Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2023 | 11:42

Hội Làm vườn TP. Hải Phòng: Khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng vườn mẫu

Từ sau Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ thành phố và Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Hội Làm vườn TP. Hải Phòng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, chủ động cụ thể hoá thực hiện các nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, chương trình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội Làm vườn trong chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng “chất” sản phẩm nông nghiệp

Khoa học kỹ thuật (KHKT) ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội VII, Hội Làm vườn TP. Hải Phòng đã kết hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từ đó KHKT được áp dụng, nông dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nửa nhiệm kỳ Đại hội đi qua, Hội Làm vườn TP. Hải Phòng cùng hội viên đạt kết quả nhiều mặt trong xây dựng tổ chức Hội và phát triển kinh tế VAC.

Hội Làm vườn thành phố đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Nông dân mở các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình VAC trình diễn; tập huấn kỹ thuật nuôi cá, cây ăn quả; xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; tư vấn xây dựng mô hình vườn theo hướng homestay gắn với du lịch cộng đồng …

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Hội Làm vườn thành phố và các quận, huyện kết hợp cùng các đơn vị tổ chức 42 lớp tập huấn về xây dựng vườn mẫu theo hướng hữu cơ, tuần hoàn gắn với du lịch cộng đồng, chuyển giao KHKT trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.000 lượt hội viên. Tổ chức 38 buổi hội thảo KHKT cho 2.423 lượt hội viên (trong đó, các đơn vị làm tốt như  Kiến Thụy, An Lão,  Tiên Lãng…). Đồng thời, tổ chức cho hội viên tiêu biểu tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm làm vườn kiểu mẫu của nông dân tỉnh Nghệ An.

Hội Làm vườn TP. Hải Phòng mở các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình VAC.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn sàn thương mại điện tử, Hội Làm vườn TP. Hải Phòng phối hợp với Công ty cổ phần Hoa Sen Đỏ Việt Nam tổ chức tập huấn hướng dẫn các chủ thể OCOP tiếp cận sàn thương mại điện tử “Chợ trực tuyến của người Việt Sale168.vn”. Qua đó lựa chọn10 chủ thể, đưa trên 100 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Sale168.vn. Đã có trên 5.000 lượt truy cập vào các gian hàng OCOP.

Là chủ thể được Hội Làm vườn TP. Hải Phòng hướng dẫn tham gia lớp tập huấn tiếp cận sàn thương mại điện tử Sale168.vn, chị Hà Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ mắm Hương Biển, cho biết, năm 2021, UBND TP. Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận 6 sản phẩm nước mắm của công ty đạt 3 và 4 sao. Để bắt kịp xu thế phát triển của người tiêu dùng trong mua bán hàng online, các sản phẩm nước mắm của công ty cũng được bán qua các sàn như: Sale168.vn; Shopee, Lazada…Việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử đang được nhiều đơn vị lựa chọn, thương hiệu của sản phẩm đến được các thị trường xa hơn. Công ty sẽ tiếp tục đăng ký bán hàng trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đưa sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng mọi vùng, mọi miền.

Là đơn vị kết nối giữa người nông dân, doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP để đưa lên sàn thương mại điện tử Sale168.vn, bà Ngô Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội Làm vườn TP. Hải Phòng, chia sẻ, các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử Sale168.vn là hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên nhiệt tình hướng dẫn đăng ký, xây dựng gian hàng, quảng bá hình ảnh…. Đây là cơ hội để nông sản của những người làm nông nghiệp tiếp cận gần hơn với sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Xác định việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và được xem là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Hội Làm vườn TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục hỗ trợ người sản xuất đến gần hơn với thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp - nông thôn.

Xây dựng 20 mô hình vườn mẫu

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 25/06/2021 của UBND TP. Hải Phòng về Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp TP. Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ VII của Hội Làm vườn TP. Hải Phòng (giai đoạn 2020-2025), năm 2021, Hội Làm vườn TP. Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về thực hiện xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn giai đoạn 2022-2025.

Để cụ thể hoá kế hoạch trên, Hội  đã vận động hội viên tập trung cải tạo vườn tạp, thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng vườn có quy hoạch, thiết kế hợp lý giữa không gian sản xuất VAC và không gian sống của gia đình, tạo ra cảnh quan “nhà sạch, vườn đẹp, môi trường sống trong lành, văn hóa, văn minh”; mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân, nâng cao đời sống trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Vườn mẫu được Hội Làm vườn TP. Hải Phòng triển khai theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, đảm bảo các yêu cầu quy hoạch, thiết kế khoa học, hợp lý, nhằm khai thác, bảo vệ hiệu quả tài nguyên đất, nước, thực vật, phát kinh tế vườn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và xử lý môi trường. Sản phẩm của vườn mẫu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố, địa phương, chiếm tối thiểu 70% tổng giá trị sản phẩm từ vườn.

Thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đối với cây trồng, vật nuôi trong vườn mẫu cao hơn tối thiểu 1,3-1,5 lần so với thu nhập của các vườn đại trà. Tỷ lệ hàng rào xanh đạt 70% tường rào; tỷ lệ cây xanh, cây cảnh, cây ăn quả trong diện tích đất ở của hộ gia đình chiếm 20%; chuồng trại chăn nuôi, ao hồ nuôi trồng thủy sản phải theo hướng an toàn sinh học, VietGAP; đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh môi trường…

Từ khi triển khai kế hoạch đến nay, các Chi hội Làm vườn đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng triển khai 20 mô hình vườn mẫu và nhiều mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển vườn theo hướng đa chức năng.

