Thị trường bất động sản Hà Tĩnh đang hướng tới nhu cầu mua ở thực thay vì các hoạt động đầu tư, “lướt sóng” ảo như trước. Việc “gạn đục khơi trong” này đang là tín hiệu tích cực cho thị trường tại đây.
Giá bất động sản đồng loạt giảm
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương, nhất là những vùng có thông tin quy hoạch dự án như: Yên Hòa, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên); Việt Tiến (Thạch Hà)... Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào trạng thái trầm lắng. Giá bất động sản đồng loạt giảm mạnh, nhiều người bán “cắt lỗ” nhưng không ai mua.
Cơn sốt đất đi qua nhiều sàn giao dịch, doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đóng cửa.
Thời điểm “sốt đất” (tháng 3 - 4/2022), ở một số vùng trung tâm TP. Hà Tĩnh như: khu đô thị Sông Đà, khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh (khu đô thị HUD), một số khu vực thuộc các phường Hà Huy Tập, Nguyễn Du…, những lô đất “vàng” có giá hơn 3 tỷ đồng/lô, có nơi hơn 6 tỷ đồng/lô. Tuy nhiên, thời điểm này, giá những lô đất này đã sụt giảm từ 30 - 40%.
Các vùng như: Thạch Hạ, Thạch Trung, Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh), đất quy hoạch thời điểm “sốt” có lô lên đến 2,4 - 2,6 tỷ đồng nhưng nay giá giảm còn 1,4 - 1,6 tỷ đồng; ở khu vực nông thôn như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà…, mức giá giảm 50 - 60% so với đầu năm 2022.
Ông Trương Bá Hải, Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Sen (TP Hà Tĩnh), cho biết: “Đất ở các vùng chạy theo dự án như: Việt Tiến (Thạch Hà), Yên Hòa, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) sụt giá mạnh nhất. Mới đây, tôi bán cắt lỗ cho khách 1 lô đất ở mặt đường Quốc lộ 15B với giá 1,2 tỷ đồng. Lô đất này khách mua đợt sốt giá 2,7 tỷ đồng.
Giá bất động sản ở Hà Tĩnh hiện đang có chiều hướng đi ngang và dần trở về giá trị thực, thêm cơ hội cho người dân mua nhà, mua đất ở.
Thị trường trầm lắng kéo dài, thời điểm từ quý IV/2022 đến đầu năm 2023, hàng loạt sàn giao dịch trên địa bàn Hà Tĩnh buộc phải đóng cửa, chuyển đổi kinh doanh lĩnh vực khác. Nếu thời điểm thị trường lên “cơn sốt” đất, tại TP Hà Tĩnh, có gần 20 sàn, văn phòng giao dịch bất động sản thì thời điểm này, chỉ có khoảng 5 - 6 sàn, văn phòng giao dịch bất động sản còn mở cửa nhưng cũng chỉ hoạt động theo kiểu cầm chừng. Một số sàn giao dịch như: Đại Dương Xanh (đường Hàm Nghi), FCA (đường Ngô Đức Kế)... đã đóng cửa, chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh.
Anh Nguyễn Bá Quý, chủ sàn giao dịch bất động sản BQ Land (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), cho biết: “Giai đoạn này hoạt động hết sức chật vật nhưng tôi nghĩ đây là lúc nhà đầu tư khó khăn khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, tôi nỗ lực duy trì hoạt động của sàn để giúp khách hàng giải quyết khó khăn. Thời điểm sôi động, sàn giao dịch bất động sản BQ Land giao dịch từ 15 - 20 lô đất/tháng nhưng thời điểm này chỉ đạt 1 - 2 lô/tháng. Sàn đang duy trì việc làm cho 5 nhân viên, giảm 1 nhân viên so với trước”.
Hướng đến nhu cầu ở thực
Trong bối cảnh vừa trải qua năm 2022 gặp nhiều biến động, hiện nay, thị trường bất động sản Hà Tĩnh đang chuyển hướng sang loại hình đáp ứng nhu cầu mua nhà ở thực thay vì các hoạt động đầu tư như trước, để có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng. Động thái này được xem là bước đệm quan trọng nhằm giúp bất động sản Hà Tĩnh lấy lại niềm tin, sự quan tâm của khách hàng, đồng thời đưa sức mua của người dân tăng lên đáng kể.
