Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 3 năm 2023 | 16:3

Hỗ trợ nhà vườn nâng cao khả năng canh tranh của “nữ hoàng”

Sầu riêng được đặt nhiều mỹ danh như: “nữ hoàng” trái cây nhiệt đới, “vua” của các loại trái cây nhiệt đới... Thị trường lớn nhất của sầu riêng thế giới - Trung Quốc đã mở lại, Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Cơ hội bứt phá của ngành hàng này rất lớn nhưng cũng cần phải thay đổi để đạt hiệu quả cao hơn.

Trên cơ sở đó, Hội Làm vườn Việt Nam đang phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp để hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu  sầu riêng xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, sản xuất, đóng gói, logictics và xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro và tiếp cận thị trường tốt hơn.

Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức khóa tập huấn tại Trường Cán bộ quản lý  Nông nghiệp và PTNT II (TP.Hồ Chí Minh).

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh văn phòng phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam tại khóa Bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ thuật trồng, quy trình xử lý ra hoa, rải vụ và hướng dẫn đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói, tăng cường cơ hội xuất khẩu trái sầu riêng, do Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức mới đây.

Đây là hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng nắm rõ thông tin, tiếp cận thị trường tốt hơn.

Sầu riêng tăng trưởng “nóng”

Theo ông Nguyễn Văn Mười, sầu riêng là trái cây có mức tăng trưởng nóng trên thị trường. Nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của mặt hàng này gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua sau khi thị trường lớn nhất đối với sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc “mở cửa”, đặc biệt sau khi chúng ta ký kết xuất khẩu chính ngạch trái cây này sang trị trường hơn 1,4 tỷ dân (tháng 7/2022). Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là, diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng hiện có.

Theo đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, nhưng thực tế, đến đầu năm 2023 có thể đã đạt 110.000ha, vượt hơn 35.000ha.

Mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 4 tỷ USD sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan, còn lại nhập từ Malaysia và Myanmar dưới dạng cấp đông.

Sầu riêng Việt Nam dù chỉ mới xuất khẩu chính thức từ tháng 9/2022 nhưng Trung Quốc đã nhập khẩu đạt giá trị khoảng 300 triệu USD. Do đó, năm 2023 khả năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường hơn 1,4  tỷ dân này có cơ hội đạt trên 1 tỷ USD.

“Sản lượng sầu riêng thu hoạch được trong năm 2022 là 850 ngàn tấn. Nếu đầu tư thâm canh có khả năng đạt được 1 triệu tấn trong mùa vụ năm 2023” - ông Nguyễn Văn Đoan, quyền Trưởng phòng phía Nam (Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT), chia sẻ - “Sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Điều quan trọng là chúng ta cần có lộ trình phù hợp, tổ chức sản xuất bài bản, quy mô lớn, liên kết được các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, giảm chi phí, kể cả chi phí logictics, để nâng cao giá trị của loại cây này”.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có Chỉ thị 8084 phát triển bền vững cây sầu riêng và chanh leo ở Việt Nam. Điều này cho thấy sầu riêng đang dần trở thành một trong những loại trái cây chủ lực phục vụ xuất khẩu. Chỉ thị 8084 cũng đề cập những vấn đề tồn tại, rủi ro và thách thức như: nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng diện tích trồng mới ở những vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để trồng cây sầu riêng mà không tuân theo quy hoạch nào, việc kiểm soát cây giống chưa được chặt chẽ, tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở ĐBSCL… ảnh hưởng lớn đến hiệu quả canh tác.