Là một trong số những hộ dân tham gia xây dựng mô hình chuẩn vườn mẫu ngay khi chủ trương này được triển khai, chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, ông Phạm Văn Huê (xã Hồng Thái, huyện An Dương) cho biết: “Tôi làm vườn, cây cảnh từ năm 2007. Trên diện tích 1ha, tôi trồng khoảng 1.000 cây cảnh các loại như: hoa lan, nguyệt quế, mít, cây xanh, ao cá…. Mỗi năm mô hình mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Nay được sự hướng dẫn của Hội Làm vườn TP. Hải Phòng cùng các đơn vị về việc xây dựng vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với phát triển du lịch vùng nông thôn,  tôi nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn khi Hội Làm vườn thành phố triển khai. Tham gia mô hình vườn mẫu mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, ngoài việc cảnh quan, vườn tược gọn gàng, sạch đẹp hơn thì thu nhập từ vườn cũng được nâng cao. Đây được xem như là chìa khoá để nâng “chất” cho những người làm kinh tế từ vườn như tôi.

Khi được vận động xây dựng vườn mẫu,  tôi rất sẵn lòng. Tuy nhiên, tôi luôn mong muốn khi tham gia mô hình vườn mẫu, người dân chúng tôi sẽ được tư vấn nên chọn trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Với diện tích vườn chừng đó, đầu tư cải tạo, tiền mua giống, tiền phân bón, nước tưới… thì cần tính toán mỗi mùa vụ, mỗi lứa sẽ cho lãi bao nhiêu... Từ đó mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Đồng thời cơ quan chức năng có cơ chế rõ ràng về việc sử dụng và quản lý đất đai để người dân thuận lợi trong việc đầu tư cải tạo phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch.

Tương tự, gia đình ông Trần Khắc Hà (thôn Kim Lĩnh, xã Chiến Thắng, huyện An Lão) cho biết, được Chủ tịch Hội Làm vườn xã Chiến Thắng triển khai Kế hoạch xây dựng vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đến tận gia đình, tôi đồng ý và hưởng ứng ngay. Việc này sẽ tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, để nông thôn trở thành miền quê đáng sống. Vườn cây ăn trái của gia đình rộng khoảng 5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Từ khi được cán bộ Hội hướng dẫn, tôi đã quy hoạch lại hệ thống vườn, trồng chủ yếu là hồng xiêm và rau màu các loại theo mùa, làm hệ thống rãnh thoát nước. Hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là sử dụng phân hữu cơ cho vườn. Trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm từ vườn cây, ao cá.

Từ các vườn kể trên, hiện các cấp Hội Làm vườn TP Hải Phòng đang tập trung cao cho phong trào cải tạo vườn tạp, tạo đòn bẩy để triển khai xây dựng vườn mẫu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó nâng cao thu nhập cho những nông dân làm kinh tế từ vườn.

Ông Trần Khắc Hà (thôn Kim Lĩnh, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, TP. Hải Phòng) xây dựng hệ thống rãnh thoát nước, trồng cây ăn quả hướng đến xây dựng vườn mẫu trên xã NTM kiểu mẫu.

Khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Hội Làm vườn TP. Hải Phòng lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và cũng là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế do lực lượng cán bộ Hội mỏng; việc áp dụng chuyển giao KHKT còn hạn chế…

Triển khai Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP. Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2023, ngành nông nghiệp  Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa gắn kết tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản toàn thành phố Hải Phòng đạt 15.864,4 tỷ đồng, tăng 1,02% so với năm 2022. Trong đó, nông nghiệp đạt 10.199,8 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 28,13 tỷ đồng, thuỷ sản đạt 5.636,5 tỷ đồng.

Khắc phục những khó khăn kể trên, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ Đại hội lần thứ VII đề ra, bà Ngô Thị Minh Hà cho biết, trong thời gian nửa cuối nhiệm kỳ, Hội Làm vườn thành phố tiếp tục tăng cường kiện toàn công tác tổ chức Hội. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên và nông dân nhân rộng mô hình vườn mẫu (vườn nông nghiệp hữu cơ; vườn nông nghiệp tuần hoàn; vườn đa chức năng; vườn trải nghiệm du lịch...); đa dạng các mô hình phát triển kinh tế VAC; chú trọng phát triển kinh tế vườn gắn với xây dựng sản phẩm OCOP; phát triển vườn theo hướng sản xuất VietGAP, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn theo hướng hàng hóa, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổng kết mô hình để rút kinh nghiệm nhân rộng, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, Hội Làm Vườn thành phố tăng cường phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan thuộc sở, ngành chức năng thành phố tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình VAC”. Mở các lớp tập huấn KHKT, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cải tạo vườn tạp, khuyến khích các doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác, CLB tham gia cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nghề làm vườn. Kết hợp tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cả trong và ngoài thành phố.

Hiện nay, Hải Phòng có số lượng lớn trang trại nông nghiệp, mô hình sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ chế biến…, kết hợp du lịch tạo nên hiệu quả khá và có triển vọng rõ ràng. Hội Làm vườn TP. Hải Phòng đang kết hợp cùng với Sở Du lịch và Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng bàn phương hướng lên kế hoạch và giải pháp khi thực hiện xây dựng mô hình vườn trải nghiệm du lịch đồng quê theo tour.

Việc này nhằm phát triển du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Nửa nhiệm kỳ đi qua với nhiều kết quả mà các cấp Hội Làm vườn trong toàn TP. Hải Phòng đạt được là tiền đề để những năm tiếp theo Hội hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể mà Đại hội Hội Làm vườn thành phố lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đề ra. Khẳng định vị trí, vai trò của Hội trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp tại Hải Phòng.

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top