Nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất cây trồng, những năm qua, nhiều hộ dân ở các địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng. Trong đó, phương thức trồng xen canh được nhiều nông dân áp dụng thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng cao thu nhập từ trồng xen canh cây mắc ca - chè
Những năm qua, việc trồng xen canh cây mắc ca với cây chè đã và đang mang lại nguồn thu nhập lớn mỗi năm cho người nông dân Tân Uyên (Lai Châu). Qua đó, từng bước khẳng định sự phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng của cây mắc ca và hướng đi đúng đắn ở địa phương. Góp phần, nâng cao giá trị kinh tế, hệ số sử dụng đất, giảm nghèo trên địa bàn.
Chúng tôi về thăm mô hình trồng mắc ca xen chè của gia đình bà Nguyễn Thị Ánh - tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên. Một trong những hộ tiên phong trồng xen canh 2 loại cây trồng này với nhau tại huyện Tân Uyên. Được biết, gia đình bà tận dụng diện tích 1,5ha chè trồng xen canh hơn 220 cây mắc ca từ năm 2012 với các loại giống như: Q, OC, A38 và một số loại khác. Sau hơn 10 năm vun trồng, chăm sóc, 200 cây mắc ca của bà đã cho thu hoạch với năng suất từ 40-80kg/cây. Riêng năm nay, gia đình bà thu được hơn 5 tấn quả tươi. Bình quân 2 năm nay, gia đình bà thu về được 250 triệu đồng tiền mắc ca và 100 triệu đồng tiền bán búp chè tươi.
Mô hình trồng mắc ca xen chè giúp gia đình bà Nguyễn Thị Ánh ở tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: baolaichau.vn
Bà Ánh chia sẻ: trồng xen canh mắc ca như thế này rất có lợi, chi phí đầu tư giảm, giá trị kinh tế hằng năm trên 1 diện tích tăng gấp 3 lần so với việc trồng mỗi chè. Bởi vì trồng xen nên bón phân cho chè, cây mắc ca sẽ hấp thu được chất dinh dưỡng luôn. Chăm sóc không vất vả lắm, hằng năm thu hoạch xong tỉa bớt cành; trong quá trình cây sinh trưởng, phát triển theo dõi để phòng trừ sâu bệnh hại như: rệp trắng, sỉ mủ. Tới đây, vợ chồng tôi tiếp tục trồng thêm mắc ca xen vào 3.000m2 chè còn lại của gia đình, nhằm tăng thêm thu nhập cho những năm sau.
Cây mắc ca là cây thân gỗ, có thể trồng ở vườn tạp sau khi được cải tạo, khu vực đất dốc, đặc biệt là trồng xen canh với cây chè và các cây họ đậu ngắn ngày. Hạt mắc ca có nhiều chất dinh dưỡng, được ví như “hoàng hậu của các loại quả khô” với giá bán ngoài thị trường rất cao. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, cây mắc ca được người dân đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2012, 2013. Nhận thấy cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với đó là giá trị kinh tế mang lại cho người dân, huyện Tân Uyên khuyến khích các hộ trên địa bàn nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca, nhất là trồng xen với chè từ năm 2018. Ngoài ra, huyện, thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư trồng, liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Tân Uyên đã trồng được trên 2.633ha cây mắc ca, trong đó, diện tích trồng xen chè là 961,2ha, trồng thuần 1.672,2ha. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty TNHH Đầu tư phát triển rừng Tây Bắc trồng 20ha tại xã Nậm Cần, Công ty cổ phần Dương Gia Lai Châu trồng 70ha tại xã Nậm Sỏ, Công ty TNHH XNK thương mại và Đầu tư Phú Thịnh trồng 23ha xen chè tại các xã: Nậm Cần, Trung Đồng, Thân Thuộc.
Bà Hoàng Thị Luyến - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Để cây mắc ca trồng, nhất là xen canh với chè đạt được hiệu quả kinh tế, phòng chuyên môn chúng tôi đã cử cán bộ xuống hướng dẫn các hộ về quy cách trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành. Đồng hành cùng bà con khi cây trồng bị sâu bệnh hại. Hiện tại, một số diện tích cây mắc ca trồng xen chè từ năm thứ 5 đã cho quả bói với năng suất đạt từ 5-10kg quả tươi/cây. Qua đó, giúp các hộ dân tăng thêm nguồn thu nhập.
