Việc phát triển cây na đặc sản Chi Lăng đã giúp người dân nơi đây có được cuộc sống ổn định, từ đó đóng góp thiết thực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Đây là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, việc phát triển cây na đặc sản đã giúp người dân nơi đây có được cuộc sống ổn định, từ đó đóng góp thiết thực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Na được mùa, được giá không chỉ giúp bà con nông dân Chi Lăng xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu.
Đoạn đường bê tông hơn 1km từ đường quốc lộ vào thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng rợp bóng mát với hàng cây xanh tỏa bóng hai bên. 25 hộ dân trên đoạn đường định kỳ hàng ngày lại phân công nhau quét dọn vệ sinh đường thôn, xóm. Bà Lành Thị Nhân, ở thôn Làng Ngũa chia sẻ, mỗi năm cây na cho thu 2 vụ, nhà bà có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ có kinh tế ổn định nên mọi người trong thôn rất quan tâm đến việc xây dựng nông thôn mới, gìn giữ bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
“Những rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, bà con tự giác thu gom để sạch sẽ cảnh quan môi trường. Bà con trong thôn ai cũng tự giác, mỗi tuần 1 lần tham gia cắt tỉa cây xanh, quét đường xá”, bà Nhân nói.
Hiện nay, toàn xã Chi Lăng đang có hơn 430ha đất trồng cây na. Sản phẩm Na Chi Lăng đã được công nhận danh hiệu OCOP 4 sao. Ông Hồ Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quang Huy, xã Chi Lăng cho biết, cây na giúp các xã viên vươn lên làm giàu. Năm 2023 doanh thu từ mua và bán quả na đạt hơn 4 tỷ đồng với giá bán bình quân 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Cây na đã giúp các thành viên trong HTX ổn định cuộc sống, từ đó mọi người luôn tích cực tham gia đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, như hiến đất làm công trình, đóng góp ngày công làm đường, vật tư cho nhà văn hóa.
“HTX thành lập tháng 4/2021 với 7 thành viên, diện tích na có khoảng 2 ha, trồng và thu mua xuất đi các tỉnh miền Trung. Sản xuất na được áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho sản phẩm sạch, dễ tiêu thụ tăng thu nhập cho người dân”, ông Hồng cho biết.
Năm 2023, theo thống kê của UBND xã Chi Lăng, tỉ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn dưới 3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Ông Lăng Văn Thạch, Bí Thư đảng ủy xã Chi Lăng cho biết, 80% hộ dân ở xã tham gia vào việc sản xuất và tiêu thụ trái na. Vì thế địa phương xác định cần hướng dẫn người dân phát triển trồng cây na theo hướng hàng hóa, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Đến nay, toàn xã Chi Lăng đã có 6 HTX sản xuất và thu mua trái na với hàng trăm xã viên. Năm 2023, đã có hơn 60% diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó sản phẩm na Chi Lăng đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các siêu thị ở thành phố lớn. Cũng từ đây người dân trong xã đã có được cuộc sống ổn định.
Trong giai đoạn 2021-2022, người dân trong xã đã đóng góp đến 22 tỷ đồng trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến tháng 4/2023, xã Chi Lăng đã nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lạng Sơn. “Từ cách đây 2 năm, xã đã đưa na lên sàn giao dịch thương mại tiêu thụ sản phẩm rất tốt với giá bán từ 40.000 – 45.000 đồng/kg”, ông Thạch cho hay.
Phát triển cây trồng đặc sản để nâng cao đời sống người dân tại xã Chi Lăng là một hướng đi đúng đắn. Cây na đã trở thành sản phẩm nông nghiệp giúp người dân Chi Lăng phát triển làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Cũng từ đây người dân có được cuộc sống ổn định, tham gia góp sức nhiều hơn cho hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương.