Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 3 năm 2021 | 11:29

Xuất hiện nhiều chiêu trò “lách luật” trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản?

Nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất công và vĩnh vực khai thác khoáng sản… nhiều “chiêu trò” đã bị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý?

Đơn cử như nội dung liên quan đến đề xuất, bỏ tiền xã hội hóa để cải tạo, xây dựng khu đất hơn nghìn m2 giữa nội thành Hải Phòng thành công viên, khu vui chơi chung. Mới được chấp thuận chủ trương đầu tư song doanh nghiệp đã rào khu đất lại, có dấu hiệu biến hàng nghìn m2 đất công thành đất tư.
 
Cụ thể, theo tài liệu lưu trữ tại UBND phường Đông Hải 1, quận Hải An (TP. Hải Phòng), năm 2012, UBND phường Đông Hải nhận được đề xuất từ Công ty cổ phần thương mại vận tải Hoàng Sơn (trụ sở tại quận Hải An, TP. Hải Phòng) cho doanh nghiệp này được dùng vốn tự có để cải tạo, xây dựng lại khu đất rộng hơn 1.000 m2, ngay trước trụ sở UBND phường, thuộc Tổ dân phố Thượng Đoạn Xá 1 thành công viên cây xanh, điểm sinh hoạt cộng đồng cho người dân trong khu vực.
 
Đơn đề nghị của doanh nghiệp cũng được gửi tới UBND quận Hải An, văn phòng UBND TP Hải Phòng và một số ngành chức năng của Hải Phòng. Theo chỉ đạo từ Văn phòng UBND TP Hải Phòng, các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm kiểm tra quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất để tham mưu cho thành phố hướng quản lý khu đất trước đề xuất của doanh nghiệp.
 
Ngày 6/2/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng có văn bản tham vấn tới Sở Xây dựng. Theo quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc trồng cây, làm công viện phải có ý kiến của Công ty CP công viên, cây xanh Hải Phòng, doanh nghiệp không được xây dựng bất cứ công trình gì trên đất. Sau khi hoàn thành xây dựng, phải bàn giao lại cho Công ty CP công viên, cây xanh quản lý. Sở Xây dựng cũng tham vấn, đề xuất TP Hải Phòng nếu giao cho doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa, làm công viên, khi xây dựng xong, doanh nghiệp phải bàn giao lại các công trình đã đầu tư cho Công ty CP công viên, cây xanh Hải Phòng quản lý, vận hành.
1-3.jpg
Mới chủ trương xã hội hóa đầu tư, doanh nghiệp đã rào chắn, quản lý cả nghìn m2 đất công. Đặc biêt là, hàng nghìn m2 này lại nằm ngay sát trụ sở UBND phường Đông Hải 1, Q. Hải An, TP Hải Phòng.
Trước đề xuất của các ngành chức năng, Văn phòng UBND TP Hải Phòng có văn bản nêu rõ, DN chỉ được chấp thuận trồng cây xanh, lát vỉa hè, tạo khuôn viên cho cộng đồng dân cư, kết hợp làm khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi tại một trường mầm non trên địa bàn sau khi được UBND TP Hải Phòng phê duyệt đề án xã hội hóa.
 
Theo ông Đỗ Văn Thuấn, Chủ tịch UBND phường Đông Hải 1, văn bản của Văn phòng UBND TP Hải Phòng nêu rõ, doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của UBND TP Hải Phòng. Tuy nhiên, trong hồ sơ lưu tại UBND phường Đông Hải 1 vẫn chưa có quyết định của UBND TP Hải Phòng về phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dưới hình thức xã hội hóa đối với việc cải tạo, xây dựng khu đất thành công viên cây xanh, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi…
 
Người dân Tổ dân phố Thượng Đoạn Xá 1 phản ánh, khu đất không được lát vỉa hẻ, không được trồng cây xanh như đề xuất của doanh nghiệp, như tham vấn của các ngành chức năng, chỉ thấy ban đầu doanh nghiệp dùng hàng rào sắt, rào phần lớn diện tích đất lại, người dân khó tiếp cận khu vực doanh nghiệp đã quây rào. Giữa năm 2020, phần đất còn lại tiếp tục được quây lại bằng hàng rào, có cổng khóa, người dân không tiếp cận được khu đất, có dấu hiệu biến hàng nghìn m2 đất công giữa nội thành Hải Phòng thành đất tư.
 
Ông Thuấn cung cấp thông tin, cuối năm 2020, sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND phường Đông Hải 1 đã báo cáo, đề xuất UBND quận Hải An yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ tường rào, cho người dân tiếp cận khu đất, đưa khu đất thành nơi sinh hoạt công cộng cho người dân.
 
Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa thực hiện được. Được biết, Hải Phòng có chủ trương xây dựng công viên cây xanh tại các địa điểm công cộng, phường Đông Hải 1 tiếp tục để xuất dùng ngân sách xây dựng công viên, trả lại không gian công cộng cho người dân, ông Thuấn cho biết thêm.

Khi chủ các mỏ cát, khoáng sản dùng chiêu thức “lách luật”

Theo báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tới đây thể hiện, trong năm 2020, UBND tỉnh tiếp nhận, giải quyết 87 hồ sơ các loại về hoạt động khoáng sản.

Trong đó, cấp giấy phép thăm dò khoáng sản 6 hồ sơ, phê duyệt trữ lượng khoáng sản 10 hồ sơ, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 19 hồ sơ, giấy phép khai thác khoáng sản cấp mới 21 hồ sơ, gia hạn giấy phép khai thác 1 hồ sơ, chuyển nhượng giấy phép khai thác 1 hồ sơ, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản 2 hồ sơ, quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản 4 hồ sơ và cấp bản xác nhận khu vực khoáng sản 23 hồ sơ. Cơ quan chức năng thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 18 tổ chức, 1 cá nhân.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức có vi phạm trong hoạt động khoáng sản như: Không gửi hồ sơ giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép, khai thác khoáng sản vượt khối lượng, ranh giới cấp phép, sử dụng khoáng sản không đúng mục đích theo giấy phép được cấp, khai thác khoáng sản không có giấy phép.

Cơ quan thanh tra, kiểm tra, phát hiện 4 tổ chức có vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Chánh thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền phạt 180 triệu đồng.

 

a3.jpg
Xử phạt hành chính 3 tổ chức và 1 cá nhân vi phạm trong hoạt động khoáng sản

 

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đối với các mỏ đã chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác hoặc mỏ đã có quyết định thu hồi giấy phép, tổ chức, cá nhân chậm triển khai lập hồ sơ, thủ tục, trình phê duyệt đề án và thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản để trả lại đất cho địa phương quản lý, sử dụng.

Phó Chủ tịch tỉnh này cũng chia sẻ, trong năm 2020, UBND tỉnh đã cấp 2 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông thông qua hình thức đấu giá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn hiệu lực.

Về công tác kiểm tra trữ lượng khoáng sản thực tế đã khai thác hàng năm tại các mỏ gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện việc đo vẽ lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản, thông kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.

“Các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông thường tối đa hoá lợi nhuận, dưới nhiều hình thức. Họ thực hiện đo vẽ bản đồ hiện trạng chậm trễ thời gian so với yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, với mục đích kéo dài thời gian gần đến mùa mưa mới thực hiện đo vẽ, nhằm đối phó với việc kiểm tra thực tế độ sâu khai thác do mưa, lũ nước sông dâng lên, đo kiểm tra không được.

Các đơn vị khai báo thiếu trung thực khối lượng khai thác, không cập nhật ký, sổ sách chứng từ theo dõi; gian lận khối lượng khai thác, thường khai thác quá độ sâu cấp phép ở thời điểm gần mùa mưa và đợi cho mùa mưa lũ về, lượng cát được bồi tích trở lại… khai thác vượt trữ lượng cấp phép.

Các mỏ cát được cấp giấy phép, bán cát ra ngoài thị trường cho xây dựng dân dụng không xuất hoá đơn, nên rất khó cho công tác kiểm soát khối lượng thực tế khai thác hàng năm, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước”, ông Hiền thông tin

Theo ông Hiền, để ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND tỉnh đã có nhiều quy định rõ ràng, đặc biệt, người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra cát, sỏi lòng sông trong mùa mưa, kiểm tra xử lý các bến bãi tập kết, trữ cát không phép. Chỉ đạo công tác phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ở các địa bàn giáp ranh.

Sai phạm cho thuê đất vàng…

UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành văn bản đồng ý với kết luận, kiến nghị của Thanh tra thành phố tại Kết luận số 6204 về thanh tra việc sử dụng đất, tài sản công của Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội tại thửa đất số 299 (nay là 281), phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra các tồn tại, sai phạm của Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội khi chưa tiến hành làm thủ tục ký lại hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT. Cũng theo Thanh tra thành phố, Sở TN&MT (trước kia là Sở Địa chính - Nhà đất) là đơn vị quản lý nhà nước về đất đai và trực tiếp ký hợp đồng cho thuê đất nhưng đã không kịp thời yêu cầu Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội làm thủ tục điều chỉnh tên đơn vị thuê đất trong hợp đồng thuê đất.

