Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 4 năm 2024 | 10:3

Hiến đất làm đường, diện mạo nông thôn thay áo mới

Thời gian qua, phong trào vận động của chính quyền các cấp cùng các cơ quan dân vận, mặt trận, đoàn thể địa phương, huyện Triệu Sơn trở thành điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn với 48,9ha; trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng.

Ý đảng, lòng dân

Với quyết tâm thực hiện hóa “Khát vọng phát triển đi lên”; phấn đấu năm 2024 đạt huyện nông thôn mới nâng cao, năm 2025 là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh, trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2030. Cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện Triệu Sơn đã quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng vượt khó khăn, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về giao thông nông thôn trên địa bàn.

Sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân xây dựng những con đường khang trang sạch đẹp

Sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân xây dựng những con đường khang trang sạch đẹp

Để đạt được kết quả đó, cán bộ vận động luôn sâu sát, kiên trì thuyết phục “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”, tranh thủ sự ủng hộ, hưởng ứng của những người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ vận động những hộ gia đình đồng thuận cao tuyên truyền vận động những hộ chưa đồng thuận, tạo sự đồng thuận trong khu dân cư, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện.

Tiêu biểu ông Lê Gia Khoa, thôn 6, xã Dân Quyền đã phá bỏ căn nhà 3 gian, nơi gia đình từng sinh sống để hiến phần đất của gia đình, mở đoạn đường mới lưu thông cho người dân đi lại được thuận tiện.

Chiếc máy xúc đang san, ủi phần đất của hộ ông Lê Gia Khoa, thôn 6, xã Dân Quyền tháo dỡ nhà của nơi gia đình từng sinh sống để hiến đất mở đoạn đường mới giúp nhân dân đi lại thuận lợi

Chiếc máy xúc đang san, ủi phần đất của hộ ông Lê Gia Khoa, thôn 6, xã Dân Quyền tháo dỡ nhà của nơi gia đình từng sinh sống để hiến đất mở đoạn đường mới giúp nhân dân đi lại thuận lợi (thời điểm tháng 3/2023)

Nở nụ cười tươi ông Khoa chia sẻ: Trước kia con đường này cụt, khó khăn đi lại cho bà con trong thôn, nhất là những người dân địa phương khác tới đây. Được sự vận động của chính quyền địa phương, hiến đất mở đoạn đường mới cho những người dân phía trong đi lại thuận lợi, kể cả gia đình tôi cũng thuận lợi đi lại, trong một đêm gia đình đồng thuận hiến 150m2 đất ở mở đoạn đường mới này.

Phần đất của hộ ông Khoa đã được hiến, tuy chưa được đổ bê tông hóa nhưng đã thuận lợi cho người dân khu vực đi lạ

Phần đất của hộ ông Khoa đã được hiến, tuy chưa được đổ bê tông hóa nhưng đã thuận lợi cho người dân khu vực đi lại.

“Tôi thấy cách làm này của nhà nước rất đúng, thay đổi diện mạo mới làng quê chúng tôi được thông thoáng đẹp. Mặt khác, việc giao thương buôn bán của người dân qua đây được dễ dàng, điều kiện nơi đây phát triển kinh tế thuận lợi hơn”, ông Khoa cho biết thêm.

Tương tự, ông Lê Văn Lực 55 tuổi, thôn Trị Bình, xã Triệu Thành cho biết: Nhận thấy huyện Triệu Sơn chúng tôi thực hiện chính sách này rất đúng, mở rộng con đường bà con đi lại dễ dàng, hàng hóa được vận chuyển qua đây ngày một nhiều hơn. Từ con đường đất có 2m, đi lại khó khăn, nhất là người già và trẻ nhỏ, nhưng nay đổi lại là con đường rộng  7,5m một phần đã được bê tông hóa thuận lợi cho nhân dân chúng tôi.

Diện tích đất của hộ ông Lê Văn Lực, thôn Trị Bình, xã Triệu Thành hiến đã mở rộng con đường từ 2 m lên 8,5m

Diện tích đất của hộ ông Lê Văn Lực, thôn Trị Bình, xã Triệu Thành hiến đã mở rộng con đường từ 2 m lên 7,5m

Tuy là mới thoát nghèo được 4-5 năm nay, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, ốm đau quanh năm, nhưng ông Lực vẫn quyết định hiến gần 1.000 m2 đất ở của cha ông để lại qua 2 lần xã thực hiện công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

“Ban đầu ông bị mấy anh em ruột phản đối việc hiến đất (do đất của tổ tiên để lại, có phần của các con cháu). Nhận thấy, đường thông, hè thoáng, giao thông thuận tiện, đặc biệt tuyến đường này còn là con đường chiến lược để phát triển vùng (vì được nối với tỉnh lộ 514, xã Hợp Thành, xã Hợp Tiến, sang bên kho quân đội 533), vì vậy mà tôi đã quyết định vận động anh em trong gia đình đồng ý”, ông Lực chia sẻ.

