Đẩy mạnh sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết phát triển theo chuỗi nông sản toàn cầu thân thiện với môi trường, sản phẩm cà phê của tỉnh Lâm Đồng đã ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị do ngành nông nghiệp địa phương phát động, ông K’Long Ha Prăng, người dân tộc K’ho, ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm trước sự biến động của thị trường. Ông cho biết, chỉ cần canh tác theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo các quy trình sản xuất do HTX trên địa bàn đưa ra cà phê sẽ bán được giá cao, thu nhập tăng hơn rất nhiều trên cùng diện tích canh tác so với trước.
“Nhờ được các cán bộ hướng dẫn tập huấn kỹ thuật bà con mới có sự đổi mới trong quá trình thu hái cà phê. Cụ thể là bà con chỉ được hái quả chín, hái những quả đảm bảo đạt lượng đường theo quy định. Trước đây cà phê mình làm không có giá, nay giá đang tăng từng ngày, vì vậy cần phải chấp hành đúng theo quy định của HTX đưa ra để đảm bảo duy trì chất lượng. Trước đây, không có ai chỉ vẽ làm cà phê phải thế này, thế kia nhưng giờ được chỉ dẫn cụ thể bà con ai cũng thích”, ông K’Long Ha Prăng chia sẻ.
Người dân tộc K’ho ở xã Lát, huyện Lạc Dương sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ.
Xác định cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, thương hiệu cà phê Arabica Lạc Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, ngoài vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị, chính quyền địa phương nơi đây còn thúc đẩy sản xuất cà phê theo chuỗi nông sản toàn cầu.
Ông Y Cường - một hộ sản xuất cà phê lâu năm ở xã Lát, huyện lạc Dương cho biết, từ khi được tham dự các lớp tập huấn mới hiểu được canh tác như thế nào hạt cà phê mới bán được giá cao.
“Sản xuất cà phê bền vững lúc đầu mới nghe ai cũng rất mơ hồ. Sau khi được chính quyền giới thiệu rõ, bà con cũng dần nắm bắt vững và ý thức được việc mất rừng sẽ dẫn đến suy thoái cà phê, ảnh hưởng đến giá thành cà phê. Trong những năm vừa qua bà con được tập huấn, nghe thông tin bên châu Âu sẽ không mua cà phê ở chỗ nào để mất rừng, vì vậy bà con e ngại và rất có ý thức và thay đổi. Hiện bà con tập trung cải thiện năng suất cũng như sản lượng và chất lượng cà phê”, ông Y Cường tâm sự.
Lâm Đồng có hơn 170.000 ha cà phê, diện tích đứng thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Đắk Lắk), với sản lượng bình quân đạt 600.000 tấn/năm. Cùng với Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đang phát triển nhiều vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng và TP Đà Lạt. Giá trị ngành hàng cà phê đang chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, những quy định nghiêm ngặt nhất theo tiêu chuẩn EU trong sản xuất nông nghiệp là không gây mất rừng, phải truy xuất được nguồn gốc, thân thiện môi trường và có trách nhiệm với xã hội. Đây là định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững nói chung, sản xuất cà phê nói riêng mà tỉnh Lâm Đồng đang hướng tới.
“Nguồn nước dành cho canh tác cà phê luôn được đảm bảo ổn định, quá trình chăm sóc cây cà phê tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học để canh tác bền vững và sản xuất có trách nhiệm với thiên nhiên. Chỉ cần làm 4 điều này là ngành cà phê đã thực hiện rất tốt vấn đề sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng. Tỉnh Lâm Đồng đã sẵn sàng đủ điều kiện thực hiện tốt và người nông dân đã ý thức tốt về sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng. Để thực hiện vấn đề này, tỉnh Lâm Đồng luôn gắn việc chuỗi giá trị toàn cầu, chứng minh canh tác, sản xuất cà phê không gây mất rừng, từ đó nâng cao tính cạnh tranh về chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phạm S khẳng định.
Năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã xuất khẩu được 80.600 tấn cà phê nhân, đạt giá trị hơn 180 triệu USD, tăng 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Để tiếp tục nâng cao giá trị cho loại cây trồng này, cùng với tiếp tục mở rộng diện tích cà phê được cấp chứng chỉ bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi nông sản toàn cầu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.