Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 10 năm 2023 | 11:13

Làm giàu từ trồng rau gia vị

Trồng rau gia vị, nghe có vẻ “lắt nhắt” quá so với làm nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện, nhiều người dân đã biết tận dụng những diện tích đất nông nghiệp nhỏ, hẹp để trồng rau gia vị và hiệu quả mang lại không hề thấp.

Trồng rau thơm làm giàu

Gia đình ông Nguyễn Công Định, tổ 22 phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai nhiều năm phát triển kinh tế từ nghề trồng rau thơm. Hơn 6  năm trở  lại đây khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ông Định đã thuê đất ở thôn Giang Đông, xã Vạn Hoà để tiếp tục phát triển trồng rau và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu hoạch rau

Cánh đồng gần 2 ha rau thơm trải dài màu xanh với hương thơm dễ chịu. Từ  kinh nghiệm 24 năm làm nghề, hàng tháng ông cung ứng 9  tấn rau thơm các loại cho thị trường. Với các loại rau gia vị như: rau dăm, tía tô, hành, ngải cứu, rau húng… Rau thơm là loại dễ trồng và ít sâu bệnh, rau trồng quanh năm. “Từ khâu xuống giống, chọn phân chuồng cũng như thuốc bảo vệ thực vật,  đều được xem xét kỹ nguồn gốc, kỹ thuật. Trồng rau thơm quan trọng nhất là làm đất. Xử lý đất bằng cày ải, phơi đất, rắc vôi sau đó bón lót phân môi trường. Trong đó, làm đất thực hiện tốt từ khâu vệ sinh, xử lý mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng, xử lý sâu bệnh và chăm bón rau bằng thuốc vi sinh; nước tưới cũng phải là nước sạch, bảo đảm thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng”. Ông Nguyễn Công Định chia sẻ.

Có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau nên ông Định hiểu đặc thù từng mùa, tùy thời tiết mà chọn giống rau phù hợp. Sau mỗi đợt cắt, ông tiếp tục tưới nước, bón phân hữu cơ vi sinh, 20 ngày sau thu hoạch đợt tiếp theo và cắt bán liên tục không tốn nhiều thời gian xuống giống mới. 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường ông Định còn liên kết với các hộ trồng rau khu vực Bến Đền, Bắc Ngầm, Bản Lầu, Bản Phiệt tiêu thụ rau thơm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Giang, Lai Châu. Trồng rau thơm có vốn đầu tư thấp, ít nhân công nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình lãi khoảng 9 triệu đồng/sào, với gần 2ha, trừ chi phí đầu tư, bình quân một năm gia đình ông thu hơn 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Công Định cho biết thêm: “Làm cây rau cần cù, chịu khó, thức khuya dậy sớm, đi sớm về trưa. Nhà nông thường là thế. Thu nhập so với làm lúa, ngô có thu nhập cao hơn. Cây rau thơm chi phí công cày bừa rất đơn giản,  đến cuối vụ cây tàn mới chyển sang cây trồng khác. Giảm bớt chi phí công cày bừa làm đất, thu nhập quanh năm”.

Mô hình trồng rau thơm của gia đình ông Nguyễn Công Định ngoài việc mang lại thu nhập cao cho gia đình còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động địa phương, với thu nhập 5- 6 triệu đồng. Bằng sự nhạy bén thông tin thị trường, với phương thức sản xuất theo hướng an toàn, ông Nguyễn Công Định sẽ duy trì diện tích trồng rau thơm, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng, phát triển địa phương.

''Biến'' rau gia vị quen thuộc thành ''vàng'' xuất khẩu

Chị Trần Anh Xuân (SN 1990, ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã biến cây tía tô từ một loại gia vị quen thuộc hàng ngày thành các sản phẩm tinh dầu, trà... được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Đến xã Tả Phìn một vùng quê nổi tiếng về du lịch cộng đồng ở thị xã Sa Pa, hỏi đến chị "Xuân tía tô" mọi người trong xã ai cũng biết, bởi chị đã gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây được gần 10 năm nay.

