Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 11 năm 2023 | 10:22

Chàng trai người Giáy tự tin làm kinh tế

Ở thôn Đồng Quang, xã Quang Kim (Bát Xát - Lào Cai), người dân thường nhắc tên chàng trai trẻ La Văn Lưu bởi cách làm kinh tế “không giống ai”, chẳng ngại thất bại, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tự học, tự làm

Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, Lưu ở cùng bố mẹ phụ giúp công việc đồi rừng, trồng cấy, thu nhập chính là vận chuyển thuê cho bà con trong xã. Những năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ quanh quẩn vườn tược, anh có nhiều thời gian suy nghĩ tìm cách làm kinh tế tại nhà. Tuy nhiên, không như nhiều hộ nuôi lợn, trâu, bò..., Lưu lại chú ý đến hươu sao.

Anh kể: “Nhiều đêm ngồi “lướt mạng” xem thiên hạ phát triển sản xuất, tôi thấy trong Hà Tĩnh có nhiều trang trại nuôi hươu sao. Đọc thấy hiệu quả kinh tế mà hươu là con vật đẹp, tôi rất thích nhìn ngắm, cảm giác như được nuôi sinh vật cảnh. Tìm hiểu kỹ trên mạng nhưng chỉ đến khi có người trong xã bán đàn hươu 6 con do phải di chuyển chỗ ở khác không có điều kiện nuôi nữa, tôi quyết định mua lại với giá hơn 100 triệu đồng, gồm 2 cặp hươu bố mẹ và 2 hươu con”.

La Văn Lưu bên đàn hươu sao 8 con cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Hươu là loài dễ ăn, thức ăn của chúng chủ yếu là lá cây, ngô, hoa quả, cây cỏ có sẵn trên đồi. Gần 1 năm sau, thấy nuôi hươu tốn ít thức ăn, Lưu mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng vào Hà Tĩnh mua thêm 7 con nữa.

Bài học đầu tiên gây ra tổn thất không nhỏ khi Lưu nuôi đàn hươu trong chuồng lợn cũ của gia đình. Dù đã dọn dẹp sạch sẽ chuồng trại nhưng môi trường ẩm thấp cộng với việc hươu đang ở xứ nóng lên miền núi vào đúng đợt rét đậm, rét hại, khiến hươu bị viêm phổi chết mất 3 con (thiệt hại khoảng 100 triệu đồng).

Từ những chủ trang trại khác chia sẻ, Lưu đầu tư thêm 200 triệu đồng xây dựng khu trại nuôi nhốt cao ráo trên quả đồi sau nhà. Anh cho biết, hươu là động vật hoang dã, nó rất sợ người và các động vật khác, phải đưa chuồng trại ra xa khu dân cư, nơi cao ráo thông thoáng và cũng để phòng chống một số bệnh dễ mắc do thời tiết.

Anh dùng rơm và tro trấu làm đệm lót chuồng cho hươu, khoảng 4-5 tháng thay một lần để đảm bảo chuồng trại được sạch sẽ.

Nuôi từ năm 2021 đến nay, hươu cái trong đàn sinh thêm được 3 hươu con. Trong tổng số 13 con hươu trong chuồng có 8 con đã được thu hoạch nhung. Mỗi năm 1 con hươu cắt được 600-700g nhung, bán với giá 2,3 triệu đồng/g, anh có thu hơn 100 triệu đồng.

Sau nhiều tổn thất do chăm sóc chưa đúng cách, Lưu đã thành công duy trì đàn hươu phát triển tốt.

Thường xuyên học hỏi kinh nghiệm

Ba năm nuôi hươu là 3 năm anh Lưu phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của những người đi trước trên nhiều diễn đàn về nuôi hươu. Từ cách vệ sinh chuồng trại, đặc tính sinh hoạt đến cách chăm sóc hươu cái sinh sản, nuôi con non, vỗ béo... một cách kỹ càng để ứng dụng vào thực tế. Vậy mà vẫn xảy ra sơ suất khi cắt nhung chưa đúng kỹ thuật, khiến hươu không hồi phục được, làm chết mất một con.

Chia sẻ sau những bài học đắt giá, anh Lưu cho biết: “Kỹ thuật cắt nhung rất quan trọng, nếu không khéo léo, thao tác không nhanh gọn, dứt khoát mà không được gì chặt cổ. Sau khi cắt nhung, hươu rất yếu, nếu không chăm sóc đúng cách hươu sẽ bị chết. Con hươu có giá 35 triệu đồng, khi bán thịt chưa được 10 triệu đồng. Trong quá trình chăm sóc, tôi luôn chú ý biểu hiện hươu bị bệnh về đường ruột, như bụng chướng, phân lỏng... Nếu có dấu hiệu này thì cần cho hươu ăn các loại thức ăn có vị chát như chuối xanh, lá ổi... để chữa trị. Đặc biệt, giai đoạn hươu lên nhung thì bồi bổ thêm thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để nhung đạt trọng lượng, bán được giá”. Mặc dù chăm sóc một cách tỷ mỷ, đàn hươu ăn tốt nhưng vỗ cho hươu béo vẫn là vấn đề khiến anh gặp khó để đàn hươu sinh trưởng và phát triển tốt hơn nữa.

Một góc trại nuôi hươu của gia đình La Văn Lưu.

Đến nay, đàn hươu con của anh Lưu có thể xuất bán với giá từ 10-15 triệu đồng/con nhưng anh giữ lại nuôi, vừa phát triển quy mô, vừa chủ động nguồn giống đã thích nghi tốt với điều kiện khí hậu miền núi phía Bắc.

Bên cạnh mô hình nuôi hươu cho thu nhập ổn định, gia đình anh còn trồng gần 1 vạn cây quế (hơn 1ha) trên đất đồi thay thế các loại cây kém hiệu quả, nay đã được 2 năm tuổi. Ngoài ra, anh cũng trồng quanh nhà nhiều loại cây mít, xoài, cỏ... để chủ động nguồn thức ăn cho đàn hươu của mình.

Mô hình kinh tế của gia đình anh La Văn Lưu không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn là nguồn động viên, cổ vũ cho bà con các dân tộc xã Quang Kim dám nghĩ, dám làm, tự tin phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top