Trung bình, quả tươi mắc ca có giá bán lẻ ra thị trường từ 40.000 - 80.000 đồng/kg, tuỳ theo thời điểm đầu hay giữa vụ. Như vậy, mỗi cây mắc ca giúp người nông dân thu về từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng/vụ/năm. Bên cạnh đó, người dân vẫn có thu nhập từ thu hái chè.
Có thể thấy mô hình trồng mắc ca xen chè thực sự mang lại lợi ích kép cho người nông dân Tân Uyên. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng mắc ca xen chè và đôn đốc, hướng dẫn nhân dân chăm sóc diện tích mắc ca hiện có, nhất là diện tích trồng xen chè để tăng giá trị kinh tế và nâng cao hệ số sử dụng đất. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển theo đúng định hướng đề ra.
Mô hình xen canh lê - cát cánh ở Hoàng Thu Phố
Năm nay, người Mông ở vùng cao xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) thay đổi nếp nghĩ, có cách làm sáng tạo là phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch thông qua mô hình trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cây ăn quả ôn đới. Hướng phát triển kinh tế này đang mở ra những tín hiệu khả quan, giúp người dân không chỉ có nguồn thu nhập từ cây ăn quả mà còn tạo thêm điểm dừng chân thú vị trong hành trình khám phá du lịch Bắc Hà.
Ảnh: baolaocai.vn
Những ngày này, khắp các triền đồi ở xã vùng cao Hoàng Thu Phố bắt đầu vào mùa thu hoạch lê Tai-nung. Nhiều đoàn khách du lịch Bắc Hà đã tìm đến vườn lê để trải nghiệm mùa thu hoạch quả chín. Điều đặc biệt hơn cả là không chỉ được chiêm ngưỡng thành quả “một nắng hai sương” dày công chăm sóc, tỉa cành, tạo tán để cho ra những cành lê trĩu quả, ngọt đậm vị, mà từ sáng tạo của đồng bào Mông ở vùng cao Hoàng Thu Phố, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp khi đi giữa những luống hoa cát cánh vào mùa nở rộ, tím ngát.
Gia đình ông Tráng Seo Khúa (thôn Hoàng Hạ) là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình xen canh cát cánh với lê Tai-nung ở xã Hoàng Thu Phố. Với hơn 400 gốc lê Tai nung đang mùa thu hoạch và cát cánh độ nở hoa, hứa hẹn mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá từ bán quả và thu hút khách trải nghiệm ngắm hoa cát cánh.
Quá trình trồng thử nghiệm thấy cây lê phù hợp với đất Hoàng Thu Phố nên gia đình ông Khúa và các hộ nơi đây đã cùng trồng cây ăn quả ôn đới theo định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Không chỉ có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, việc phát triển trồng lê Tai-nung còn tạo thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch.
Ông Tráng Seo Khúa cho biết: Hiện, gia đình tôi đã trồng được hơn 3.000 gốc lê Tai-nung. Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng những khoảng đất trống ở những vườn lê mới trồng chưa vào giai đoạn thu hoạch quả, gia đình tôi trồng xen cây cát cánh, vừa có thêm điểm trải nghiệm mùa hoa vừa có thu nhập từ thu hoạch củ cát cánh…
Vẻ đẹp của những vườn lê trồng xen cây cát cánh đang vào mùa hoa nở rộ đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm. Thời gian này cũng là dịp nghỉ hè của học sinh, không ít gia đình đã thu xếp khoảng thời gian cuối tuần đưa con đến các vườn lê Tai-nung trải nghiệm hái quả và mua sản phẩm tại vườn. Vì thế, Hoàng Thu Phố đang trở thành địa chỉ hấp dẫn nhiều gia đình lên đây “trốn” nắng hè, thư giãn cũng như tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ dưỡng thú vị với người thân và bạn bè.