Sầu riêng từ loại cây chỉ được coi là đặc sản trở thành trái cây xuất khẩu giá trị kinh tế cao.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, logictics

GS.TS Trần Văn Hâu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, biến đổi khí hậu tác động lớn đến sản lượng và chất lượng ngành sầu riêng Việt Nam, vì loài cây này chủ yếu được trồng ở khu vực ĐBSCL (phần lớn là Tiền Giang) và trồng rải rác ở một số tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên. Hơn nữa, hầu hết quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu xuất thô, tươi, chưa qua chế biến. Khâu chế biến sâu yếu, khả năng bảo quản thấp, gây bất lợi, dễ dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”. Các sản phẩm sấy khô, sấy lạnh còn ít, tỷ lệ trái cây sau thu hoạch hao hụt nhiều, gây gia tăng chi phí sản xuất, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

“Tình hình sản suất sầu riêng nóng không chỉ riêng ở Việt Nam mà khắp cả vùng Đông Nam Á. Các nước sản xuất sầu riêng xuất khẩu lớn nhất thế giới tính về sản lượng và giá trị hiện nay là Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Việt Nam chỉ mới tham gia thị trường xuất khẩu sầu riêng thời gian gần đây. Đối tượng cạnh tranh chủ yếu của ngành sầu riêng Việt Nam là Thái Lan, nhưng những nước sản xuất sầu riêng mới nổi như Campuchia cũng đang “trỗi dậy”, có khả năng cạnh tranh với sầu riêng Việt ở các lĩnh vực nhân lực và thị trường”, GS.TS Trần Văn Hâu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, hiện nay sầu riêng có giá cao kỷ lục bởi đang là thời điểm nghịch vụ, hàng khan hiếm trong khi mới mở cửa chính ngạch thị trường rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân (Trung Quốc). Tuy nhiên, khi vào chính vụ thì hàng Việt dễ bị “dội chợ” do chúng ta chưa áp dụng rộng rãi “rải vụ” cho trái cây để tránh thu hoạch đồng loạt. Chính vì vậy, Hội Làm vườn Việt Nam đang phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp để hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, sản xuất, đóng gói, logictics và xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro và tiếp cận thị trường tốt hơn. 

Kỳ vọng sầu riêng thành trái cây xuất khẩu tỷ USD

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, trái sầu riêng năm nay sẽ vượt qua trái thanh long để trở thành loại trái cây xuất khẩu chủ lực đứng đầu trong ngành hàng rau quả và có thể mang về kim ngạch ít nhất 1 tỷ USD, mà thị trường chính yếu nhất là Trung Quốc.

Người tiêu dùng Trung Quốc thích ăn trái sầu riêng chín mềm. Đây lại là thế mạnh với trái sầu riêng ở Việt Nam, từ lúc ra bông cho đến có trái chín là 120 ngày, để xuất khẩu sang Trung Quốc thì chỉ cần đến 110 ngày là có thể thu hái và vận chuyển nhanh đến tay người mua khi trái vừa chín tới. 

So sánh về mặt logistics cho xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giữa hai đối thủ là Việt Nam và Thái Lan thì Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn. Vì vậy, Thái Lan đã xem sầu riêng Việt Nam là đối thủ nặng ký nhất tại thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên toàn cầu là Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Tính tới nay, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư của phía Trung Quốc. 

Cục Bảo vệ thực vật lưu ý doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân việc đảm bảo tinh thần hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên trong quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Từ đó, ổn định vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sầu riêng, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Hơn nữa, sầu riêng còn là loại trái mà người Trung Quốc ưa chuộng nhưng đến nay nước này vẫn chưa trồng được như một số loại cây ăn trái khác là chuối, thanh long, xoài… Vì vậy, triển vọng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam với kim ngạch tỷ đô/năm vào thị trường lớn như Trung Quốc trong các năm tới là hoàn toàn khả thi, quan trọng là cần tận dụng các lợi thế cạnh tranh.

Dẫu vậy, các chuyên gia nông nghiệp lưu ý, doanh nghiệp Việt không nên phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc mà cần đa dạng hóa thị trường. Các doanh nghiệp nên tận dụng tốt cơ hội gặp gỡ nhà mua hàng quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu.

TUẤN ANH - KIM HOA
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top