Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 9 năm 2023 | 10:13

Nỗi lo thiếu giáo viên ở tỉnh miền núi Hà Giang

Hơn 23 triệu học sinh, giáo viên từ mầm non đến THPT đã bước vào năm học mới. Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa..., đảm bảo cho năm học mới nhiều niềm vui, an toàn và thành công.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nơi đây vẫn trăn trở trước tình trạng thiếu giáo viên và chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập.

Thiếu gần 2.267 cán bộ, giáo viên

Hà Giang hiện có 817 cơ sở giáo dục, với hơn 1.900 điểm trường cùng 265.000 học sinh và số học sinh tăng nhanh qua từng năm. Nếu tính theo định mức, toàn tỉnh đang thiếu 2.267 cán bộ, giáo viên; trong đó, cấp học mầm non thiếu 955 người;  tiểu học thiếu 752 người; THCS thiếu 532 người; THPT, giảng viên, công chức thiếu 112 người.

Còn tính theo biên chế được giao, hiện thiếu 884 cán bộ, giáo viên… và tình trạng thiếu giáo viên đang xảy ra tại tất cả các huyện, thành phố, trong đó một số địa phương thiếu nhiều giáo viên theo định mức như: Mèo Vạc (thiếu 315 giáo viên), Đồng Văn (317 giáo viên), Yên Minh (524 giáo viên), Bắc Mê (148 giáo viên), Xín Mần (299 giáo viên).

Cô và trò điểm trường mầm non thôn Tả Ván, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Đối với các môn học, thiếu 269 giáo viên tiếng Anh, 103 giáo viên Toán, 99 giáo viên Ngữ văn, 182 giáo viên Tin học và công nghệ, 90 giáo viên Nghệ thuật. Các môn học khác thiếu từ 10 - 50 giáo viên. Mỗi trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập chỉ có 6 - 8 giáo viên, thiếu so với quy định. Đặc biệt, trong năm học 2022 - 2023, có 421 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bỏ việc, chuyển nghề, nghỉ trước tuổi, phổ biến tại các huyện Đồng Văn, Xín Mần, Mèo Vạc, Yên Minh.

Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học 1-5 thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) có 984 học sinh và 46 giáo viên. Để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và kế hoạch năm học, so với định biên, nhà trường thiếu 3 giáo viên. “Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa khắc phục được. Năm nay, nhà trường hợp đồng thời vụ 2 giáo viên, còn thiếu 1 giáo viên. Để đảm bảo nhiệm vụ năm học, các giáo viên trong trường phải luân phiên nhau tăng tiết, thêm giờ”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 - 5 Thái Thị Mai Loan cho biết.

Đâu là nguyên nhân?

Theo các nhà quản lý giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng hiện nay, trong đó phải kể đến chính sách thu hút, thu nhập của giáo viên không đủ hấp dẫn, áp lực cao khiến nhiều người bỏ việc...

Cùng với đó, Luật Giáo dục mới năm 2019 được áp dụng từ ngày 01/7/2022 quy định, yêu cầu trình độ giáo viên cao khiến cho nhiều giáo viên không đủ điều kiện nộp hồ sơ dẫn đến số lượng tuyển dụng không đủ.

Bên cạnh đó, khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các cấp học có thêm nhiều môn học mới: Tiểu học có thêm môn Tin học bắt buộc từ lớp 3, môn Hoạt động trải nghiệm. THCS có thêm môn Khoa học tự nhiên, nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp. THPT có thêm môn Âm nhạc, Mỹ thuật, nội dung giáo dục địa phương khiến cho nhiều giáo viên lâu nay đang dạy chương trình cũ không theo kịp chương trình mới, không thích hợp dạy các môn tích hợp, gia tăng áp lực khi phải soạn giáo án và tập huấn, đào tạo thêm các môn khác khiến giáo viên nản lòng, không mặn mà với nghề.

Có thể thấy, năm học 2023 - 2024 là năm yêu cầu đổi mới giáo dục đi vào chiều sâu, đổi mới từng môn học, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Ngành Giáo dục cũng triển khai thử nghiệm Chương trình Giáo dục mầm non mới. Bởi vậy, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là một trong các giải pháp cấp thiết, quan trọng, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay, trong đó cần xây dựng chính sách ưu đãi về tiền lương, tuyển dụng đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới để họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài cho ngành Giáo dục và sự phát triển bền vững của địa phương.

Cần giải pháp lâu dài

Tỉnh Hà Giang đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuẩn về trình độ, có năng lực chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với nghề; tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến trường và vào học THPT, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học.

Học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Thanh Thủy (Vị Xuyên) trong năm học mới 2023 - 2024. Ảnh: Biện Luân.

Trong phiên thảo luận tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo được tỉnh Hà Giang tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến vào các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được nêu trong đề án, trong đó tập trung chính vào vấn đề đổi mới tổ chức dạy và học theo hướng thực chất; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo đủ số lượng, có chất lượng; củng cố sắp xếp phát triển mạng lưới trường, lớp, cải thiện cơ sở vật chất; xây dựng cơ chế, chính sách, bổ sung nguồn lực thực hiện. Nhu cầu để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực giáo dục trong giai đoạn 2023-2030 là hơn 700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, thẳng thắn đánh giá, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục.

Do đó, phải tăng cường công tác xây dựng Đảng và vai trò của cấp ủy trong các cơ sở giáo dục. Gắn kết chặt chẽ giữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với quản lý chuyên môn của ngành Giáo dục và đối với các cơ sở giáo dục. Gắn kết quả hoàn thành các chỉ tiêu giáo dục với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế giáo viên. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Về lâu dài, Bộ GD&ĐT đang tập trung hướng tới việc củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của giáo viên; ổn định cuộc sống giáo viên.

Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức giáo viên/lớp; Thí điểm cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Tiếp tục, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về chế độ chính sách đối với nhà giáo để thu hút nhân sự; Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học; Chuẩn bị đủ nguồn tuyển giáo viên…

Cùng với đó, nghiên cứu hoặc xây dựng, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để điều hành, khuyến khích việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Phát triển, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát, điều tiết cơ cấu giáo viên, từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Đánh giá và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Nâng cao năng lực tham mưu của ngành giáo dục với cấp ủy, chính quyền các cấp để nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị trường học.

Các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên phải xác định đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là phương châm cốt lõi của quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Xóa bỏ bệnh thành tích, thực hiện việc đánh giá chất lượng thực chất ở tất cả các cấp học. Tổ chức các kỳ kiểm tra, thi, đánh giá khảo sát chất lượng giáo dục. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục ở tỉnh vùng cao Hà Giang là việc làm khó, do đó, các cấp, các ngành cần quyết tâm chính trị cao và huy động cả hệ thống chính trị, Nhân dân vào cuộc.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top