Du khách đến trải nghiệm hái lê, ngắm hoa cát cánh ở Hoàng Thu Phố bất ngờ và thú vị về một nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp. Không chỉ mãn nhãn với vẻ đẹp thơ mộng của những vạt hoa cát cánh tím ngát giữa núi rừng, nhiều người còn mang về rất nhiều bộ ảnh ưng ý, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp cho riêng mình, với người thân, với bạn bè… Vừa ngắm hoa cát cánh, du khách còn được tự tay vít cành hái quả, thưởng thức quả lê tươi ngon, mát lành, ngọt đậm ngay tại vườn.
Trải nghiệm vườn lê Tai-nung, ngắm hoa cát cánh là hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân vùng cao Hoàng Thu Phố nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Hiệu quả từ xen canh cây ngắn ngày trong vườn cây ăn quả
Để tối ưu hóa diện tích, gia tăng nguồn thu giúp duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn đưa cây ngắn ngày vào trồng xen canh dưới tán cây ăn quả. Hướng đi này không chỉ góp phần tăng giá trị sản xuất trên một diện tích đất mà còn tạo điều kiện cho cây có mối quan hệ cộng hưởng cùng phát triển, nâng cao năng suất.
Mô hình trồng cây ăn quả xen canh của gia đình ông Lê Đình Thực ở thôn Sơn Minh, xã Luận Thành (Thường Xuân). ảnh: baothanhhoa.vn
Xác định trồng cây ăn quả là hành trình dài đòi hỏi người sản xuất phải có nguồn vốn và kỹ thuật sản xuất tốt, do đó gia đình ông Lê Đình Thực ở thôn Sơn Minh, xã Luận Thành (Thường Xuân) đã lựa chọn trồng xen canh cây ăn quả ngắn ngày như ổi, chuối và các loại cây trồng hằng năm như ngô, sắn, rau ăn lá xen canh dưới diện tích 2 ha bưởi, cam để “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Lê Đình Thực cho biết: “Năm 2017 khi địa phương tuyên truyền, vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình đã lựa chọn phát triển diện tích bưởi, cam thay thế cho diện tích trồng keo, sắn hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, trồng cam, bưởi phải sau 3 - 4 năm mới cho thu hoạch nên cần nguồn vốn lớn. Để lấy nguồn kinh phí duy trì sản xuất và sinh hoạt, gia đình đã lựa chọn mô hình xen canh cây ngắn ngày vào đồi cam, bưởi. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp địa phương và tìm hiểu qua truyền thông, gia đình tôi đã lựa chọn đối tượng, tỷ lệ xen canh phù hợp, cho hiệu quả kinh tế ổn định”. Được biết, trên diện tích 2 ha trồng cam, bưởi, gia đình ông Thực đã trồng các loại cây họ đậu, ngô, rau ăn lá, sắn...
Đối với người dân ở “thủ phủ” cây ăn quả Thạch Thành, việc trồng xen canh cây trồng ngắn ngày vào diện tích cây ăn quả không còn xa lạ. Ông Mai Trọng Phúc, chủ trang trại Quế Phúc, xã Thành Tân, cho biết: “Trang trại 20 ha sản xuất cam Đường canh, bưởi - những đối tượng cây trồng có thời gian kiến thiết dài, từ 4 - 5 năm mới cho thu hoạch ổn định, nhưng vốn đầu tư lại khá lớn. Do đó, chúng tôi lựa chọn ổi, thanh long, dứa và một số loại cây trồng ngắn ngày thân cỏ (khoai lang, đậu, rau...) để trồng xen canh. Canh tác xen canh còn góp phần tạo độ phì cho đất, cải thiện hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại”.
Theo đánh giá của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, tỉnh có hơn 23.300 ha cây ăn quả thì có khoảng 60% mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh áp dụng biện pháp xen canh. Trồng xen canh cây ngắn ngày trong vườn cây ăn quả là mô hình tuy không mới nhưng mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để việc trồng xen canh hiệu quả, người sản xuất phải cần lưu ý về thổ nhưỡng, đặc tính của từng loại cây ăn quả để có sự lựa chọn phù hợp. Cùng với đó, cần chú trọng đến việc chọn đối tượng trồng xen canh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng chính. Ngoài ra, khi trồng xen canh, cần chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng, sự phù hợp giữa cây được trồng xen canh với cây trồng chính, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất.
Việc nhân rộng mô hình xen canh của các địa phương thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế được rủi ro về giá cả trên thị trường nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.