Nằm ở vị trí chiến lược, có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp vì vậy, người dân huyện Đắk Tô (Kon Tum) đã đẩy mạnh chăn nuôi bò và trồng mắc ca. Sau nhiều năm bền bỉ phấn đấu, bà con đã làm giàu chính đáng cho gia đình, làng bản.
Thu lãi cao
Anh Nguyễn Đình Cương, Trưởng thôn 5 (xã Tân Cảnh), cho biết: “Gia đình có 1ha mắc ca trồng xen trong cà phê. Hiện mắc ca đã 4 tuổi, đang cho quả bói, dự kiến năm nay thu 3 - 4 tấn quả xanh; thời điểm này, giá bán khoảng 80.000 đồng/kg. Chủ yếu bán cho các đại lý thu mua trên địa bàn vùng biên giới Tân Cảnh và bà con 2 huyện, Đắk Hà và Đắk Tô”.
Theo anh Cương, mắc ca đang là mặt hàng thu mua dễ và giá cao; mức giá này cũng ổn định mấy năm nay. Với 3ha cà phê của gia đình, mỗi năm thu 10 tấn, giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, doanh thu 400 triệu đồng. Trong khi cũng diện tích này, nếu trồng mắc ca, dự kiến 1 tấn thu được khoảng 80 triệu đồng, tổng thu 800 triệu đồng.
Mắc ca trĩu quả trên đồi.
Tương tự, anh Vũ Văn Ngữ (thôn 5, xã Tân Cảnh) có 9ha mắc ca, đang thu trái bói, đạt 10 tấn quả xanh/vụ. Dự kiến, sau kỳ thu bói, theo cấp số nhân, mỗi cây sẽ đạt 30-40kg, tương đương 90 tấn quả xanh/vụ, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí chăm sóc cây mắc ca không đáng kể, không cần phải tưới nước, chăm sóc nhiều như cà phê, vì nó là cây rừng. Chỉ cần phát cỏ dại, mỗi năm 2-3 lần, chi phí mỗi lần phát cỏ khoảng 3-5 triệu đồng/ha; cộng với nước tưới 2 lần/năm khi nắng nóng, tổng chi phí 3 đợt/năm khoảng 15 triệu đồng.
Đến mùa thu hoạch, còn phải chi phí công thu hái, mỗi ngày 1 người có thể hái 3-4 tạ, bình quân 200.000 đồng/cây. Ngoài ra, còn phải phun thuốc trừ sâu, làm cỏ khi cây còn bé, nhưng không đáng kể, vì đây là cây rừng. Nếu hạch toán kỹ, mắc ca hiện đứng “đầu bảng” về thu nhập ở Tây Nguyên và những vùng tương tự như Tây Nguyên.
Giả sử sau này khi đã “bão hoà”, mắc ca hạ giá, chỉ còn 20.000 đồng/kg vỏ xanh, vẫn có lãi, bởi chi phí đầu tư mắc ca thấp.
Cũng như bà con trồng mắc ca, gia đình chị Y Ma Ri và chị Y Nang Vươn là những hộ nuôi bò giỏi của xã, chúng tôi thấy mỗi hộ có 5 con bò. Giá bình quân 1 con bò giống 29 triệu đồng, tháng 6/2022, bò mẹ của 2 hộ đẻ 2 con bê, giá 1 bê con khoảng 10 triệu đồng.
Điều kiện chăn nuôi khá thuận lợi, có thể thả trên đồi trống, hoặc trồng cỏ để nuôi bò. Có người may mắn mua được con bò đang mang thai, mua tháng 6, tháng 10 đã sinh bê. Từ thực tế trên, chị Y Lại (thôn Đắk Ri Peng 2) mạnh dạn vay 100 triệu đồng mua 5 con bò, nay sinh thêm 1 con bê; 2 bò mẹ đang mang thai. Các chị em khác cũng cho biết, họ đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, nếu vay 50 triệu đồng, có thể mua được 2- 3con bê, hoặc bò.
Việc nuôi trâu, bò ở Tân Cảnh rất thuận tiện, do bà con đi làm rẫy, có thể kết hợp chăn thả trên đồi. Tuy vậy, bà con vẫn làm chuồng, tích trữ cỏ khô, để phòng khi mưa gió. Hội Phụ nữ vận động chị em sau khi gặt lúa thì ủ rơm, chất đống thành cây, để bảo quản tốt, chủ động thức ăn cho bò vào mùa khô.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Xoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Cảnh, cho biết: “Tuy mô hình mới triển khai, nhưng đã có 7 hộ nuôi 33 con bò (trong đó có cả bê). Nguồn thức ăn cho bò khá phong phú, vì nhà nào cũng có nương rẫy; hàng ngày, bà con lên nương trồng mì, cà phê, cao su, kết hợp chăn thả trâu, bò. Giá 1 con bê ở thời điểm hiện tại khoảng 10 triệu đồng; chưa kể chăn nuôi còn tận dụng được nguồn phân bón. Nhà nào không có nương rẫy thì bán phân trâu, bò với giá 50.000 đồng/bao (30 - 40kg) phân đã ủ hoai mục. Bà con người Kinh thì bán phân theo khối”.
Hỗ trợ bà con trên nương, rẫy
Nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, huyện Đắk Tô có diện tích tự nhiên 50.870,31 ha, trong đó, đất nông nghiệp 44.745,1 ha. Đặc biệt, nhờ có Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đi qua, và cửa khẩu Quốc tế Bờ Y 40km, nên dễ dàng trong việc lưu thông hàng hoá, các sản phẩm nông nghiệp. Nhất là, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây như: cao su, cà phê, sắn; dược liệu; cây ăn quả và cây mắc ca.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thành Thọ, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đắk Tô, cho biết: “Địa phương đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ví như: Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo “Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Mặt khác, để thực tiễn đi vào cuộc sống, Đắk Tô đã giúp bà con cải tạo vườn tạp. Hỗ trợ không quá 250 ha/5 năm. Bình quân mỗi năm thực hiện khoảng 50ha cây ăn quả, được quy đổi ra diện tích trồng thuần (tương ứng 800 hộ/năm và khoảng 20 cây/hộ).
Chị Xoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ Tân Cảnh thăm đàn bò của bà con.
Qua đó, khuyến khích bà con chú trọng khâu chế biến, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường. Xây dựng vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, Đắk Tô hình thành một số vùng liên kết sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: nếp cái hoa vàng, chuối, chanh dây, cà phê, cây dược liệu. Nhờ vậy, thu nhập hàng năm được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Song, Đắk Tô vẫn còn nhiều việc phải làm, ví như: chưa khai thác, sử dụng triệt để nguồn lực đất đai; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Đặc biệt, chưa liên kết sản xuất theo vùng, theo định hướng của Nhà nước. Trình độ sản xuất còn hạn chế, nhất là vùng đồng bào DTTS, dẫn đến sản lượng, chất lượng nông sản hiệu quả thấp. Các loại nông sản chủ lực của huyện còn yếu ở khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đắk Tô có thế mạnh chăn nuôi, song, ngành này vẫn chưa phát triển như mong muốn.
Hy vọng, nhận thức rõ ưu, nhược điểm, Đắk Tô sẽ sớm trở thành địa phương giàu mạnh ở vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.