Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 2 năm 2022 | 23:20

Xử lý nghiêm để ngăn ngừa nạn khai thác rừng trái phép

Mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc, xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố nhiều bị can liên quan đến phá rừng nhưng vẫn có những đối tượng ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố trên đất rừng phòng hộ…

Xây dựng trái phép tại rừng phòng hộ
 
Bạc Liêu hiện có hơn 1.000 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu sống trong các khu rừng phòng hộ và tuyến đê biển hơn 50 km, chủ yếu thuộc các xã Hiệp Thành, phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu); Vĩnh Hậu A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); Long Điền Đông, Long Điền Tây (huyện Đông Hải).
Thời gian qua, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần lập dự án di dời dân cư sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ vào khu tái định cư ở các huyện Hòa Bình và Đông Hải. Nhưng do kinh phí di dân tái định cư rất lớn; đồng thời, việc di dời các hộ dân chưa gắn liền với tạo việc làm mới, nên đời sống nhân dân không được ổn định. Đáng lưu ý, mấy năm gần đây, nhiều hộ dân, kể cả một số cán bộ, đảng viên đua nhau lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố bất hợp pháp trên đất rừng phòng hộ ngày càng nghiêm trọng hơn.
công-ty-cổ-phần-đầu-tư-điện-gió-hòa-bình-1-ngang-nhiên-xây-dựng-công-trình-trên-đất-rừng-phòng-hộ.jpg
Công ty cổ phần đầu tư điện gió Hòa Bình 1 ngang nhiên xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ (Bài/Ảnh: TRỌNG DUY)
Những ngày cuối năm 2021, chúng tôi trở lại vùng ven biển Bạc Liêu, đi dọc theo đê biển Đông (từ phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), chứng kiến tại vùng biển này ngày càng nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ xây dựng nhà trái phép. Có rất nhiều hộ dân không chỉ ngang nhiên lấn chiếm mà còn xây dựng nhà kiên cố, vật liệu bê-tông cốt thép, hoặc xây dựng biệt thự bằng loại gỗ đắt tiền ngay trong đất rừng phòng hộ ven biển.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, chỉ tính trong năm 2021, ngành chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý hơn 90 trường hợp vi phạm, trong đó, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại TP Bạc Liêu và các huyện Hòa Bình, Đông Hải. Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra, lập biên bản báo cáo về Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh nhưng do chính quyền từ tỉnh và các huyện, TP Bạc Liêu xử lý không nghiêm nên tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà kiên cố trái phép ngày càng diễn ra sôi động, ngang nhiên hơn.
Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) làm đơn gửi cơ quan chức năng của huyện và tỉnh xin cất chòi để quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng qua kiểm tra, công ty này làm nhà gỗ hai tầng và các công trình khác, trị giá nhiều tỷ đồng trên đất rừng phòng hộ. Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Thủy lợi, Chi cục Kiểm lâm, UBND xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) và Ban Quản lý rừng đặc dụng-Phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản Công ty cổ phần đầu tư điện gió Hòa Bình 1 cất chòi trong rừng phòng hộ với hàng loạt vi phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét, xử lý. Nhưng vụ việc mấy tháng nay cứ nhùng nhằng, chưa được lãnh đạo tỉnh xử lý kiên quyết, dứt điểm khiến dư luận bức xúc.
khu-sinh-thái-ở-xã-hiệp-thành-tp-bạc-liêu-ngang-nhiên-xây-dựng-trên-khu-đất-rừng-phòng-hộ-ven-biển-và-phạm-vi-bảo-vệ-đê-điều.jpg
Khu sinh thái ở xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) ngang nhiên xây dựng trên khu đất rừng phòng hộ ven biển và phạm vi bảo vệ đê điều.
Một vụ việc khác là công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, nằm sát với tuyến đê biển Đông ở xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Cụ thể, tháng 5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng đối với ông Trần Văn Hiếu (sinh năm 1952, cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu ở ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) là hộ hợp đồng nhận khoán đất lâm nghiệp. Đáng lưu ý, hành vi của hộ ông Hiếu được xác định vi phạm hành chính “Xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều”, vi phạm quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 20 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng buộc ông Hiếu tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu. Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành đã nhiều tháng qua, nhưng công trình vẫn tồn tại.
Cũng tại vùng ven biển Bạc Liêu (khu vực đê biển, thuộc phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu), Công ty TNHH MTV Dịch vụ sinh thái Đông Á Bạc Liêu (Công ty Đông Á) xây dựng công trình trái phép. Lãnh đạo công ty này là một đảng viên, giám đốc một đơn vị kinh tế cổ phần cấp tỉnh vừa nghỉ việc. Vụ việc này đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 110 triệu đồng, buộc tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm. Ông Trần Văn Mậu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu cho biết, hiện Công ty Đông Á đã nộp đủ tiền đóng phạt, gửi đơn xin phép cho công trình tồn tại. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã bác đơn. Song, nhiều tháng trôi qua, hiện nay công trình vẫn tồn tại.
Khu vực rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu có tác dụng hết sức quan trọng trong việc chắn gió bão, sóng biển, bảo vệ đê điều, bảo vệ môi trường và cuộc sống bình yên của người dân. Song, do lợi ích cá nhân trước mắt, một số người, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên đã chặt phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển, xây dựng công trình trái phép.

