Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2023 | 11:28

An ninh lương thực toàn cầu đối mặt bấp bênh

Giá lương thực thế giới có thể sẽ tăng vọt do hệ quả từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trắng, cộng thêm ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino bắt đầu xuất hiện trong năm nay.

Khủng hoảng giá lương thực

Việc Nga rút khỏi một thoả thuận thời chiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho phép ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine lưu thông qua Biển Đen, làm dấy lên những mối lo ngại mới về an ninh lương thực toàn cầu. Giới phân tích xem “cái chết” của thoả thuận này là đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới.

Chỉ vài giờ trước khi thoả thuận hết hạn, ngày 17/7, Nga tuyên bố không gia hạn thoả thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Đây là thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc đứng ra làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái trong bối cảnh xung đột diễn ra giữa Nga và Ukraine, được coi là bước đột phá ngoại giao hiếm hoi nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Thư ký báo chí điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “17/7 là ngày cuối cùng của thỏa thuận ngũ cốc. Khi nào lợi ích của Nga được thực thi đầy đủ, Nga mới quay trở lại thỏa thuận”.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã nhiều lần được gia hạn trong thời gian ngắn, trong bối cảnh Nga ngày càng bất bình về những hạn chế mà Moscow cho là cản trở việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón xuất của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại những lời phàn nàn này trong cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ông Putin nói rằng, mục tiêu chính của thoả thuận là cung cấp ngũ cốc cho các quốc gia có nhu cầu, bao gồm các quốc gia châu Phi, đã không đạt được.

Giá lúa mì, ngô, đậu tương đồng loạt tăng sau khi có tin Nga rút khỏi thoả thuận. Theo Đài CNN, giá lúa mì giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) tăng 2,7%, lên 6,8 USD/bushel (1 bushel lúa mì = 27,2kg); giá bắp giao sau tăng 0,94%, lên 5,11 USD/bushel (1 bushel bắp = 25,4kg) do các thương nhân lo ngại về nguồn cung.

Ông Simon J. Evenett, chuyên gia về thương mại toàn cầu và là giáo sư kinh tế tại Đại học St. Gallen, nhận định, việc Nga rút khỏi thoả thuận phản ánh “sự thất bại của một thoả thuận vốn dĩ đã lung lay”. Ông trích dẫn dữ liệu vận chuyển của Liên Hiệp quốc cho thấy số lượng các lô hàng lương thực xuất khẩu qua đường Biển Đen giảm dần từ đầu năm đến nay.

“Sự sụp đổ của thỏa thuận Biển Đen là  đòn giáng mạnh đối với các quốc gia tìm nguồn cung ứng lúa mì rẻ hơn từ Ukraine. Nhưng chừng nào điều này không dẫn tới các lệnh cấm xuất khẩu, thì việc thỏa thuận sụp đổ cũng chỉ là một xáo trộn nhỏ”, ông Evenett trao đổi với hãng tin CNBC.

Ông Evenett nói thêm: “Trong tương lai, điều quan trọng là liệu Nga có dùng việc xuất khẩu lúa mì của họ để làm vũ khí hay không? Trong chu kỳ thu hoạch vừa qua và hiện tại, Nga là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, xuất khẩu khoảng 45 triệu tấn”. Ông cũng đồng thời khuyến cáo giới đầu tư theo dõi chặt chẽ khả năng Moscow tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc.

Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3/2022, nhưng giảm đều đặn kể từ đó.

Cũng cần lưu ý, giá lúa mì hiện nay vẫn đang thấp hơn 54% so với mức cao nhất mọi thời đại ghi nhận vào tháng 3/2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, còn giá bắp thấp hơn 37% so với mức giá cao nhất trong 10 năm ghi nhận vào tháng 4/2022.

Tuy nhiên giờ đây, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen”, xu hướng giảm giá đó có thể bị đảo ngược do nguồn cung giảm đáng kể. Sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc có nguy cơ đẩy giá lương thực tăng cao với người tiêu dùng trên khắp thế giới và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói ăn.

Những người dân bỏ quê hương vì hạn hán nhận phần lương thực cứu trợ tại trại trung chuyển ở khu vực Tabelaha, ngoại ô Mogadishu, Somalia. Ảnh: baotintuc

Hàng triệu người rơi vào cảnh đói ăn

Theo Hãng tin AFP, các nhà phân tích cho rằng, sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc sẽ có ít tác động ngay lập tức, nhưng về trung hạn sẽ khiến thị trường căng thẳng và đẩy giá lương thực tăng cao.