Chúng tôi gặp chị Trần Anh Xuân trên nương tía tô đỏ, xanh bạt ngàn, đang cùng chị em phụ nữ dân tộc Dao thu hoạch lá, thân tía tô đỏ. Dừng tay, chị Xuân kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình, năm 2014, tôi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam và được nhà trường cử lên vùng đất Sa Pa để nghiên cứu cây trồng. Sau khi làm công tác nghiên cứu một thời gian thì tôi tách ra để làm riêng về mảng nông nghiệp, cũng từ đây tôi bắt đầu lập nghiệp trên vùng đất này.

Theo Sở NNPTNT Lào Cai, tính đến hết năm 2022, tổng diện tích cây dược liệu toàn tỉnh gần 3.550ha, sản lượng đạt hơn 18.100 tấn, giá trị bình quân cả năm 390 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cây dược liệu hàng năm 573ha, cây dược liệu lâu năm gần 3.000ha. Các cây dược liệu chủ yếu là tía tô, cát cánh, atiso, cát cánh, nghệ, sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hà thủ ô….

Theo chị Xuân, trước khi lên ý tưởng phát triển cây dược liệu tía tô, chị Xuân phát triển các tour du lịch bản địa nhưng do dịch Covid-19 bùng phát nên khách du lịch rất ít dẫn tới thu nhập thấp, chị phải quay lại công việc nhà nông, với bao suy nghĩ như "Đi trồng cây gì, nuôi con gì?". Đợt dịch Covid-19 cũng là thời điểm nhu cầu của người tiêu dùng tìm đến sản phẩm tía tô cao nên chị Xuân nghiên cứu phát triển trồng cây tía tô chiết xuất ra các loại sản phẩm từ lá, thân tía tô. Bởi theo nhiều người dân, vị tía tô có mùi hắc, khi pha thành nước uống sẽ giảm được các nồng độ, virus Covid -19 đi, giảm các triệu chứng khác...

Để có giống tía tô đỏ trồng và nhân rộng, trước năm 2020, chị Xuân đã nghiên cứu vài năm về cây tía tô bản địa của bà con Sa Pa, sau đó mới lấy hạt gieo trong bầu lên cây giống, với diện tích hơn 1.000m2. Rồi chị mang cây giống ra nương trồng và hỗ trợ cho bà con trong xã trồng để làm nguyên liệu.

Đến nay, chị Xuân có 30ha tía tô đỏ làm nguyên liệu ép tinh dầu, trong đó khoảng 10ha do người dân trồng và chị Xuân thu mua với giá 15.000 đồng/kg lá ngọn tía tô. Sản lượng thu hái mỗi năm ước đạt trên 200 tấn nguyên liệu (lá, thân cây tía tô).

Chị Trần Anh Xuân thu hoạch tía tô đỏ để chở về chiết xuất tinh dầu.

Khi đã có vùng nguyên liệu tại chỗ ổn định, năm 2022, chị Xuân đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị chiết xuất tinh dầu. "Tía tô có rất nhiều loại giống nhưng mỗi loại lại sử dụng vào mục đích khác nhau, nếu như chọn loại để làm trà uống thì phải chọn loại lá 2 mặt đều màu tím đỏ bản địa Sa Pa, còn cây chỉ để lấy tinh dầu thì mặt lá phía trên xanh, dưới lá màu tím đỏ mùi dịu, không hắc..." - chị Xuân cho hay.

Chị Xuân cũng đang nghiên cứu thêm loại tía tô trắng (giống bản địa Sa Pa) để ép dầu từ hạt, hiện một số khách hàng đang đặt thu mua lá nhưng chị Xuân dự kiến sẽ đập lấy hạt để ép tinh dầu, vì lượng dầu giàu omega 3 tốt cho trí não, tim mạch.

Từ cây tía tô bản địa Sa Pa, chị Xuân đã tạo ra 20 dòng sản phẩm như trà cao bột, tinh dầu, kem dưỡng da, dầu gội từ tía tô… Những sản phẩm này có tác dụng giảm triệu chứng gút, làm đẹp da, trị cảm cúm…

Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, chị Xuân đã chủ động tìm hiểu về công thức tạo ra sản phẩm từ các loại dược liệu, trong đó có tía tô, rồi test thử nhiều lần. Sản phẩm được chị quảng bá trên các kênh mạng xã hội, các hội chợ nông sản…