Xử lý nghiêm để giáo dục và ngăn ngừa nạn khai thác rừng trái phép

Ngay sau khi phát hiện khai thác rừng phòng hộ trái phép xảy ra tại xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), các lực lượng chức năng ở địa phương đã kịp thời ngăn chặn, không để vi phạm lớn hơn, đồng thời sẽ xử lý nghiêm vụ việc để giáo dục, ngăn ngừa vi phạm lâm luật trên địa bàn.

Rừng tự nhiên tại khu vực xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ được quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái rừng IIA, là cây rừng trồng, rừng gỗ tự nhiên tái sinh và giang, nứa, dây leo. Tuy nhiên, hiện trạng cho thấy, đối tượng khai thác trái phép mở đường lên rừng, tiến hành khai thác gỗ trên diện tích 0,34ha, 2 bên đường là những cây gỗ có đường kính từ 20-30cm vừa bị đốn hạ, còn đang rỉ nhựa, gỗ cắt thành những khúc dài 1-2m tại hiện trường.

Qua kiểm tra, xác minh, Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa xác định, có tổng số 36 cây gỗ các loại bị cắt hạ, trong đó, 5 cây có đường kính gốc 20cm, 21 cây có đường kính gốc từ 20-30cm và 10 cây có đường kính gốc hơn 30cm. Những cây gỗ này đã được cắt thành 205 khúc, dài từ 1-2m, tổng khối lượng là 13m3. Số gỗ này đã được thu giữ tại Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa.

cán-bộ-hạt-kiểm-lâm-rừng-atk-định-hóa-đo-đếm-thu-giữ-số-gỗ-khai-thác-trái-phép-tại-hiện-trường.jpg
Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa đo đếm, thu giữ số gỗ khai thác trái phép tại hiện trường.

Theo biên bản ghi lời khai của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Hóa, chủ rừng là gia đình bà Hà Thị Thời, ở xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ. Từ cuối tháng 12/2021, bà Thời bán gỗ bồ đề, gỗ trầu cho 1 người ở xã Quy Kỳ, cùng huyện Định Hóa với giá 6 triệu đồng. Tuy nhiên, khi phát hiện vụ việc, các cơ quan chức năng chưa phát hiện được ai trực tiếp khai thác gỗ tại hiện trường.

Hạt trưởng Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa Nguyễn Đức Thắng cho biết: "Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh lô, khoảnh, tiểu khu, địa phận rừng phòng hộ bị khai thác trái phép; lập biên bản, thu giữ số gỗ, khám nghiệm hiện trường. Tới đây, sẽ cùng cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định".

Khu vực rừng tự nhiên bị khai thác trái phép xa khu dân cư nên khó phát hiện. Rút kinh nghiệm vấn đề này, ông Thắng cho biết thêm: "Thời điểm cuối năm có thể xảy ra khai thác gỗ trái phép, chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chính quyền các xã trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng, khu vực trọng điểm, đặc biệt là rừng tự nhiên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật".

