Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 14:47

Làm vườn hàng hóa tất yếu phải hướng tới thị trường

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành Hội Làm vườn Việt Nam mở rộng khoá VII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã bầu ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, giữ chức Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam.

Đảm nhận trọng trách mới, ông Doanh nhấn mạnh, nói đến làm vườn hàng hóa tất yếu phải hướng tới thị trường, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ và bản thân người làm vườn phải liên kết lại trong tổ hợp tác, HTX. Đây là định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Làm vườn đang tập trung triển khai.

PV Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện với tân Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - PGS.TS. Lê Quốc Doanh về những chương trình hành động và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Hội trong nửa nhiệm kỳ sau của khóa VII (2020-2025). 

Thưa ông, ông có thể cho biết sau thành công Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Hội Làm vườn Việt Nam khóa VII, Hội sẽ tập trung thực hiện những chương trình hành động cụ thể nào?

Trước hết, cần phải đánh giá kết quả mà Hội đã đạt được, cũng như khó khăn, hạn chế trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, từ đó xác định chương trình hành động, các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới. Kết quả nổi bật là, Hội đã sớm ban hành và thực hiện nghiêm Điều lệ (sửa đổi, bổ sung), 4 Quy chế; kịp thời kiện toàn BCH, BTV Hội khi có biến động nhân sự; đến nay, 17 Hội thành viên cấp tỉnh đã tổ chức Đại hội thành công; Hội kết nạp được 22 hội viên mới là doanh nghiệp; 6/8 đơn vị trực thuộc Hội được củng cố về tổ chức, ban hành quy chế hoạt động; việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo bước đột phá trong hoạt động Hội; Tạp chí Kinh tế nông thôn vượt khó khăn, hoạt động khá tốt sau khi chuyển đổi; trang Web của Hội và của một số Hội cấp tỉnh có số người truy cập tăng lên gấp gần 2 lần; Hội đã tổ chức thành công 4 hội thảo, diễn đàn; Hội cấp tỉnh trực tiếp tổ chức 1.616 lớp và phối hợp tổ chức 1.548 lớp đào tạo, tập huấn cho hàng vạn hội viên, nông dân; tham gia cải tạo hàng nghìn hecta vườn tạp, xây dựng 1.300 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hội tích cực tham gia phong trào phát triển vườn kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới; duy trì, phát triển quan hệ tốt với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục BVTV và 9 đơn vị trong Cụm thi đua lĩnh vực kinh tế của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội thành lập mới Ban Hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác với AsiaDHRRA, thiết lập hợp tác với ICRAF…

Đại diện Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) tặng hoa chúc mừng ông Lê Quốc Doanh, tân Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, hoạt động Hội đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu kinh phí do nhiều Hội thành viên không còn được nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; các đơn vị trực thuộc có rất ít đề tài, dự án, hợp đồng đặt hàng. Trong khi đó, các Hội thành viên và đơn vị trực thuộc lại chưa tích cực, chủ động tìm hướng đi mới. Hội hiện có 8 đơn vị trực thuộc và  25 hội viên là doanh nghiệp nhưng sự liên kết, phối hợp với các Hội thành viên cấp tỉnh còn hạn chế; Hội cũng chưa tập hợp, thu hút được các chuyên gia ở trong và ngoài Hội, chưa có nhiều bài viết, chuyên đề chuyên sâu về phát triển kinh tế vườn…