Theo chủ các sàn giao dịch bất động sản, mặc dù thị trường trầm lắng nhưng thời điểm này, hoạt động mua bán cũng có nhiều điểm sáng. Sau hơn 6 tháng rớt giá mạnh và “bán không ai mua”, hiện nay, đất ở các vùng trung tâm TP. Hà Tĩnh đã ghi nhận một số hoạt động giao dịch trở lại. Tại Sàn giao dịch bất động sản Đất Sen (đường Nguyễn Tất Thành, TP. Hà Tĩnh), trong tháng 2, công ty này đã giao dịch thành công 5 lô đất ở vùng TP. Hà Tĩnh.
“Làm việc ở thành phố, vợ chồng tôi cũng lên kế hoạch, ấp ủ mua nhà từ năm trước nhưng đành gác lại vì cơn sốt đất, giá đất quá cao, vượt quá khả năng tài chính. Qua theo dõi, thời điểm này, giá đất giảm nên tôi có nhiều sự lựa chọn hơn nên tranh thủ vay mượn và mua được 1 miếng đất để tới đây có thể làm nhà ở ổn định” anh Nguyễn Văn Minh (Can Lộc) chia sẻ.
Đất quy hoạch phân lô bán nền ở Hà Tĩnh vẫn duy trì giao dịch nhưng không nhiều so với thời điểm sốt đất.
Theo nhiều môi giới bất động sản tại Hà Tĩnh, giá bất động sản ở Hà Tĩnh hiện đang có chiều hướng đi ngang và dần trở về giá trị thực, nhất là tại phân khúc đất thổ cư lâu năm. Cụ thể, giá nhà đất thổ cư ở vùng ven đô trung tâm TP. Hà Tĩnh hay như các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ… đều đang có mức giá rất hợp lý, chỉ trong khoảng từ 1 - 2 tỷ đồng/lô. Đặc biệt, nguồn cầu ở thực hiện đang ở mức cao sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản Hà Tĩnh lấy lại niềm tin, sự quan tâm của khách hàng, đồng thời đưa sức mua của người dân tăng lên đáng kể..
Trong tháng 2/2023, các ngân hàng thương mại bắt đầu có động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản. Tâm lý các nhà đầu tư bất động sản tại Hà Tĩnh vẫn đang nghe ngóng tín hiệu điều chỉnh lãi suất ngân hàng.
Bên cạnh đó, về mặt chính sách thanh toán, tình hình tín dụng cũng bắt đầu có động thái cởi mở hơn đối với lĩnh vực bất động sản. Các ngân hàng ở Hà Tĩnh hiện tại đã và đang đáp ứng đủ nguồn vốn vay phục vụ nhu cầu liên quan đến bất động sản của người dân như: Mua đất ở, nhà ở…; đồng thời tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản khi giảm lãi suất 0,5 - 3%/năm, tùy từng ngân hàng.
Đặc biệt, qua khảo sát thực tế tại tỉnh Hà Tĩnh, phóng viên ghi nhận nhu cầu nhà ở của người dân địa phương này vẫn ở mức cao, không có dấu hiệu suy giảm.
Chính vì vậy, việc thị trường bất động sản Hà Tĩnh tập trung vào phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực (đất thổ cư, nhà phố, căn hộ chung cư…) đang là hướng đi chắc chắn và đúng đắn trong thời gian tới. Để từ đó, từng bước đưa thị trường bất động sản Hà Tĩnh vực dậy, kiến tạo môi trường thực sự ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững.
Theo nhận định của các nhà đầu tư, trong năm 2023, rất có thể phân khúc nhà ở hướng tới người mua sử dụng, đó là nhà đất thổ cư giá hợp lý và các căn hộ giá bình dân hoặc tầm trung 1 - 2 tỷ đồng/căn đang được mong chờ.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.