Truy tố nhiều đối tượng phá rừng

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) vừa ban hành cáo trạng truy tố 40 bị can liên quan vụ phá rừng xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Qua đó, trong số 40 bị can có Hoàng Công Ý (sinh năm 1974), Trạm trưởng Kiểm lâm số 3, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Vương Thế Cao (sinh năm 1981), Trạm phó Kiểm lâm số 5, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Hoàng Công Nhật (sinh năm 1978), trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cùng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Các bị can (35 bị can) khác bị truy tố về các tội “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Riêng 2 bị can: Nguyễn Xuân Ban, Huỳnh Ngọc Lòng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Theo cáo trạng, tháng 9/2020, Lê Mô Y Cum, tên thường gọi Ma Khanh (sinh năm 1984, trú tại buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), cùng nhiều bị can khác ngồi tâm sự với nhau tìm việc làm ăn. Lúc này, Lê Mô Y Cum nói vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cắt gỗ Căm xe đưa đi bán lấy tiền tiêu xài thì tất cả đồng ý.

Trước đó, Lê Mô Y Cum quen biết với Hoàng Công Ý, lúc này là Trạm trưởng Kiểm lâm số 3, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, biết được Hoàng Công Ý thường xuyên đi truy quét trong khu bảo tồn giáp ranh với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Sau đó, Lê Mô Y Cum gọi điện thoại cho Hoàng Công Ý trao đổi xin vào khai thác gỗ Căm xe ở tiểu khu 618, 622 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thì được Hoàng Công Ý đồng ý.

Lê Mô Y Cum và Ý thống nhất mỗi người vào khai thác gỗ phải chung chi cho Hoàng Công Ý 700.000 đồng. Hoàng Công Ý dặn khi vào khai thác không được dùng cưa máy mà chỉ dùng cưa tay để tránh tạo ra tiếng cưa gỗ dễ bị cán bộ khu bảo tồn phát hiện bắt giữ. Sau khi thỏa thuận, Hoàng Công Ý còn hướng dẫn cho Lê Mô Y Cum đi theo đường cột mốc vào tiểu khu 618, 622 để người trong khu bảo tồn không phát hiện.

Để bảo vệ cho nhóm Lê Mô Y Cum vào khai thác gỗ được an toàn, Hoàng Công Ý sẽ đi truy quét tại các tiểu khu giáp ranh với tiểu khu 618, 622. Sau đó, Hoàng Công Ý gọi điện thoại cho Vương Thế Cao, Phó Trưởng trạm Kiểm lâm số 5, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, được phân công giao quản lý tiểu khu 618, 622. Hoàng Công Ý nói với Vương Thế Cao có nhóm Lê Mô Y Cum vào làm gỗ gần Trạm số 5 nhờ Vương Thế Cao báo thời gian tắt điện trước sân Trạm số 5 thì cho gỗ ra và thời gian cán bộ Trạm đi tuần tra báo lại với Hoàng Công Ý và được Vương Thế Cao đồng ý. Lúc này, Hoàng Công Ý chưa thỏa thuận về số tiền chung chi cho Vương Thế Cao mà phụ thuộc Lê Mô Y Cum đưa tiền thì Hoàng Công Ý mới quyết định chung chi cho Vương Thế Cao.

Sau đó, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 11/2020, nhóm của Lê Mô Y Cum đi vào tiểu khu 618, 622 Khu Bảo tồn thiên niên Ea Sô khai thác gỗ Căm xe 2 lần, với tổng khối lượng gỗ quy tròn hơn 25m3, có tổng giá trị hơn 175 triệu đồng.

Để không bị bắt khi khai thác gỗ, mỗi người sau khi khai thác gỗ về bán sẽ trích lại 1,2 triệu đồng đưa cho Lê Mô Y Cum để chung chi cho cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thì tất cả đồng ý.

