Mặc dù đã có nhiều chính sách và khung pháp lý, nhưng một số quy định trong các văn bản pháp luật vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho chăn nuôi trang trại quy mô lớn và đầu tư công nghệ hiện đại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng các chuỗi giá trị cũng như phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững.
Khó ứng dụng công nghệ mới
Tại Hội nghị Phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững do Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Minh, cố vấn mảng Farm tại Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp đang gặp khó trong việc ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi.
Cụ thể là diện tích đầu tư xây dựng đối với trang trại lớn đang bị khống chế theo các quy định pháp luật, trong khi đầu tư chăn nuôi công nghệ cao đòi hỏi chi phí rất lớn. Thêm vào đó, việc thu hẹp quỹ đất dành cho chăn nuôi, đặc biệt ở các khu vực miền núi, cũng hạn chế khả năng phát triển các trang trại công nghệ cao quy mô lớn.
Doanh nghiệp mong muốn phát triển trang trại công nghệ cao 6 tầng và cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để chuẩn bị hồ sơ một cách thuận lợi, thay vì bị giới hạn bởi quy định về quỹ đất lớn như hiện nay, điều này khiến việc triển khai dự án bị kéo dài.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh, cũng cho rằng, một số quy định về khoảng cách chăn nuôi hiện nay đang làm khó các nhà đầu tư.
Khoảng cách giữa các trang trại theo Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT hiện đang được quy định rất gần nhau, nhưng lại không có cơ sở pháp lý để mở rộng khoảng cách lên 500m. Vấn đề này cũng tồn tại trong trường hợp các trang trại gần khu dân cư, nơi quy định cách 500m, nhưng lại không cấm việc xây dựng nhà ở trong khoảng cách này, khiến doanh nghiệp chăn nuôi phải chịu thế bị động.
Không gian phát triển chăn nuôi lợn ở Việt Nam đang dần thu hẹp do lượng thịt nhập khẩu ngày càng tăng. Trong ảnh: Cơ sở chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm , thôn Thái Hòa, xã Bình Định (Kiến Xương - Thái Bình). Ảnh: Thế Duyệt.
Một vấn đề khác được đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An nêu ra là việc xếp hạng các trang trại. Nhiều doanh nghiệp từng được xếp vào loại trang trại quy mô lớn theo Luật Chăn nuôi cũ, nhưng sau khi luật được điều chỉnh, những trang trại này lại bị coi là quy mô nhỏ, làm phát sinh khó khăn trong việc tuân thủ các quy định pháp lý.
Ngoài ra, Luật Thú y đã bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể cho kiểm dịch bằng vận chuyển, gây ra tình trạng không có lực lượng kiểm soát, và không thể ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Tình trạng này đã khiến tỉnh Nghệ An không thể xây dựng các khu vực chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, không gian phát triển chăn nuôi lợn ở Việt Nam đang dần thu hẹp do lượng thịt nhập khẩu ngày càng tăng, gây áp lực lớn lên ngành chăn nuôi trong nước. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển của chăn nuôi trong nước mà còn gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nội địa, đặc biệt khi phải đối mặt với tình trạng nhập lậu thịt.
Do đó, ông Dương đề xuất, muốn phát triển chăn nuôi lợn bền vững, phải xem xét người chăn nuôi có thực sự được hưởng lợi từ nghề này hay không. Cùng với đó, phải xem người tiêu dùng có được hưởng chất lượng cao, giá phù hợp khi mua và sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn hay không?
Bên cạnh đó, đánh giá tác động, kiểm soát môi trường của các trang trại chăn nuôi là quan trọng nhưng phải phù hợp. Không thể tuyệt đối hóa mùi tại các cơ sở chăn nuôi. Những quy định yêu cầu trang trại cách khu dân cư… 100m tuyệt đối không có mùi là xa rời thực tiễn, là máy móc. “Mùi chăn nuôi là mùi thân thuộc và hoàn toàn tự nhiên mà các trang trại ở các nước lớn dù đầu tư hiện đại vẫn có”, ông Dương nêu nhận định.
Mở không gian phát triển
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho biết, Dabaco có giai đoạn cứ bán 1 con lợn lại lỗ một con nhưng cũng có giai đoạn bán một con lợn thì lãi một con. Điều này cho thấy, thị trường có vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi.
Vậy nhưng, xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện chưa khởi sắc vì chưa tạo được vùng an toàn dịch bệnh. Chiến lược phát triển chăn nuôi hiện nay có nói quy hoạch chăn nuôi thành các vùng tập trung. Tuy nhiên, khi phát triển thành các vùng tập trung thì rủi ro lây bệnh cao do trại liền trại, liền đường dễ dẫn đến xóa sổ các vùng chăn nuôi lớn.
“Thay vào đó, nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào vùng sâu, vùng xa để xây dựng khu chăn nuôi quy mô lớn, khả năng cách ly cao. Bên cạnh đó, cần khớp nối các trang trại lớn ở các địa phương để liên kết phục vụ xuất khẩu thuận lợi”, ông Tuế đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Minh cũng cho biết, việc vận chuyển các chất thải chăn nuôi để xử lý theo yêu cầu đang bị rơi vào các quy định xả thải. Do đó, rất mong các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp vận chuyển đến nơi tập trung, sản xuất thành phân bón một cách thuận lợi.
Cục Thú y cũng cần xây dựng chuỗi an toàn sinh học kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế để doanh nghiệp có thể áp dụng một cách đồng bộ thì mới đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Trước thực trạng của ngành chăn nuôi lợn, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, từ nay đến cuối năm, nếu đảm bảo an toàn thực phẩm, đưa ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định sẽ góp phần không nhỏ trong bình ổn CPI.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hoà lợi ích giữa các thành phần tham gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện tổng số lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn đạt gần 2,54 triệu tấn (tăng 5,1%). Bên cạnh năng lực sản xuất có quy mô ngày càng phát triển, Việt Nam tiếp tục duy trì nhập khẩu thịt lợn nhằm đa dạng hoá nguồn cung. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 128.700 tấn (trị giá hơn 203 triệu USD). |
Đáng chú ý, người chăn nuôi cần phải chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, nâng cao kiến thức và kỹ năng chăn nuôi. Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh từ đầu vào sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ đàn lợn khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường thịt lợn. Sự ủng hộ và tin tưởng vào các sản phẩm thịt lợn trong nước không chỉ giúp kích cầu mà còn tạo động lực cho người chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, muốn chăn nuôi bền vững, vấn đề liên kết theo chuỗi là xu thế tất yếu. Vì chỉ có tham gia chuỗi mới sản xuất được tuần hoàn, và chỉ có chăn nuôi tuần hoàn mới giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho HTX, doanh nghiệp, người chăn nuôi.
“Mô hình Nhà nước, HTX, người dân, doanh nghiệp là một hệ sinh thái bền vững cần phát huy để vừa phát triển chăn nuôi bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.