Chỉ với 3 nhân lực cho một trang trại nuôi 500 con lợn nhưng ông Nguyễn Đức Thành ở thôn Soi Cờ, xã Gia Phú (Bảo Thắng - Lào Cai) vẫn dành nhiều thời gian tiếp khách tham quan, những người láng giềng cần ông dẫn dắt phát triển kinh tế, bạn bè đến học tập kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh hay vì mến mộ... Ông luôn sẵn lòng chia sẻ về khát vọng và thành công trong chặng đường hàng chục năm lăn lộn với nghề chăn nuôi lợn.
Học để thành công
“Mình là dân Bảo Thắng, được coi là vùng đất của người nông dân năng động ở Lào Cai. Hơn chục năm về trước, gia đình mình có trang trại quy mô 100 con lợn. Khi ấy, người dân vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, ít ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi. Khu chuồng trại cứ thông thống, mùa đông thì lợn rét, mùa hè thì nóng nên hay phải đối phó với dịch bệnh như: lép tô, tai xanh...”, ông Thành nhớ lại.
Cũng như một số hộ chăn nuôi khác, gia đình ông Thành nhiều lần lao đao vì giá cả thị trường. Nhất là vào năm 2016, giá lợn rớt đáy, gia đình ông bán đổ, bán tháo, bị lỗ hàng trăm triệu đồng. Có điều, ông Thành rất chịu khó đi nhiều địa phương tham quan học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi lớn, ghi chép cẩn thận kỹ thuật nuôi lợn, kinh nghiệm hay... Ông cũng tham gia đầy đủ những buổi tập huấn, tuyên truyền, giao lưu của cán bộ nông nghiệp địa phương, học tập về ứng dụng an toàn sinh học, cách phòng và điều trị các bệnh thường gặp trên đàn lợn, tiêm phòng vắc xin các loại... Đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết nên chỉ sau 1-2 năm, khu gia trại của ông Thành đã vững nhất vùng.
Ông Thành thường xuyên kiểm tra, vệ sinh chuồng trại.
Ông Thành bảo: “Có đi ra ngoài học hỏi, tìm hiểu mới thấy được sự khác nhau giữa việc chăm sóc bài bản theo đúng kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ với chăn nuôi theo kiểu truyền thống. Ngay việc khử trùng chuồng trại cũng cần kiến thức như: thuốc khử trùng dùng vài loại, mỗi tháng đảo thuốc một lần sẽ hiệu quả hơn là chỉ dùng một loại. Ban đầu nghe hướng dẫn thì có vẻ rất phức tạp nhưng cứ áp dụng 1-2 lần quen tay, không phải xử lý sự cố sẽ thấy đơn giản và nhàn hơn rất nhiều”.
Chính vì vậy mà nhiều năm nay tự tay ông chăm sóc đàn lợn của mình. Đêm nào trước khi đi ngủ ông Thành cũng đi kiểm tra đàn lợn. Ông thành thục như một cán bộ thú y từ chăm sóc, đỡ đẻ, tiêm phòng cho lợn từng giai đoạn, chỉ cần nhìn biểu hiện thấy lợn thở nặng nhọc, lừ đừ, mắt kéo gỉ, chán ăn... là ông đã biết bệnh để điều trị kịp thời, đúng thuốc.
Có những đợt nhiều hộ chăn nuôi trong vùng thiệt hại nặng vì dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại nhà ông Thành vẫn bình an vô sự, nhờ vậy, chăn nuôi được ổn định, kinh tế phát triển. Đến năm 2016, khi đã tích góp được kha khá vốn, ông bắt tay vào quy hoạch, đầu tư mở rộng khu chuồng trại theo hướng khép kín để chăn nuôi khoảng 500 con lợn.
Muốn đi đường dài
Đầu tư chuồng trại khép kín cần nhiều vốn, vận hành cũng tốn kém hơn. Với 25 ô chuồng, riêng tiền điện mỗi tháng cũng mất khoảng 10 triệu đồng. Nhưng ông Thành chia sẻ: “Số lượng lợn như nhà tôi chưa phải là nhiều nhưng quan điểm của gia đình là đầu tư chăn nuôi bài bản, theo quy chuẩn, chất lượng để phát triển bền vững. Chất thải chăn nuôi cũng được chúng tôi tính toán xử lý triệt để bằng các hầm bioga. Nên dù có sinh hoạt gần khu chuồng trại, gia đình tôi cũng như bà con làng xóm tuyệt nhiên không bị ảnh hưởng bởi mùi hôi hay chất thải chăn nuôi gì”.
Trang trại nhà ông Thành đang nuôi khoảng 400 con lợn thịt và 60 con lợn nái. Mỗi con lợn nái một năm cho 2-3 lứa, được 20-30 lợn con, thì ông cũng có khoảng 1.500 lợn giống. Bán với giá trung bình 1.500.000 đồng/con, gia đình thu về gần 3 tỷ đồng. Chưa kể, mỗi tháng ông còn xuất chuồng 60-70 con lợn thịt (khoảng 1 tạ/con) với giá 60.000 đồng/kg, thu về khoảng 420 triệu đồng. Có thời điểm gia đình ông nuôi trên 100 con lợn nái sinh sản và hơn 500 con lợn thịt các lứa. Trung bình mỗi tháng xuất bán ra thị trường khoảng 150 con lợn thịt, doanh thu hơn chục tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Đức Thành đầu tư tủ lạnh bảo quản vắc xin và nhiều loại thuốc phòng, trị bệnh cho lợn.
Ông Thành cho biết, thị trường tiêu thụ khá ổn định do nguồn cung đảm bảo chất lượng, có uy tín nhiều năm nay. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn phức tạp thì việc chủ động sản xuất con giống và phòng chống dịch bệnh càng được gia đình ông thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh việc tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin phòng chống các bệnh trên lợn, việc giữ gìn môi trường sống cũng được thực hiện bằng các biện pháp khử trùng, khử khuẩn mỗi tuần 3 lần: phun bên ngoài tường rào trang trại, hành lang xung quanh và trong chuồng lợn. Chăm sóc lợn cũng chỉ có vợ chồng ông và một người con thay nhau đảm nhiệm. Trước khi vào chuồng phải tắm rửa, khử trùng sát khuẩn đối với cả người và vật. Khách đến mua lợn cũng chỉ được xem và chọn lợn qua màn hình camera để đảm bảo việc kiểm soát nguồn bệnh từ nơi khác xâm nhập.
Không chỉ tâm huyết với việc chăn nuôi của gia đình, ông Thành cũng rất nhiệt tình chỉ dạy nhiều bà con đến học tập, nhờ ông xử lý khi lợn gặp vấn đề.
Chỉ tay sang nhà bà Lê Thị Thùy Trang hàng xóm, ông Thành bảo: “Gia đình bà Trang cũng học tập nuôi lợn, chỉ khoảng 20 con nhưng tôi cũng hướng dẫn chú trọng tiêm phòng đầy đủ, cách chăm sóc... nên đàn lợn phát triển khá tốt, ban đầu đạt hiệu quả kinh tế cao”. Ông cũng rất ủng hộ việc bà con phát triển chăn nuôi, đó là nền tảng để địa phương trở thành vùng chăn nuôi hàng hóa bền vững và có thương hiệu.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.