Theo Liên Hợp quốc, kể từ khi được ký kết vào tháng 7 năm ngoái, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho phép hơn 32 triệu tấn lương thực được xuất khẩu từ ba cảng  ở Biển Đen của Ukraine (Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi) đến 45 quốc gia trên toàn thế giới. Chính vì lý do này, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã mô tả thỏa thuận này đóng một “vai trò không thể thiếu” trong an ninh lương thực toàn cầu.

Hồi đầu tháng 7, ông Guterres nói rằng, thỏa thuận “phải được tiếp tục” vào thời điểm mà xung đột, khủng hoảng khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng chi trả cho lương thực, giữa lúc 258 triệu người phải đối mặt với nạn đói ở 58 quốc gia trên thế giới.

Ông Adam Hodge, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, bình luận: “Quyết định của Nga về việc dừng tham gia “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và gây hại cho hàng triệu người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới”.

Thỏa thuận này đã được gia hạn ba lần, nhưng Nga nhiều lần đe dọa rút khỏi. Điện Kremlin giải thích Nga rút khỏi thỏa thuận vì Moscow đã bị cản trở trong việc xuất khẩu các sản phẩm của họ, gồm ngũ cốc và phân bón.

Nga cũng phàn nàn những lô ngũ cốc đã xuất khẩu theo thỏa thuận rốt cuộc cũng không đến được với các nước nghèo.

Quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trước xung đột, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, chiếm 10% tổng nguồn cung. Ngoài ra, Ukraine là một trong ba nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp, dầu hạt cải hàng đầu thế giới; là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất (chiếm 46% lượng xuất khẩu toàn cầu).

Do đó, việc nông sản Ukraine không thể xuất khẩu sẽ gây áp lực cho nhiều nước, nhất là các nước ở châu Phi như Somalia, Ethiopia và Kenya, những nơi đang trải qua tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Những quốc gia đối mặt với xung đột và thời tiết khắc nghiệt như Yemen, Afghanistan... cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ukraine là một trong ba nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp, dầu hạt cải hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa: Nguồn Reuters

Tại Thủ đô Mogadishu của Somalia, giá lúa mì tăng gấp đôi khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, nhưng đã giảm 25% sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết. Theo Hãng tin Reuters, lúc này mọi người, từ thương nhân cho đến thợ làm bánh, các nạn nhân của xung đột vũ trang và hạn hán tại Somalia đều cảm thấy lo sợ.

“Tôi không biết chúng tôi sẽ sống như thế nào”, bà Halima Hussein, mẹ của 5 con sống trong một khu trại đông đúc ở Mogadishu, chia sẻ.

Bà Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa tại Công ty Capital Economics, nhận định, các nước giàu sẽ ít bị ảnh hưởng hơn các nước ở Trung Đông và châu Phi. Bà nói: “Giá nông sản tăng trở lại rõ ràng sẽ đẩy giá thực phẩm bán lẻ lên, nhưng có lẽ không nhiều như bạn nghĩ, nhất là ở các nền kinh tế phát triển”.

Theo báo cáo của Mạng lưới Thông tin an ninh lương thực (FSIN), năm ngoái, các cú sốc kinh tế - bao gồm tác động của cuộc chiến ở Ukraine và đại dịch Covid-19  là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở 27 quốc gia, ảnh hưởng đến gần 84 triệu người.

Ông Carlos Mera, Trưởng nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Ngân hàng Rabobank của Hà Lan, nhận định, dù các nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho việc thoả thuận Biển Đen bị huỷ bỏ, động thái của Nga vẫn là “một đòn giáng” vào thị trường. Ông Mera cho rằng, sáng kiến này đã hỗ trợ ổn định giá cả và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt lương thực ở các nước đang phát triển.

“Ukraine sẽ buộc phải xuất khẩu hầu hết các loại ngũ cốc và hạt có dầu của mình qua biên giới đất liền và các cảng trên sông Danube. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển và gây thêm áp lực lên lợi nhuận của nông dân Ukraine” - ông Mera nói thêm - “Hiệu ứng dây chuyền của việc này là có thể khiến nông dân Ukraine trồng ít hơn trong mùa tới, gây thêm áp lực lên nguồn cung trong tương lai”.

Vị chuyên gia này cho rằng,  diễn biến mới này đồng nghĩa với việc  các nước có thu nhập thấp ở châu Phi và Trung Đông có thể sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào lúa mì của Nga - quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

  • Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025”, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top