Sau đó, Hoàng Công Ý đã nhận từ Lê Mô Y Cum sau 2 chuyến khai thác gỗ tại tiểu khu 618, 622 là 35 triệu đồng thông qua Hoàng Công Nhật (em trai của Hoàng Công Ý). Hoàng Công Nhật là người đi nhận tiền giúp cho Hoàng Công Ý, được Hoàng Công Ý và Lê Mô Y Cum cho tổng số tiền là 9 triệu đồng. Trong các lần đi nhận tiền, Nhật đều biết rõ đây là tiền mà Lê Mô Y Cum đưa hối lộ cho Hoàng Công Ý để được vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ nhưng vẫn đồng ý đi nhận giúp. Sau khi nhận được tiền từ Lê Mô Y Cum, Hoàng Công Ý đã đưa cho Vương Thế Cao tổng số tiền 4 triệu đồng.

Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, về cơ bản năm 2021 ngành Lâm nghiệp hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao: Năm 2021, cả nước đã trồng được 277.830 ha rừng, đạt 102% so với kế hoạch. Nhờ đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng, tỉ lệ che phủ rừng đã đạt 42,02%, tăng 0,01% đạt mục tiêu kế hoach để ra.

Năm 2021 cả số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng cơ bản giảm so với năm 2020. Cả nước đã phát hiện 2.653 vụ vi phạm, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại năm 2021 là 1.229ha, tăng 527ha, tương ứng 75% so với cùng kỳ.

Riêng tại Khánh Hòa, tuy số vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp giảm so với năm trước, nhưng tình hình phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp tăng cả về số vụ cũng như diện tích bị phá.

Cụ thể, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 297 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 53 vụ so với năm 2020. Toàn tỉnh xảy ra 43 vụ phá rừng trái pháp luật gây thiệt hại 26,55ha rừng.

Trong đó, huyện Khánh Vĩnh 33 vụ, huyện Diên Khánh 1 vụ, huyện Cam Lâm 1 vụ, huyện Khánh Sơn 5 vụ, thị xã Ninh Hòa 3 vụ. Về khai thác rừng trái pháp luật, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ, trong đó có 14 vụ tại Khánh Vĩnh, 2 vụ tại Ninh Hòa.

Năm 2022, tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp được xác định sẽ còn diễn biến phức tạp.

Trong đó, tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích sẽ diễn ra ngày càng phức tạp, tình trạng khai thác rừng trái pháp luật sẽ tiếp diễn, có chiều hướng tăng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trong khi đó, các địa phương, đơn vị chủ rừng chưa chủ động, thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn lúng túng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Để khắc phục điều này, ngành Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đến các hạt kiểm lâm trực thuộc phương án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm tỉnh sẽ phải xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm về quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Đề xuất xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng, UBND các cấp thiếu trách nhiệm để rừng bị phá.

Tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu cho chính quyền các cấp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp; Tăng cường kiểm tra, truy quét các khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng trên địa bàn như: Tuyến Khánh Lê - Lâm Đồng đoạn đi qua địa bàn Khánh Vĩnh, khu vực Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái (Khánh Vĩnh); Ninh Tây (Ninh Hòa); Cam Phước Tây (Cam Lâm). Cùng với đó, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân các địa phương…

 

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững

    Bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững

    Hoạt động chăn nuôi đang tác động không nhỏ đến môi trường sống. Thực tế cho thấy, để chăn nuôi phát triển bền vững thì vấn đề xử lý môi trường cần được thực hiện tốt.

  • Khi chính quyền quan tâm, người dân Sóc Trăng đồng thuận trước dự án lớn

    Khi chính quyền quan tâm, người dân Sóc Trăng đồng thuận trước dự án lớn

    Sau khi Công ty CP Bê tông Cửu Long tổ chức Lễ khởi công khai thác cát cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, nhiều người dân đã phản ứng, thậm chí tập trung đông người xung quanh khu vực mỏ cát MS01 trên sông Hậu (thuộc xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cản trở việc khai thác cát cũng như hoạt động của lực lượng chức năng.

  • Cảnh giác với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

    Cảnh giác với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

    Thời gian qua, việc hàng loạt các công ty, doanh nghiệp bị xử phạt về sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, không đạt chuẩn, đã khiến cho bà con nông dân hết sức lo lắng khi đã và đang sử dụng những sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng...

  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top