Ngoài ra, Công ty này cũng bị chỉ ra rằng ký hợp đồng hợp tác khai thác kinh doanh với Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại Xanh Palace với thời hạn 45 năm, vượt quá thời hạn được Nhà nước cho thuê đất 31 năm là vi phạm Luật Đất đai. Qua sự việc này, dư luận cũng đặt câu hỏi trách nhiệm Tổng Giám Đốc của Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội thế nào?

Trao đổi với báo chí, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn Phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo kết luận thanh tra Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội chưa làm thủ tục ký lại hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và môi trường. Như vậy, có thể thấy hợp đồng thuê đất giữa công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội và Sở TN&MT đã hết hạn và chưa được ký lại.

 

a4.jpg
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn Phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Tùng cho biết thêm, trong trường hợp này, nếu Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội có nguyện vọng gia hạn hợp đồng và việc thuê đất này phù hợp, Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sắp tới của Sở TN&MT thì phải yêu cầu Sở tiếp tục gia hạn. Mặt khác, nếu Sở TN&MT chấp nhận gia hạn hợp đồng thì bên Công ty cổ phần - XNK nông sản Hà Nội buộc phải chấm dứt sử dụng mảnh đất và bàn giao lại bên cho thuê.

"Ngoài ra, Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội ký hợp đồng hợp tác khai thác kinh doanh số 85 ngày 8/5/2012 với Công ty TNHH MTV Đầu tư, thương mại Xanh Palace với thời hạn 45 năm, vượt quá thời hạn được Nhà nước cho thuê đất 31 năm là vi phạm khoản 3, điều 6 Luật đất đai năm 2013" - luật sư Tùng nói.

Luật sư Tùng cho phân tích, người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Qua các sự việc trên, chắc chắn không thể không nhắc đến việc Sở TN&MT đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý. Nếu các cá nhân nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật sẽ bị xem xét xử lý theo pháp luật hình sự, cụ thể theo quy định tại điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

"Đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký kết, Công ty cổ phần DV - XNK nông sản Hà Nội và Công ty TNHH MTV Đầu tư, thương mại Xanh Palace phải chịu trách nhiệm với nhau như các bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm này không làm mất đi các trách nhiệm pháp lý đối với nhà nước khi mà đối tượng khai thác của hợp đồng này đang có khúc mắc" - luật sư Cường cho hay.

Cũng trao đổi với báo chí, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cần xem rõ tính chất pháp lý của lô đất này là loại đất thuê hay đất được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trường hợp là đất thuê trả tiền hàng năm thì việc cho thuê lại đất theo quy định của luật đất đai hiện nay là không được phép.

 

a5.jpg
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

"Tuy nhiên, thửa đất này đã được sử dụng nhiều năm, qua nhiều thời kỳ sửa đổi bổ sung luật đất đai. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ chế độ sử dụng đất đối với thửa đất này như thế nào, qua các thời kỳ thay đổi của luật đất đai thì việc chuyển tiếp quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp này được thực hiện như thế nào trên cơ sở đó sẽ xem xét tính chất pháp lý của hợp đồng hợp tác hoặc hợp đồng thuê đất mà Công ty này đã ký với bên thứ ba.

Trường hợp hợp đồng này không được phép ký kết và thực hiện (Hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật, thửa đất không đủ điều kiện để thực hiện giao dịch) thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và các bên chủ động giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Trong trường hợp có tranh chấp thì có thể đưa đến tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật" - luật sư Cường quan điểm.

Cũng theo luật sư Cường, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định hợp đồng ký kết là hợp pháp: Chủ thể có quyền ký kết hợp đồng hợp tác hoặc hợp đồng cho thuê đất, thửa đất đủ điều kiện để tham gia giao dịch, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chưa thực hiện thủ tục đăng ký và thời hạn quá thời hạn thuê thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các đơn vị này ký kết lại hợp đồng, thực hiện lại thủ tục theo quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đồng thời xem xét lại trách nhiệm trong việc quản lý đất đai của tổ chức, cá nhân có liên quan.

"Đây là trung tâm tiệc cưới có từ nhiều năm nay, về hoạt động kinh doanh đã ổn định. Bởi vậy, trong trường hợp thửa đất đủ điều kiện giao dịch, chỉ sai sót về mặt thủ tục thì cơ quan nhà nước sẽ phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện thủ tục để kinh doanh theo quy định pháp luật. Trường hợp sai phạm đến mức phải hủy bỏ hợp đồng giao dịch thì sẽ có những thiệt hại cho các bên và khi đó cần xem xét trách nhiệm trong việc quản lý đất đai của cơ quan chức năng. Vấn đề này xảy ra không ít trong thời gian gần đây, bởi vậy việc giải quyết phải trên cơ sở có tình, có lý, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan và trách nhiệm trong việc quản lý đất đai của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật" - luật sư Cường nói.

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top