Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 12 năm 2023 | 15:15

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

Sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức.

Bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

Công chức Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết hàng giả, hàng thật các sản phẩm dầu gội đầu

6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Kéo theo sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử tại Việt Nam, thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là những tiêu cực của thị trường. Các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.Có thể nói, người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) trong năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021).

Chỉ trong 6 tháng đầu năm lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả, ra quyết định xử phạt gần 30 tỷ đồng.

Trước vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền, thì thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức độ thiệt hại của doanh nghiệp cũng rất lớn. Cụ thể: đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì làm ảnh hưởng, mất lòng tin. Việc hàng giả quá nhiều ở trong nội địa khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Còn đối với các doanh nghiệp trong nước thiệt hại về thương hiệu cũng rất lớn.

Hàng giả, hàng nhái gia tăng 

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng đang hóa tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều có nguy cơ bị làm giả.

Cơ quan chức năng nhận định, các hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng chục kg lê có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lê Hàn Quốc. Các đối tượng thiết kế tem, mác trên sản phẩm giống với nhãn mác lê Hàn khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn.

Ông Cho Sung Bae - Đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Người tiêu dùng có thể kiểm tra trên từng quả lê có mã QR, hay tem 7 màu (tem chống hàng giả hologram). Ngoài ra cần kiểm tra nhãn mác để có thông tin của nơi xuất xứ, nhà xuất khẩu, nhập khẩu... để có thể phân biệt sản phẩm".

Hiện đang là thời điểm nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Bước vào cao điểm mua sắm, cũng là lúc các đối tượng xấu gia tăng sản xuất các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng nhằm thu lợi bất chính.

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được rao bán tràn lan trên môi trường trực tuyến. Việc các sàn thương mại điện tử không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa là những lỗ hổng trong công tác quản lý, vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu.

Cần có sự liên kết chặt chẽ để ngăn chặn

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương, việc quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị quản lý ngành như quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế...

Đặc biệt, một hoạt động rất thiết thực nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, làm rõ và giúp người tiêu dùng hiểu hơn tác hại của vấn nạn này đến sự phát triển kinh tế của đất nước, đó là, bắt đầu từ cuối năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã đưa vào khai thác và sử dụng Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là nơi người tiêu dùng có thể đến tham quan, và được chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn, phân biệt dấu hiệu nhận diện các sản phẩm thật, sản phẩm vi phạm trên thị trường.

Trong lần mở cửa thứ 10 hưởng ứng Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11) (diễn ra từ ngày 24-30/11/2023), đã có trên 600 sản phẩm thuộc 9 lĩnh vực, ngành hàng gồm: Hóa - mỹ phẩm; thời trang; giày dép; hàng gia dụng, tiêu dùng; văn phòng phẩm; đồ uống; dược phẩm và thiết bị y tế được Tổng cục Quản lý thị trường trưng bày và trực tiếp hướng dẫn người tiêu dùng cách thức nhận biết, phân biệt, đồng thời cung cấp các địa chỉ có thể mua các sản phẩm chính hãng tại Việt Nam.

Đặc biệt, điểm nhấn tại Phòng trưng bày lần này là nhóm 6 mặt hàng với trên 50 sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản được cung cấp bởi Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) trưng bày tại gian trung tâm của Phòng trưng bày thể hiện quyết tâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công tác đấu tranh chống hàng giả, giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản.

Thông qua Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường mong muốn tạo ra kênh thông tin hữu ích giúp người tiêu dùng nhận diện hàng chính hãng để “tránh mua phải hàng giả”.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, thì sự thông thái trong lựa chọn hàng hóa, kênh mua sắm sẽ giúp người tiêu dùng tránh được những thiệt hại đáng tiếc.

Tăng cường truyền thông để bài trừ hàng giả

Lực lượng quản lý thị trường cả nước 10 tháng qua đã kiểm tra, phát hiện hơn 62.000 vụ việc hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhằm tăng cường sự hiểu biết cho người dân để chung tay bài trừ hàng giả, hàng nhái, nhiều sự kiện đã được các lực lượng chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo quốc gia 389 tổ chức.

Trên 600 sản phẩm thuộc 9 lĩnh vực, ngành hàng gồm: Hóa - mỹ phẩm; thời trang; giày dép; hàng gia dụng, tiêu dùng; văn phòng phẩm; đồ uống; dược phẩm và thiết bị y tế vừa được Tổng cục Quản lý Thị trường trưng bày và trực tiếp hướng dẫn người tiêu dùng cách thức nhận biết, phân biệt đồng thời cung cấp các địa chỉ có thể mua các sản phẩm chính hãng tại Việt Nam.

Là cơ quan trực thuộc Chính phủ với nhiệm vụ về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia lần đầu tiên đã tổ chức hội nghị để đánh giá công tác phối hợp giữa Văn phòng và các Hiệp hội ngành hàng.

Sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh đều thay đổi và gặp nhiều khó khăn, các loại hình gian lận thương mại ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn. Bên cạnh các giải pháp có tính nghiệp vụ đặc thù của từng ngành hàng, đại diện các Hiệp hội đều nhấn mạnh về giải pháp phòng chống hiệu quả thông qua công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dùng và xây dựng hình ảnh, thương hiệu hàng hóa theo cách mới.

Hoạt động thương mại bất hợp pháp, trái với quy định pháp luật gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế, tới môi trường làm ăn chân chính của các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới sức khỏe và chi tiêu của người dân.

Sự chủ động phối hợp sớm giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và lực lượng chức năng sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế được các hoạt động này, nhất là mùa cao điểm Tết đang đến gần.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top