Theo ông Lực là một người đảng viên, phải gương mẫu đi đầu thì mới vận động được nhân dân, tuyên truyền cho bà con được biết lợi ích từ việc hiến đất làm đường sẽ như thế nào.

Khi chủ trương đến với người dân, được sự đồng thuận và nhận định rằng, con đường thôn thoáng sạch đẹp, không chỉ dành riêng cho cá nhân nào mà tất cả người dân đều cùng hưởng. Bên cạnh đó, khi những tuyến đường mở rộng tạo nhiều thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đồng thời giá trị đất ở của người dân tăng lên.

Đến nay, toàn huyện Triệu Sơn có 15.514 hộ tham gia hiến đất làm đường, 254 thôn/254 thôn triển khai, giá trị dân tự đóng góp giá trị công trình dân tháo dỡ gần 500 tỷ đồng; giá trị hiến đất (theo nhà nước đền bù đất) khoảng 1.300 tỷ đồng, tiền người dân đóng góp làm đường gần 1.000 tỷ đồng.

Diện mạo nông thôn thay áo mới

Về Triệu Sơn hôm nay chúng ta dễ dàng nhận thấy xưa kia những con đường trong làng nhỏ hẹp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thì nay đã được mở rộng, con đường nhỏ nhất cũng đã 4,5m; hai bên đường trồng những hàng hoa cây cảnh nhỏ xinh đẹp, nhờ đó mà đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, những ngôi nhà khang trang mọc lên. Để có những con đường ấy, thể hiện sự đồng lòng của người dân, hủy bỏ tài sản hiến những “tấc đất, tấc vàng”, của mình cho quê hương phát triển.

Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Lê Tiến Dũng, UVBTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Triệu Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 12- NQ/HU, ngày 22/7/2022, của huyện Ủy, trải qua 20 tháng thực hiện huyện đã triển khai được 462km tổng chiều dài; với 48,9 ha diện tích, đáp ứng được yêu cầu tuyến đường liên huyện 10,5m; tuyến đường xã 7,5m; tuyến đường liên thôn 6,5m; đường trong ngõ xóm 4,5m.

Sự đồng thuận, những đóng góp của Nhân dân đã tạo nên diện mạo mới của làng quê

Sự đồng thuận, những đóng góp của Nhân dân đã tạo nên diện mạo mới của làng quê

Theo ông Dũng Nghị quyết đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia, đây là Nghị quyết rất thành công, là định hướng có tầm nhìn để huyện Triệu Sơn phát triển đi lên, trở thành đô thị trong tương lai, đem lại lợi ích hài hòa giữ xã hội và người dân.

Trong quá trình triển khai vận động Nhân dân hiến đất, các địa phương đều thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Với tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đã huy động được sức mạnh và nguồn lực từ Nhân dân với khẩu hiệu “lấy sức dân để lo cho dân”, nhất là sự đóng góp của con em thành đạt xa quê điển hình như: ông Nguyễn Hữu Xuân hiện đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai, người con quê hương xã Xuân Thọ đóng góp trên 50 tỷ; ông Nguyễn Đình Hải sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh đóng góp gần 5 tỷ đồng cho xã Khuyến Nông xây dựng nông thôn mới.

Mô hình cảnh quan, môi trường “Sáng – xanh - sạch - đẹp-an toàn tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn được lựa chọn là điểm thăm quan học tập kinh nghiệm của 27 huyện thị, thành phố năm 2023.

Mô hình cảnh quan, môi trường “Sáng – xanh - sạch - đẹp-an toàn tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn được lựa chọn là điểm thăm quan học tập kinh nghiệm của 27 huyện thị, thành phố năm 2023.

Sau khi mở rộng đường hầu hết các địa phương đã huy động nguồn lực từ Nhân dân xây dựng mới cổng, tường rào, mương thoát nước, di dời cột điện, đổ bê tông, láng xi măng, nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, điện chiếu sáng mang lại cảnh quan, môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn, diện mạo, bộ mặt nông thôn thay đổi cơ bản, Nhân dân phấn khởi.

Thời gian tới, Triệu Sơn tiếp tục phát huy thành quả đạt được, thực hiện tốt nhiệm vụ theo Nghị quyết 12, nhằm phát triển toàn diện tạo cuộc sống người dân được nâng cao hơn, hướng tới mục tiêu 2024 hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; năm 2025 hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV; đề xuất, đấu mối và triển khai lập quy hoạch đô thị, chương trình phát triển Đô thị để huyện trở thành thị xã trước năm 2030 theo đúng kế hoạch.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top