kênh cấp 1 loại 3; đổ bê tông và xây tường bao được trên 20 sân trường, các công trình thi công đảm bảo đúng quy mô kết cấu theo chỉ đạo của tỉnh.

Phát triển sản xuất là yếu tố quan trọng

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳnh Phụ đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án phù hợp với tình hình thực tế để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực thực hiện, Đảng bộ, chính quyền huyện  xác định: Để nâng cao đời sống của người dân cần phải tập trung phát triển kinh tế gắn với XDNTM. Trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Để tạo đột phá cần đổi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất cao, thị trường tiêu thụ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, ban hành các cơ chế hỗ trợ sản xuất, nhờ đó cơ cấu giống và phương pháp gieo cấy chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần diện tích gieo vãi, gieo sạ hàng, lúa ngắn ngày và lúa chất lượng cao như BC15, TBR1, TBR45, N87…

Hàng năm, vụ đông được tiếp tục quan tâm chỉ đạo mở rộng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Nhiều xã phủ kín 70 - 90% diện tích như: Quỳnh Minh, Quỳnh Hải, Quỳnh Hội, Quỳnh Ngọc, An Ấp… Hàng ngàn hộ nông dân đã có cuộc sống khá, giàu với thu nhập 50 - 150 triệu đồng/hộ/vụ đông. Tiêu biểu như việc triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu tại xã Quỳnh Hải với diện tích 50,6 ha sản xuất cây màu và xã An Mỹ với 112 ha sản xuất lúa giống BC15. Các cánh đồng mẫu này đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà, thu nhập từ cánh đồng mẫu ở Quỳnh Hải đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, sản xuất lúa giống ở An Mỹ cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/ha/năm.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất tập trung, với nhiều trang trại, gia trại được hình thành và nhân rộng. Toàn huyện hiện có trên 1.500 gia trại, 206 trang trại, nhiều địa phương có phong trào chăn nuôi tập trung, phát triển về quy mô và quy thành vùng sản xuất hàng hóa, như vùng nuôi lợn nái ngoại ở các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hội, An Tràng; vùng nuôi gia cầm Quỳnh Sơn, Quỳnh Khê, Quỳnh Châu; vùng nuôi trồng thủy sản An Thanh, An Mỹ, An Ninh…

XDNTM thực sự trở thành phong trào lan tỏa đến từng người dân, bà con đã nhận thức được vai trò của mình, từ đó tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, vật chất để thực hiện các tiêu chí NTM. Để từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM, huyện Quỳnh Phụ đã và đang tranh thủ nhiều nguồn lực lồng ghép cho chương trình, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Trong 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM, Quỳnh Phụ huy động được tổng vốn đầu tư 1.569,160 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 130,187 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 255,654 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện 91,725 tỷ đồng; vốn ngân sách xã 192,706 tỷ đồng; huy động các nguồn vốn khác 898,888 tỷ đồng.

22 xã hoàn thành XDNTM, 10 xã hoàn thành 15 tiêu chí, 4 xã hoàn thành 13 tiêu chí.

Đức Sơn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top