Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2022 | 16:12

Đẩy mạnh kết nối sản xuất và lan tỏa gương sản xuất VAC giỏi

Từ đầu năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Hội Làm vườn tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, bước đầu mang lại nhiều khởi sắc đối với hoạt kinh tế VAC nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất VAC cho thu nhập tiền tỷ.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Ninh Bình Đinh Thế Lữ cho biết, hàng năm, Hội đều tham gia thỉnh giảng cho Trường dạy nghề TP. Tam Điệp. Luôn cập nhật, đưa vào chương trình phổ biến tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất cho hội viên, nông dân.

Hội cũng cập nhật thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình, tham quan, khảo sát cho hàng trăm lượt chủ thể...

Lãnh đạo tỉnh Hội đã đi thực tế tham quan, khảo sát nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng tại các huyện/thành như: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, TP. Tam Điệp, TP. Ninh Bình. Phát hiện kịp thời để động viên khích lệ phát triển mô hình VAC mới.

Gia đình ông Đức đang nuôi hơn 4.000 con vịt sinh sản.

Đặc biệt, xây dựng và thực hiện đề tài cấp tỉnh: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cam V2 trên đất màu đồi huyện Nho Quan” với thời gian thực hiện 36 tháng (từ năm 2020- 2022), năm nay là năm kết thúc đề tài cấp tỉnh. Mô hình xây dựng bài bản, cây sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả. Các mục tiêu, nội dung của đề tài tiến triển khá tốt.

Ban chủ nhiệm đề tài cùng các hộ tham gia mô hình tổ chức trồng thành công 2.500 cây giống cam V2 trong tháng 5/2020. Hiện các đơn vị đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng cam V2 phù hợp với điều kiện của huyện Nho Quan và nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật để hoàn thiện quy trình trồng cam V2. Trên cơ sở quy trình hướng dẫn của Viện Nghiên cứu rau quả, căn cứ vào điều kiện đất đai và thời tiết khu vực Nho Quan, nghiên cứu thay đổi quy trình bón phân cho cam. Trong đó, giữ mức trung bình hàm lượng bón phân hữu cơ vi sinh, đạm và lân. Thay đổi hàm lượng bón phân kali theo hướng tăng hàm lượng kali để chống rét và tăng độ ngọt cho quả.

Lan tỏa gương sản xuất VAC giỏi

Tại xã Khánh Vân (Yên Khánh), nhiều người biết đến ông Phạm Văn Đức bởi ông là tấm gương sáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất. Nhờ sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với thị trường và sự cần cù, chịu khó, ông Đức xây dựng thành công mô hình chuyển đổi ruộng trũng kém hiệu quả sang thả cá kết hợp nuôi vịt sinh sản.

Ông Đức cho biết: “Tôi luôn suy nghĩ, sinh ra trong gia đình thuần nông thì ruộng đồng chính là kế sinh nhai, vì thế, tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể làm giàu từ ruộng. Nghĩ là làm, năm 2018, tôi bàn với gia đình thuê lại ruộng của các hộ dân trong xã để tích tụ ruộng đất đào ao, thả cá và nuôi vịt sinh sản. Để có thêm kinh nghiệm và kiến thức cho việc sản xuất, tôi đi tham quan, học hỏi ở nhiều mô hình phát triển kinh tế tổng hợp trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Trên diện tích 3ha đất tích tụ, ông thuê máy móc về đào 2 ao, xây dựng kiên cố với diện tích 5 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) mặt nước, có trang bị đầy đủ hệ thống quạt khí, ôxy. Trong đó, 1 ao ông thả các loại cá thương phẩm truyền thống như trắm, chép và 1 ao thả giống cá mới là cá trê, cá rô đầu nhím.

Nhờ có kinh nghiệm và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng. Bình quân mỗi năm, gia đình ông nuôi 2 lứa cá trắm, chép và 3 lứa cá trê, rô đầu nhím, xuất bán ra thị trường khoảng 70-80 tấn cá. Doanh thu ước đạt gần 1,5 tỷ đồng/năm.

