Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 | 15:22

Nguyễn Thế Tùng: Người khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trong đó nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đây cũng được xem là “vùng đất” lý tưởng cho phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là với những người trẻ.

Thời gian qua, nông nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia, là mảnh đất màu mỡ cho các startup, nhất là với khởi nghiệp về nông nghiệp. Mỗi đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp đều có một con đường, một phương thức đến với nông nghiệp nhưng ở các bạn trẻ có một điểm chung là quyết tâm dám nghĩ, dám làm đã nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp.

Cùng với xu thế đó, khởi nghiệp với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang trở thành xu hướng, lựa chọn của nhiều thanh niên. Với sức trẻ cùng nhiều ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất nông nghiệp trên chính đồng đất quê hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Tôi may mắn đã gặp anh Nguyễn Thế Tùng – Tổng Giám đốc Queen Farm (Bình Phước) tại Hội thảo "Nông nghiệp sinh thái, nông dân chuyên nghiệp – Khát vọng vươn tầm", nghe anh chia sẻ về vai trò của thanh niên tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Người khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong thanh niên.


Anh Tùng chia sẻ, trước đây, tôi không biết gì về nông nghiệp. Tôi từng học thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Vương quốc Anh. Chính mẹ tôi là người đã truyền cảm hứng, tạo cơ hội cho tôi tìm hiểu nghề nông, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

“Không có kiến thức trong nông nghiệp cũng là điều rất khó khăn đối với tôi, từ một người không có kiến thức về nông nghiệp nhưng nên tôi đã phải tự học rất là nhiều. Mình tự học, học từ những chuyên gia, đồng nghiệp, học từ những kỹ sư giỏi… Tôi đã đi rất là nhiều để học từ những cái sai của người khác. Từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình”, anh Tùng nói.

Trang trại bắt đầu xuống giống trồng sầu riêng từ giữa năm 2020, khi đó giá sầu riêng chưa "nóng" như bây giờ nhưng anh Tùng đã xác định đầu tư bài bản, nghiêm chỉnh để cung cấp sản phẩm cho thị trường xuất khẩu. Cụ thể, anh Tùng đầu tư hệ thống tưới theo công nghệ của Israel, chỉ tính riêng đường ống rải quanh trang trại đã dài tới 75km.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu, dần dà anh Tùng ngày càng say mê với việc làm vườn, trồng cây ăn trái và mong muốn xây dựng một trang trại thực nghiệm trồng sầu riêng công nghệ cao, áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Khi đó, Queen Farm đã trở thành một mô hình chuẩn không chỉ về quy hoạch để dễ dàng quản lý mà còn chuẩn về giải pháp chăm sóc cây trồng. Nhờ vậy mà trang trại 55 ha của anh chỉ cần 13 công nhân vận hành bao gồm cả quản lý và kỹ thuật chăm sóc cây.

Hệ thống tưới hiện đại này được kết nối với app cài đặt trên điện thoại, theo đó người dùng có thể cài đặt thời gian tưới như ý muốn, cứ đến giờ định sẵn là sẽ tự động tưới cho cây. Hàng ngày, sẽ có 2 kỹ sư nông nghiệp đi thăm vườn để kiểm tra tình hình sâu bệnh hại, tình hình sinh trưởng, đo độ ẩm... Nhờ đó, việc chăm sóc từng gốc sầu riêng, vú sữa hay mít đều được kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử, năm 2023, thời tiết diễn biến bất thường song chỉ có 4 cây sầu riêng bị chết trên tổng số gần 10.000 cây.

Hiện, trang trại của anh đang tạo việc làm cho 13 nhân công thường xuyên với thu nhập ổn định từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.

Trả lời về câu hỏi động lực nào đưa anh bén duyên với nông nghiệp, anh Tùng cho hay, nếu như tôi chọn sự bình yên, tôi nên ở lại giữa lòng thành phố náo nhiệt. Chọn cho mình những cách đầu tư đi theo xu thế tài chính. Thay vì phải lao vào công cuộc nông nghiệp trong bình minh của thời đại mới, mà tôi xem đó chính là cuộc cách mạng xanh mà mình chính là một phần trong đó. Chấp nhận hy sinh và vượt qua những nổi sợ hãi. Chấp nhận lùi về nơi xa vắng nơi ánh điện là thứ xa xỉ.

“Vậy nguyên do là ở nơi đâu?”, tôi hỏi.

“Có lẽ tôi còn lời hứa với người mẹ đã khuất. Cũng bởi vì cảm thấy mình còn “mối nợ” với quê hương, cộng đồng... Và còn đâu đó hoài bão muốn trao tư duy lại cho các thế hệ thanh niên trên con đường khởi nghiệp bằng nông nghiệp nên tôi dấn thân…”, anh Tùng trả lời và nhấn mạnh.

Do đó, khi bắt tay vào xây dựng trang trại theo hướng sinh thái, anh Tùng mang theo nghĩ rằng, đến một giai đoạn thích hợp sẽ có những đoàn khách lên đây trải nghiệm, tận hưởng thưởng thức những cái cây ăn trái tại trang trại; trải nghiệm công việc canh tác của những người nông dân tại đây để họ hiểu được là làm nông nghiệp theo cái cách ban nguyên, nhưng mà có thể được xây dựng bài bản hơn, quy hoạch chuẩn hóa hơn phù hợp xu thế chung của thế giới.