Tháng 12/2018, chị Xuân đã liên kết với chị em phụ nữ xã Tả Phìn để thành lập HTX Sapa Secrets hoạt động theo mô hình HTX cộng đồng. Các thành viên trong HTX sẽ là người trực tiếp cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Sau 5 năm thành lập, hiện tại HTX có gần 100 thành viên. HTX tập trung sản xuất và phát triển dòng sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ từ giống tía tô bản địa. Đó là các bài thuốc quý dược liệu của người Dao Đỏ, mỹ phẩm chăm sóc da và dầu gội dưỡng tóc…

HTX của chị Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, cùng 20 lao động thời vụ; tạo công ăn việc làm ổn định và tăng thu nhập cho 48 hộ dân ở thôn Sả Séng và thôn Lủ Khấu thông qua việc trồng cây tía tô. HTX cung cấp giống cây dược liệu, hướng dẫn trồng, chăm sóc và thu mua sản phẩm của các hộ dân, nhờ vậy đã giúp 12 hộ vươn lên thoát nghèo.

Trồng rau gia vị ở Thủ đô

Vùng sản xuất rau gia vị tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (Hà Nội) được hình thành cách đây khoảng 20 năm, bắt đầu với cây hành lá, sau dần bà con mở rộng diện tích và phát triển thêm các cây gia vị khác.

Vùng rau của Mê Linh được trang bị tưới tự động 100% - Ảnh: An Khuê

Cũng như người nông dân xã Tân Minh, huyện Thường Tín, nhiều người sản xuất rau gia vị xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã có chỗ đứng trên thị trường thủ đô. Đặc biệt, vì hiệu quả kinh tế cao, nghề trồng rau gia vị đã thu hút 1.300 hộ nông dân trong xã tham gia, với diện tích khoảng 75ha.

Hiện nay, nghề trồng rau gia vị đã được mở rộng ra địa bàn các thôn lân cận trên địa bàn xã Tiến Thắng. Một trong những yếu tố thúc đẩy được việc này chính là UBND huyện Mê Linh đã hướng dẫn bà con nông dân xã Tiến Thắng chuẩn hoá sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ thực hiện đóng bao gói, hoàn thiện bao bì, nhãn mác các sản phẩm rau gia vị để đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện tích…

Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh thông tin: "Một số sản phẩm rau gia vị của xã Tiến Thắng đã được Hội đồng TP.Hà Nội đánh giá, phân hạng, cấp 3 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là tiền đề quan trọng để rau gia vị của bà con nông dân địa phương tiếp cận sâu rộng hệ thống phân phối, bán lẻ và đến được với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước".

Ông Nguyễn Công Đinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ, xã Tiến Thắng cho biết: Bà con ở đây tiêu thụ rau gia vị chủ yếu thông qua các thương lái. Giá cả có biến động nhưng rau gia vị nhìn chung có nhiều thời điểm giá rất cao. Nhất là vào tháng 6, 7 - thời điểm trái vụ - giá rau gia vị có thể lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg.

"Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các thành viên HTX rất quan tâm đến việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học; nếu có dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng luôn tuân thủ thời gian cách ly an toàn", ông Đinh cho hay.

Đến nay, diện tích trồng rau gia vị tại xã Tiến Thắng khoảng 70-80 ha tùy từng vụ, trong đó chủ yếu trồng các loại rau gồm: Hành lá, kinh giới, rau mùi, mùi tàu, xà lách, tía tô, húng... Qua theo dõi, các cây rau gia vị đều có năng suất, sản lượng cao.

Theo đó, một số loại rau chính như hành lá đạt 220 tạ/ha, sản lượng khoảng khoảng 2.640 tấn/năm; rau gia vị các loại khác (tía tô, kinh giới, mùi tàu…) đạt 94 tạ/ha, sản lượng khoảng 1.170 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng cho biết: Tính đến nay, xã Tiến Thắng có diện tích trồng rau hơn 150ha, tập trung tại các thôn: Thái Lai, Bạch Trữ, Kim Giao, Diến Táo… đều cho hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm của các loài rau gia vị là chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, chăm bón chủ yếu là phân hữu cơ và có thể trồng, thu hoạch quanh năm. Thu nhập từ rau gia vị cao gấp 3- 4 lần so với cây rau, màu truyền thống.

Dù trồng cây gì, nuôi con gì, nếu người nông dân biết tận dụng đất đai, áp dụng đúng thời vụ, thị trường… đều có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top