Cùng với nuôi cá, gia đình ông Đức còn tận dụng diện tích mặt ao đã thả cá trắm, chép để nuôi thả thêm vịt sinh sản. Hiện, gia đình ông có trên 4.000 con vịt. Vào thời điểm đẻ rộ, mỗi ngày ông thu 4.000 quả trứng, giá bán bình quân hiện nay 3.200 đồng/quả.

Theo ông Đức, việc nuôi vịt sinh sản kết hợp với nuôi cá giúp tiết kiệm chi phí, vì vịt sẽ hỗ trợ cho cá phát triển tốt hơn do môi trường sống của 2 loài này khác nhau: vịt sống ở tầng mặt, cá sống ở tầng dưới nên không có sự cạnh tranh về không gian sống. Thức ăn rơi vãi của vịt sẽ là nguồn thức ăn cho cá; ngược lại, các động vật phù du, thực vật sống dưới tầng nước lại là nguồn thức ăn cho vịt.

Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích đất  bờ ao trồng thêm các loại cây ăn quả, tạo bóng mát cho đàn vịt, đồng thời sử dụng chất thải của vịt xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng. Nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa cây trồng và con nuôi, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 400 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập ổn định này, ông xây dựng nhà cửa khang trang, mở rộng và hoàn thiện trang trại ngày càng ổn định, phát triển... Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong gia đình.

Theo đại diện lãnh đạo xã Khánh Vân: Ông Đức là một trong những người đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương. Điều đặc biệt của mô hình này là, các con nuôi hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình sinh trưởng và thu hoạch được quanh năm. Từ thành công của ông Đức, hiện nay, trên địa bàn xã và các vùng lân cận đã có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái

Cuối tháng 4/2022, Hội Làm vườn Việt Nam cùng Hội Làm vườn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức khảo sát kiểm tra và định hướng mô hình HTX du lịch cộng đồng sinh thái trải nghiệm tại thôn 12 Quèn Thờ, xã Đông Sơn (TP Tam Điệp). Sau kiểm tra khảo sát thực tế, Đoàn đã làm việc với ông Đàm, ông Năm... cùng các chủ khu du lịch cộng đồng sinh thái trải nghiệm.

PGS TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhận xét về thế mạnh đặc thù sinh thái thôn 12: Giữ nguyên tính nguyên thủy hoang sơ sinh thái thảm thực vật, trát vách đá tự nhiên, hồ nước, cây xanh, cây làm thuốc quý hiếm tự nhiên. Xây dựng các mô hình cộng đồng sinh thái hữu cơ sẵn có tại chỗ. Mở rộng cộng đồng du lịch sinh thái trải nghiệm bền vững và phát triển.

Trong tháng 6/2022, ông Trịnh Văn Tiến, Ủy viên BCH Hội Làm vườn Việt Nam, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng sinh thái trải nghiệm, đã tham gia cùng Hội Làm vườn Việt Nam, ký kết với Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, về nội dung 2 bên phối hợp xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu là hai Hội cùng đồng hành với Tập đoàn Quế Lâm và một số doanh nghiệp khác nhằm xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững. 

Thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh Ninh Bình tiếp tục tổ chức, phối kết hợp tổ chức, cập nhật và phổ biến thường xuyên đến hội viên các chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm, tham quan học tập... kết nối quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm và xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh công tác phát triển kết nạp hội viên là doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại và cá nhân quan tâm. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, đơn vị, viện, trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ..., doanh nghiệp trong hoạt động, nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống, thiết bị, vật tư phục vụ cho sản xuất đến hội viên. Tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn.

Hội Làm vườn tỉnh đề nghị được tham gia các chương trình, dự án của Hội Làm vườn Việt Nam, thông qua đó để tỉnh Hội kiện toàn và phát triển tổ chức ở cấp cơ sở. Đồng thời, đề xuất Hội Làm vườn Việt Nam tăng cường ký kết hợp tác với các tổ chức phi chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn… để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động của Hội Làm vườn các tỉnh, thành phố và các hội viên có cách làm hay, mô hình mới hiệu quả để giao lưu, học tập.

Hội Làm vườn tỉnh Ninh Bình hiện có 4.850 hội viên (trong đó có 59 hội viên  doanh nghiệp, 4.041 HTX, 800 trang trại…), sinh hoạt ở 8/8 huyện, 171/145 chi hội cấp xã

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top