Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 2 năm 2024 | 13:40

Ban Liên kết sản xuất và thị trường: Phát huy vai trò “cầu nối” giữa người làm vườn với doanh nghiệp

Nông nghiệp đã, đang trải qua cuộc cách mạng số hóa ấn tượng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý tài nguyên, phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Trước tình hình trên, để bắt kịp với thời cuộc, năm 2023, Ban Liên kết sản xuất và Thị trường (LKSX&TT) thuộc Hội Làm vườn Việt Nam đã hướng dẫn hội viên liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo hợp đồng, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”...

Liên kết phát triển nông nghiệp bền vững

Liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang khẳng định là “chìa khóa” giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa, ổn định lợi ích của các chủ thể tham gia. Cụ thể, nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan tăng cường liên kết để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Chia sẻ về điều này, TS. Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Trưởng ban LKSX&TT, cho rằng: Phát triển kinh tế trong nông nghiệp phải tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nếu sản phẩm làm ra mà không có nơi tiêu thụ thì hiệu quả sẽ không cao, ảnh hưởng đến đời sống hội viên, nông dân. Trong bối cảnh nhiều loại nông sản trên cả nước chưa tìm được đầu ra ổn định, thì hướng giải quyết thông qua việc ký kết hợp đồng với nhiều công ty, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm là rất quan trọng và cần thiết đối với hội viên.  Do vậy, việc đẩy mạnh chế biến sâu, kết nối vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ được xem là việc làm sống còn.

Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch  Hội Làm vườn Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững, tổ chức tại Bình Thuận năm 2023. Ảnh: Hồng Hiếu – TTXVN

Từ thực tế này, với mục đích xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa, ổn định lợi ích của các chủ thể tham gia, năm 2023, Ban đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường liên kết, hợp tác, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Phó chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho biết, sau gần một năm đi vào hoạt động, Ban LKSX&TT đã tư vấn, hỗ trợ hội viên phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Ban đã kết nối hội viên, doanh nghiệp và hội thành viên các địa phương để hình thành những chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả nghề làm vườn và VAC. Qua đó, tạo mối liên kết cùng có lợi giữa người làm vườn với doanh nghiệp trong sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng chuỗi liên kết, đảm bảo cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm  một cách minh bạch.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Duy Lượng, thông qua kết nối, các địa phương được tiếp cận doanh nghiệp có sản phẩm tốt, các giải pháp công nghệ hiệu quả để phục vụ sản xuất. Sự gắn kết này sẽ là cầu nối, cung cấp thông tin và hướng dẫn phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn trên cơ sở liên kết giữa hội viên với nhau, giữa hội viên với các doanh nghiệp, đồng thời tư vấn, hỗ trợ hội viên hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trong nông nghiệp, tổ chức diễn đàn, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm trong nước, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp. Tránh tình trạng được mùa mất giá.

Lấy ví dụ về mặt hàng thanh long, Phó chủ tịch Nguyễn Duy Lượng chia sẻ, hiện nay, tỉnh Bình Thuận có diện tích thanh long được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP là 8.610ha với 449 tổ liên kết và 9625 hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, thanh long gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thực trạng này diễn ra từ năm 2022 trở lại đây, thanh long chính thức rời khỏi nhóm những mặt hàng tỷ đô của Việt Nam. Nguyên nhân là một số thị trường nhập khẩu chủ yếu như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ cũng đã trồng thanh long.

Đặc biệt, các thị trường trên xác định đây là cây trồng chính và tập trung phát triển thành cây chủ lực. Trong khi đó, nông dân trồng thanh long nước ta còn sản xuất theo kinh nghiệm, không tuân thủ các điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế.

Từ thực trạng khó khăn đó, Ban LKSX&TT đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp để thanh long phát triển bền vững, như: hạn chế mở rộng diện tích trồng mới, chú trọng nâng cao chất lượng trên diện tích thanh long hiện có, xây dựng quy mô sản xuất phù hợp xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản. Đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Trước đó, Hội Làm vườn Việt Nam cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản tỉnh Hậu Giang.

Cần có chính sách cụ thể, đồng bộ

Bên cạnh một số kết quả đạt được thì hoạt động của Ban LKSX&TT vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Ban mới được thành lập, vì vậy, bộ máy hoạt động ban đầu với đội ngũ cán bộ tham gia còn thiếu, bên cạnh đó, nhiều thành viên hiện đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, phân tán tại các vùng, miền cả nước nên việc chỉ đạo, phối hợp gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra,  kinh phí để tổ chức hoạt động thực hiện kế hoạch chưa được bố trí.

Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà liên kết sản xuất với người nông dân. Trong khi đó, cả hai đều cần đến nhau và mong muốn hợp tác song lại thiếu sợi dây gắn kết bền chặt.

Vì vậy, Phó chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho rằng, thời gian tới, cần có chính sách cụ thể, rõ ràng để ràng buộc và gắn kết một cách bền chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng nguyên tắc bình đẳng và kỉ cương, trong đó tính pháp lý của mối quan hệ này phải được đặt lên hàng đầu.

Để liên kết được chặt chẽ hơn, Ban sẽ đề xuất tới các ban, ngành tổ chức hội thi những người làm vườn giỏi nhằm tôn vinh những người nông dân làm kinh tế VAC giỏi. Hội thi sẽ là nơi hội viên học hỏi, tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả cho nghề làm vườn.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kế hoạch kết nối, tư vấn, hỗ trợ hội viên về sử dụng đất đai, sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn để hướng tới sản xuất nông nghiệp một cách bài bản và chuyên nghiệp. Tư vấn quy trình canh tác theo hướng nông sản sạch, tư vấn về truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản vào các hệ thống bán lẻ hiện đại; đồng thời, tư vấn, hướng dẫn hội viên thực hiện tốt, đầy đủ trong chuỗi liên kết ngang, liên kết dọc, liên kết nhiều nhà và liên kết vùng miền.

Để thực hiện có hiệu quả việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người nông dân, ông Lượng cho biết, Ban LKSX&TT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trực tiếp là người nông dân, để hiểu rõ về tác hại, rủi ro tiềm ẩn từ thực tại, dịch bệnh, tình hình biến đổi khí hậu, thị trường, về lợi ích, tầm quan trọng trong liên kết, hợp tác sản xuất. Để từ đó người dân hiểu và đồng thuận cao trong quá trình thực hiện, làm thay đổi ý thức, nhận thức đầy đủ về con đường tất yếu để sản xuất lớn, sản phẩm làm ra có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường là phải liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, tổ chức đàm phán với các nước để mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân, doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khắt khe liên quan đến quy tắc xuất xứ, quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, lao động và quy trình công nghệ xuất khẩu nông sản.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top