Thời gian tới, để phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế nêu trên, Ban chấp hành Hội đã thống nhất tập trung triển khai 7 nhiệm vụ, gồm: Tiếp tục phát triển tổ chức và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên  truyền; phát triển kinh tế vườn và VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững; hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa người làm vườn với HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiêu thụ để xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn; đẩy mạnh phối hợp với đơn vị trong nước và hợp tác quốc tế; tăng cường công tác tư vấn, phản biện xã hội; nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Ban chấp hành Hội cũng đề ra nhiều hoạt động và giải pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Định hướng của Hội như thế nào để phát triển nghề làm vườn và mô hình VAC đa mục tiêu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, đẩy mạnh phát triển nghề làm vườn và mô hình VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững luôn là một trong các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trọng tâm của Hội. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành và các địa phương tổng kết, nhân rộng phong trào xây dựng vườn kiểu mẫu (vườn mẫu, vườn chuẩn đẹp…) gắn với xây dựng nông thôn mới trong các cấp Hội trên toàn quốc. Vừa qua, sự thành công của các cuộc thi vườn mẫu đẹp tại Thanh Hóa, Nghệ An là kinh nghiệm tốt để các Hội thành viên trên cả nước có thể áp dụng. Về mô hình VAC, chúng ta đều biết đây là  hình thái làm vườn đặc biệt có sự gắn kết với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Mô hình VAC đã làm nên thương hiệu của Hội, nhất là giai đoạn trước những năm 1990, khi đất nước còn rất khó khăn, sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp. Ngày nay, mô hình VAC được xem là phù hợp với nguyên lý của kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, cần phải phát triển theo hướng VAC hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng phải bảo vệ môi trường. Có nhiều mô hình VAC quy mô trang trại và thậm trí doanh nghiêp lớn cũng áp dụng. Ví dụ, theo Hội Làm vườn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2021, trên địa bàn có 102 hộ với 205ha sản xuất theo mô hình vườn - ao - chuồng khép kín (VAC), 428 hộ với 522ha theo mô hình vườn - ao (VA), 42 hộ với 66 ha theo mô hình vườn - chuồng (VC), 18 hộ với 8 ha theo mô hình Ao - chuồng (AC) và các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Xin ông cho biết, thời gian tới, Hội sẽ có hoạt động gì nhằm thúc đẩy liên kết giữa người làm vườn với HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiêu thụ; xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn?

Nghề làm vườn gắn với cây ăn quả, rau, hoa cây cảnh, cây dược liệu… đang là các sản phẩm chủ lực, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong ngành nông nghiệp. Nói đến làm vườn hàng hóa tất yếu phải hướng tới thị trường, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ và bản thân người làm vườn phải liên kết lại trong tổ hợp tác, HTX. Đây là định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đang tập trung triển khai. Nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã giới thiệu hàng chục hội viên với Tập đoàn Quế Lâm để thảo luận về liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Chi nhánh Hội ở phía Nam và các Hội thành viên ở vùng Nam Bộ đã triển khai hàng loạt sự kiện kết nối doanh nghiệp với các hội viên là HTX, tổ hợp tác, nông dân trong sản xuất trái cây.

Thời gian tới, không chỉ doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào mà Hội sẽ cố gắng thu hút thêm doanh nghiệp bán hàng, chế biến, xuất khẩu trở thành hội viên của Hội, đồng thời chủ động làm cầu nối liên kết giữa các bên để hình thành một số mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn đạt hiệu quả cao.

Ông có đề xuất gì để hoạt động Hội đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới?

Trước bối cảnh mới, với nhiều điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để hoạt động Hội đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đòi hỏi toàn thể Ban chấp hành, lãnh đạo các Hội thành viên, hội viên cả nước phải đoàn kết, cố gắng, nỗ lực xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Để có định hướng và giải pháp căn cơ, lâu dài, Hội sẽ xây dựng về Đề án phát triển Hội Làm vườn Việt Nam đến 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trước mắt, theo tôi, có thể triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Hội sẽ thành lập Ban khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để gắn kết các đơn vị trực thuộc Hội, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Hội; tăng cường cộng tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục BVTV, Cục Trồng trọt… và một số tổ chức quốc tế để triển khai các đề tài, dự án, hội thảo, đào tạo, tập huấn, mô hình gắn với phát triển kinh tế vườn và VAC.

Đối với các Hội thành viên, cần nâng cao năng lực để có thể nhận triển khai các nhiệm vụ hàng năm do địa phương giao (như Hội Làm vườn các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng… đang triển khai). Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… trên địa bàn để cùng triển khai các hoạt động như đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình VAC…

Một giải pháp nữa là cần liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp là hội viên của Hội, để triển khai các hoạt động để vừa có lợi cho hội viên, vừa có lợi cho doanh nghiệp (ví dụ như đang triển khai tại Bắc Ninh, Đồng Tháp,…).

Xin cảm ơn ông! Chúc ông sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban chấp hành Hội khóa VII giao phó.

 

 

Thanh Tâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top