Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 10 năm 2023 | 10:2

Kinh tế vườn, trang trại khẳng định vị thế trong nông nghiệp Núi Thành

Với diện tích vườn đồi khá lớn, huyện Núi Thành (Quảng Nam) là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế vườn (KTV), kinh tế trang trại (KTTT), mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Nỗ lực của các cấp

Năm 2022, xã Tam Mỹ Tây có 2 hộ được phê duyệt hỗ trợ kinh phí phát triển KTV, KTTTgiai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Bá Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, cho biết: Do năm đầu triển khai nghị quyết nên còn nhiều lúng túng, người dân chưa được phổ biến rộng rãi, hồ sơ, thủ tục còn nhiều vướng mắc nên hầu hết số hộ trên địa bàn chưa tiếp cận được chính sách này.

Cây giống của các loại cây mới trong chuyển đổi cây trồng được người nông dân Núi Thành nhập từ các địa phương lân cận.

Năm 2023, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các chủ vườn, chủ trang trại đăng ký, lập hồ sơ, thủ tục để tiếp cận chính sách. Đến nay, 10 hộ của xã Tam Mỹ Tây đã đăng ký tham gia phát triển KTTT, KTV theo Nghị quyết 35 và đang trong thời gian thẩm định.

Ông Phong cho biết, Tam Mỹ Tây có diện tích vùng đồi tương đối lớn, có nhiều suối nước tự chảy phù hợp cho phát triển KTV, KTTT. Những năm gần đây, các mô hình phát triển KTV, KTTT dưới dạng nông nghiệp hữu cơ, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đang được đầu tư mạnh.

“Cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 35 giúp nông dân có thêm nguồn lực để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết 35, nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn xã. Đặc biệt, khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn đồi, thay thế dần cây keo trên những khu vực thuận lợi cho phát triển KTV, KTTT” - ông Phong nói.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Núi Thành, để triển khai Nghị quyết 35 về phát triển KTV, KTTT, huyện đã ban hành đề án và kế hoạch triển khai, thành lập Hội đồng thẩm định và Hội đồng nghiệm thu các nội dung hỗ trợ theo Đề án phát triển KTV, KTTT trên địa bàn, giai đoạn 2022 - 2025. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách đến người dân.

Triển khai Nghị quyết 35, đối với các vườn, được tập trung hỗ trợ xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới, hỗ trợ chỉnh trang, cải tạo vườn, giống cây trồng, vật tư sản xuất. Đối với trang trại, được hỗ trợ thiết kế, cải tạo mặt bằng, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Năm 2023, với kinh phí phân bổ gần 4 tỷ đồng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các phòng ban chuyên môn, các địa phương tập trung triển khai  với cam kết sẽ giải ngân hết nguồn vốn. Đến nay, đã có 95 vườn, 13 trang trại của các địa phương đăng ký tham gia. Dự kiến trong tháng 10 này, Hội đồng thẩm định và nghiệm thu của huyện sẽ thẩm định phương án của các vườn, trang trại và tiến hành giải ngân theo quy định.

Để triển khai có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, đồng thời khắc phục tình trạng bà con nông dân mua phải cây giống không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng đang bán trôi nổi trên thị trường hiện nay, các cơ sở Hội huyện Núi Thành  đã tổ chức những hoạt động nhằm cung ứng giống cây trồng và con vật nuôi chất lượng cho hội viên và nông dân.

Hái “trái ngọt”

Trên khoảng 3ha đất vườn, ông Mai Hiếu (xã Tam Mỹ Tây) đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Ông trồng các loại cây ăn quả như chuối, thanh long, bưởi da xanh, mít thái, bơ, sầu riêng... và nuôi gà thảo mộc, nhím.

Người nông dân chăm sóc cây măng cụt, một trong những sản phẩm nông nghiệp mới được địa phương quan tâm đầu tư chuyển đổi.

Năm 2022, được xã Tam Mỹ Tây hướng dẫn, ông đăng ký tham gia phát triển KTTT theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Sau khi được huyện thẩm định, phê duyệt phương án, cuối năm 2022, trang trại của ông Hiếu được hỗ trợ hệ thống nước tưới và các hạng mục khác có giá trị khoảng 170 triệu đồng.

Ông Hiếu cho biết, đây là sự quan tâm rất lớn từ Nhà nước, kịp thời hỗ trợ cho người dân địa phương phát triển kinh tế. Trước đây, ông bắt ống tưới vườn thủ công, mất nhiều thời gian, tiền của lẫn công sức. Từ mùa khô năm 2023, với hệ thống tưới tiêu tự động, ông đã chủ động được nguồn nước cho cây trồng, nhờ đó cây cối sinh trưởng, phát triển tốt.

Không chỉ riêng hộ ông Hiếu, năm 2022, toàn huyện Núi Thành có 34 chủ vườn, trang trại trên địa bàn 7 xã tham gia, với kinh phí được phân bổ hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được hơn 1,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp huyện đã kịp thời phổ biến cơ chế, chính sách, chủ trương khuyến khích phát triển KTV, KTTT, tập huấn kỹ thuật làm vườn, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm… đưa chính sách vào cuộc sống.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Núi Thành, giá trị hàng hóa KTV hiện chiếm 30% trong cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp địa phương, thu nhập từ KTV chiếm 30% tổng thu nhập kinh tế hộ.

Các mô hình làm vườn ở huyện Núi Thành chuyên trồng cây nông nghiệp hoặc trồng cây nông nghiệp - trồng rừng; trồng cây nông nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, mô hình vườn - ao - chuồng; vườn - ao - chuồng - rừng. Các mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, rau - củ - quả ở các xã Tam Mỹ Tây, Tam Mỹ Đông, Tam Hiệp, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó có mô hình ứng dụng phương pháp thủy canh trồng rau tại HTX Dream Garden (xã Tam Nghĩa), mô hình trồng nấm ở xã Tam Quang, Tam Xuân 2, Tam Mỹ Tây; hay mô hình trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp nuôi gà thả vườn, mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn kết hợp trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp...

Trên địa bàn Núi Thành còn có 14 trang trại hoạt động hiệu quả, như trang trại tổng hợp của ông Phạm Xuân Quang tại xã Tam Thạnh; trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông Ngô Đình An, ông Huỳnh Văn Bình tại xã Tam Trà, bà Đinh Thị Đào ở xã Tam Giang; trang trại trồng trọt của ông Phan Văn Thiết tại xã Tam Mỹ Tây; trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Trần Công Thành ở xã Tam Hòa...

Theo Đề án phát triển KTV, KTTT trên địa bàn huyện Núi Thành giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu đến năm 2025, huyện xây dựng mới 150 vườn đảm bảo hệ thống nước tưới, trồng các loại cây có chất lượng và có giá trị kinh tế cao; xây dựng mới 5 trang trại đảm bảo tiêu chuẩn; 100% vườn nhà có diện tích từ 1.000m2 trở lên được cải tạo; 100 vườn thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.

Đồng thời hình thành vùng sản xuất chuyên canh các loại cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30 mô hình chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả, vùng sản xuất gỗ keo thành vùng chuyên canh các loại cây ăn quả...

Thời gian tới, Núi Thành sẽ tích cực thực hiện tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh KTTT, KTV, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top