Dù hiện giờ chưa đạt được mục đích ban đầu, nhưng trang trại của anh cũng đã trở thành điểm đến học hỏi và trải nghiệm cho sinh viên và những người quan tâm đến nông nghiệp. Đâu đó, anh cảm nhận được, những việc mình làm đã lan tỏa đam niềm đam mê đến nhiều bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Với mục tiêu xuất khẩu sầu riêng vào những thị trường khó tính, anh Nguyễn Thế Tùng đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các khâu quản lý đầu vào - ra đều được ghi chép hàng ngày.

Anh Tùng nhận định, hiện nay, người tiêu dùng xem vấn đề an toàn thực phẩm là “thước đo” quan trọng đối với các sản phẩm cây ăn quả. Bên cạnh đó, chất lượng của sản phẩm còn được yêu cầu cao hơn đối với người tiêu dùng quốc tế. Chính vì thế, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, nhà sản xuất cần phải tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Anh Tùng chia sẻ, với kinh nghiệm thực tế của Queen Farm, một trong ba triết lý và văn hóa cơ bản của Trang Trại lựa chọn đó chính là sinh thái. Queen Farm luôn lấy phương châm “những gì lấy từ Đất phải trả về cho Đất một cách biết ơn nhất”.

Mục tiêu của anh: Thứ nhất, trang trại định hướng việc canh tác hữu cơ hóa ngay từ đầu, hiện tại Queen Farm đã thực hiện phương pháp thực hành canh tác quốc tế Global GAP ngay từ những ngày đầu tiên. Với tổng lượng dinh dưỡng hữu cơ phục vụ cho canh tác chiếm 75-80% quy trình.

Thứ hai, toàn bộ quy trình dinh dưỡng đều được tự sản xuất bằng công nghệ vi sinh với đa dạng các chủng lợi khuẩn giúp ích cho đất, cho cây trồng, giảm thiểu sâu bệnh. Ngoài ra, Queen Farm chọn lọc các thảm thực vật bản địa thuẩn chủng có ích cho đất, chẳng hạn như: cỏ gừng, cỏ trai, cỏ xuyến chi, cứt lợn đồng thời bổ sung các loại thực vật có ích khác như cây họ đậu nhằm cố định đạm và cỏ Vetiver nhằm tạo sự thông thoáng ô-xy trong đất cũng như chống rửa trôi hoa màu.

Cuối cùng, Queen Farm trung thành với chính sách Zero rác thải, đặc biệt, các rác thải bao bì nhựa, bao bì bảo vệ thực vật có tồn dư trong đất rất nhiều năm sẽ liên tục được thu om và mang đi xử lý theo yêu cầu tiêu chuẩn Global GAP. Một vài ví dụ đơn cữ như trên cho thấy Queen Farm đặc biệt quan tâm đến môi trường xanh không chỉ trong trang trại mà cả các môi trường xung quanh. Queen Farm xem việc chăm đất chính là để tốt cây, giảm thiểu phân bón hóa học và bảo vệ thực vật tránh tình trạng làm bạc màu đất hoặc gây tồn dư dư lượng hóa học trong đất. Queen Farm xem triết lý Sinh Thái như là một sứ mệnh cần phải thực hiện khi đến với nông nghiệp, nhằm tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp xanh bền vững.

Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển nông nghiệp, anh Nguyễn Thế Tùng cho biết, lĩnh vực nông nghiệp rất cần diện tích đất lớn trong khi cơ chế và quỹ đất dành cho dự án khởi nghiệp gần như chưa có. Ngay cả việc việc thuê hoặc mua đất để phát triển sản xuất cũng rất khó khăn. Chưa kể các dự án khởi nghiệp hiện nay vẫn khó tiếp cận các nguồn tín dụng vì không có tài sản thế chấp...

Trang trại Queen Farm của anh Tùng là nơi trải nghiệm và học tập của nhiều sinh viên muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Để giải quyết khó khăn này, vai trò của các tổ chức đứng đầu trong phát triển KTTT, HTX là rất quan trọng nhằm giúp các bạn trẻ, HTX tiếp cận được với các thông tin, chính sách hỗ trợ một cách kịp thời. Bên cạnh đó, máy móc, công nghệ để phát triển các chuỗi giá trị bền vững là rất lớn, số tiền đầu tư có thể là hàng tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng nên nếu không có sự chung sức của Nhà nước, các HTX khó có thể ứng dụng công nghệ, đầu tư nông nghiệp tuần hoàn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải xác định đóng gói hay định lượng cụ thể về mô hình canh tác của mình, quản lý chi phí chặt chẽ để tối ưu hóa nguồn lực, chứ không phải dàn trải. Và dĩ nhiên, theo xu thế hiện nay, việc chuyển đổi sản xuất xanh, kinh tế xanh cần phải lồng ghép vào mô hình hoạt động canh tác, sản xuất, dịch vụ, thương mại của mình, dù có thể mô hình ấy không nhất thiết phải đầu tư lớn, cồng kềnh.

Ngoài ra, tư duy trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp bền vững đa giá trị có vai trò cực kỳ quan trọng. Đôi khi nhiều nông dân có rất nhiều tiền, nhiều tiềm lực về tài chính nhưng ứng dụng tư duy chưa đúng hoặc thiếu kiến thức thì vẫn dẫn đến thất bại.

Bài: Thanh Xuân - đồ họa: Phạm Trường
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top