Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 9 năm 2023 | 10:3

Nâng tầm giá trị nông sản Việt

Nằm trong chuỗi các hoạt động “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng tầm giá trị nông sản Việt”. Nhiều giải pháp để nâng cao giá trị nông sản đã được đưa ra.

Sản xuất manh mún nhỏ lẻ

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, như: Sản xuất manh mún nhỏ lẻ rất khó thực hiện việc cơ giới nông nghiệp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp, rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh có vị trí địa lý nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích tự nhiên là 1.525 km². Trong đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 119.878 ha, chiếm 78,57% diện tích tự nhiên. Tỉnh Vĩnh Long có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu và gần như toàn bộ được khép kín bởi các công trình thủy lợi, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong canh tác cây lúa, cây ăn trái, rau màu, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp thấp, dân số lại khá đông nên nông dân sản xuất trong điều kiện nhỏ lẻ, manh mún; từ đó, khó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ.

Sản xuất nông sản ở nhiều địa phương còn manh mún nhỏ lẻ. 

Theo PGS. TS. Võ Thành Danh, Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Vĩnh Long nói riêng có đất đai màu mỡ, rất thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong, chưa chuyên môn hoá cao, sản xuất còn manh mún, chưa có nền nông nghiệp hàng hoá và còn chịu tác động của biến đổi khí hậu, xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hệ thống logistics chưa phát triển kịp yêu cầu và thiếu những công ty lớn đặt bản doanh tại vùng.

Ông Danh cho hay, đối với vấn đề cung - cầu - thị trường nông sản, hiện nay, các địa phương vẫn sản xuất "tự nhiên" là chính, thị trường nội địa bão hoà trong khi thị trường quốc tế chưa nhiều, việc liên kết cung - cầu còn yếu… dẫn đến kênh phân phối chưa phát triển cao. Bên cạnh đó, rủi ro và sự không chắc chắn của thị trường nông sản quốc tế do ảnh hưởng sự bất ổn của chính trị thế giới, nhiều loại nông sản bị phụ thuộc vào một vài người mua (quốc gia lớn) dẫn đến thị trường thuộc về người mua và tạo áp lực giảm giá nông sản.

Triển khai nhiều giải pháp

Để nâng cao giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, ông Danh cho rằng, cần phải có chiến lược về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp (kinh doanh nông nghiệp), xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại; hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các "vệ tinh”. Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống hợp tác xã, liên kết giữa các công ty…

“Chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm, một nền nông nghiệp đầy tiềm năng như Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm chính, sản phẩm thô. Ví dụ: Cây lúa để làm ra 1 kg lúa còn có rơm rạ, trấu, cám - những thứ đó cũng có rất nhiều giá trị so với cây lúa”, ông Danh nhấn mạnh.

 Cần chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp, xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị "Nâng tầm giá trị Nông sản Việt", đại  diện Vina T&T Group đề nghị cần tập trung tìm kiếm các giải pháp, nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về năng lực kỹ thuật và tính bền vững của Hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia về chất lượng được nâng cao; năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định kỹ thuật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thói quen đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Vina T&T Group cho rằng, nông nghiệp cần những chính sách mới hỗ trợ việc chuyển đổi để có thể chống chịu tốt hơn với các khó khăn, vượt qua các khủng hoảng nhanh hơn như: chính sách tập trung ruộng đất, chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách bình ổn giá các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất và chính sách về sử dụng nước trong lưu vực.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, đánh giá, hợp tác xã chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu nông sản, hợp tác xã sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng, đồng thời còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản, trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì vậy, việc thành lập các hợp tác xã là nhiệm vụ cấp thiết.

Trao đổi tại hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý trong khu vực. Hội thảo cũng là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp trong nông nghiệp. Từ đó, tạo bước chuyển mới, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp còn một số tồn tại, hạn chế như: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng đầu năm vẫn giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái do các tháng đầu năm mức giảm sâu. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh.

Hợp tác xã còn khó khăn trong quản trị minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ; duy trì và phát triển bền vững các liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top