Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 2020 | 14:25

Đến Ban Mê mùa sầu

Tây Nguyên đang là mùa mưa. Miền Bắc nắng nóng đến 39 độ, bình thường ai cũng muốn lao ra biển tắm một trận cho đã. Nhưng năm nay, mọi điều đều thất thường. Và chúng tôi chọn du lịch Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nơi có khí hậu ôn hòa hơn.

tr34.jpg

Đến Buôn Mê mùa này, du khách nên đến thăm những vườn sầu riêng đang trĩu quả.

 

Vùng đất nắng, gió

Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và cũng đã đến thăm một số địa danh của Tây Nguyên, một vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa sinh thái. Nơi đây có rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng, phong phú bậc nhất cả nước. Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá như: Vườn quốc gia Kon Ka King, Chư Mom Ray, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidup - Núi Bà, Cát Tiên; các khu bảo tồn Ngọc Linh, Đắk Uy, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung… hiện đang được các tỉnh quy hoạch, xây dựng thành những khu du lịch sinh thái quy mô lớn, có sức hút đối với du khách quốc tế.

Đặc biệt, đây còn là vùng đất sản sinh và lưu giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như các lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… của các dân tộc như Êđê, M’Nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia jai, K’ho… Tất cả tạo nên những tiềm năng to lớn cho công tác xây dựng, phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên.

Bên cạnh các lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên vốn được các doanh nghiệp lữ hành trong khu vực đầu tư khai thác, phục vụ du khách, thì các lễ hội đương đại ở Tây Nguyên được xây dựng, hoàn thiện trong những năm gần đây như Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, Festival Trà ở bảo Lộc, Festival Hoa Đà Lạt... cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá với du khách bức tranh du lịch văn hóa, sinh thái giàu gam màu, họa tiết trên vùng đất vốn được mệnh danh là xứ sở của “nắng và gió”.

Đánh giá về vùng đất này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Tây Nguyên là nơi sản sinh hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, không nơi nào có được. Do đó, để phát huy tiềm năng của du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên cần đặc biệt coi trọng bảo tồn di sản văn hóa và huy động người dân tham gia làm du lịch cộng đồng; đặc biệt chú ý gắn bảo tồn với khai thác, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quan tâm phát huy sức hút từ các phong tục tập quán truyền thống của người dân địa phương đến đời sống văn hóa, ẩm thực, cồng chiêng Tây Nguyên... qua đó tăng khả năng hấp dẫn đối với du khách.

Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, hiệu quả trong phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái. Duy trì và mở rộng các sản phẩm, chương trình du lịch mang tính liên kết như Con đường Di sản miền Trung - Tây Nguyên; Đường Trường Sơn huyền thoại; Con đường xanh Tây Nguyên và tour Carnaval hành lang kinh tế Đông - Tây… đi qua nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Đến để nhớ

Đây là lần thứ 2 tôi đến Ban Mê. Mỗi lần đi là một trải nghiệm mới. Ngoài đến thăm những địa danh quen thuộc, bọn tôi đã tự tạo ra nhiều trải nghiệm khác.

 

tr35.jpg

Thăm vựa sầu riêng ở Buôn Ma Thuột.

 

Nếu bạn muốn có những trải nghiệm khác biệt so với hành trình, hãy đến những vườn trái cây đặc trưng của Tây Nguyên. Cuối tháng 6, đầu tháng 7, Tây Nguyên mùa mưa, cũng là mùa bơ, sầu riêng… Khắp núi rừng đều thoang thoảng hương của sầu riêng. Đi cùng tôi có 3 “con nghiện” sầu riêng, bọn chúng nhất quyết nhờ anh lái xe tìm cho vườn sầu để được ăn món ưa thích ngay tại vườn. Đó là yêu cầu không khó nhưng cũng không dễ với anh lái xe, vì khách du lịch vốn dĩ không ai yêu cầu điều này. Thế là anh lái xe tà tà đưa chúng tôi ra ngoại ô thành phố, cứ thế ào vào một vườn sầu quả sai trĩu cành.

Hóa ra lại may, chúng tôi đã “rơi” ngay vào vườn sầu rộng 25ha, được gặp cả ông chủ vườn, nhưng ông chủ nhất định không tiết lộ tên. Sau một hồi trò chuyện, tôi đã khai thác được ít thông tin. Ông chủ vườn có Công ty CP Đoàn Kết, đây là vườn sầu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ông có tất cả 3 vườn chỉ trồng sầu với tổng diện tích gần 80ha. Ông chủ đưa chúng tôi về vựa sầu, mấy đứa bạn đi cùng tôi được ăn sầu tại vườn và đều thốt lên: Ôi, chưa bao giờ được ăn sầu ngon đến thế, 1 quả 4kg mà chúng chén sạch trong nháy mắt. Đứa nào cũng cảm thán, đi Tây Nguyên phải được vào vườn trái cây mới là đi.

Chưa hết, còn vườn bơ nữa. Tây Nguyên đang mùa bơ, không thể bỏ qua. Hôm sau, trước khi về Thủ đô, bọn tôi lại tìm được một vườn bơ, bơ sáp, bơ bút, Ri6… cây nào cũng trĩu quả. Tuổi thơ ùa về, đứa nào cũng lao vào vườn, suýt xoa, trèo lên cây hái, thậm chí nhặt những trái bơ rụng đầy gốc, kệ cho anh chủ cảnh báo, bơ rụng thường hỏng, không ăn được. Vườn bơ chỉ rộng 1,5ha thôi nhưng theo lời anh chủ thì ngày nào cũng có khách du lịch đến thăm và mua về làm quà, anh không phải hái ra chợ bán hay tìm nguồn tiêu thụ.

Trong hành trang mang về Hà Nội của bọn tôi có thêm 50kg sầu và 25kg bơ, vài túi cà phê sạch mang về làm quà.

Những ngày này, khách du lịch cũng đổ về Tây Nguyên rất đông. Một phần để kích cầu du lịch trong nước khi mà dịch Covid-19 không còn trong cộng đồng nhằm thực hiện mục tiêu kép, phần khác, du lịch nơi đây rất thú vị. Vùng đất đến để nhớ và quay lại.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top