Để kiếm sống, anh Trần Quý Bảo ở xã Đức Thành (Yên Thành - Nghệ An) đã lăn lộn đủ nghề để kiếm sống nhưng không thành anh đã về quê nuôi ốc nhồi. Không ngờ, đây là hướng đi đúng đắn, hiện, anh đang sản xuất ốc sạch để hướng tới xuất khẩu.
Ốc nhồi thích hợp đồng trũng
Anh Trần Quý Bảo, xã Đức Thành, huỵện Yên Thành (Nghệ An), cho biết, trước đây, vào những năm 2005-2018 anh đã làm nhiều nghề để kiếm sồng như: mở quán cà phê vườn, đi Quỳ Châu mua nứa về làm ống trúm để thả lươn và bán lại cho dân, sang nước bạn Lào làm ở mỏ đá xuất khẩu, nhưng bị vỡ nợ. Năm 2018, anh phải quay về nhà sau khi đã mất hơn 1 tỷ đồng.
Đầu tiên, anh Bảo thuê trang trại nuôi cá, và đầu tư một số tiền khá lớn, hơn 120 triệu đồng, nhưng thu về quá thấp: 150 triệu đồng/6 tháng. Thấy không có lãi, anh Bảo lại xoay sang hướng khác. Sau khi tìm hiểu, thấy trong xã lúc này có hộ dân đang nuôi ốc nhồi quảng canh, không chuyên tâm đầu tư, chỉ nuôi chơi, nhưng hàng năm vẫn thu về hàng trăm triệu đồng.
Anh Bảo đang kiểm tra ốc giống.
Từ thông tin trên, anh Bảo đã lên mạng internet tìm hiểu nghề nuôi ốc, và thấy ở tỉnh Tuyên Quang có hộ nuôi ốc nhồi rất thành công. Anh Bảo đã vay 14 triệu đồng (lãi 2.000 đồng/1 triệu/ngày) để mua ốc giống; với số tiền này, anh Bảo đã mua được 2 vạn ốc giống. Đầu năm 2019, bắt đầu nuôi khảo nghiệm, không ngờ, anh Bảo đã thành công, số phận đã mỉm cười với anh từ đây.
Tiếp đà thắng lợi, anh Bảo mua thêm 1 tạ ốc bố mẹ (10 triệu đồng), để làm ốc giống. Vận may lại tiếp tục đến, năm đầu tiên, anh đã thu được 4 tấn ốc thương phẩm, trị giá 280 triệu đồng, trừ chi phí 1/3, còn lại là lãi ròng.
Từ năm 2020 đến nay, nhờ sự vào cuộc tích cực của báo chí, trong việc giới thiệu sản phẩm cho nhà nông, anh Bảo đã bán được rất nhiều ốc giống (chỉ riêng năm này, đã bán được 1 tỷ đồng tiền ốc giống). Tuy nhiên, ốc thương phẩm lại thất bại, do chưa có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc; chưa có thuốc đặc trị chữa bệnh cho ốc, kỹ thuật nuôi ốc nhồi cũng chưa nắm vững.
Anh Bảo kiểm tra trứng ốc.
Rất may, năm 2021, anh Bảo đã tìm được thuốc đặc trị, chữa các bệnh nan y cho ốc nhồi như: sưng vòi, nhiễm khuẩn, bệnh đường ruột, và học hỏi thêm được nhiều kỹ thuật chăm sóc ốc. Nhờ vậy, đã đạt được 6 tấn ốc thương phẩm (chưa kể, bị lũ lụt trôi mất 4 tấn), và may mắn, vẫn còn lại 1 tấn ốc bố mẹ.
Đáng ghi nhận, từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình đã bán được trên 4 triệu tiền ốc giống, với giá bình quân 250 đồng/con. Đồng thời, ốc thương phẩm cũng được mở rộng, phủ kín cả 20 ao. Hiện, tính đến thời điểm này, đã bán được 6 tấn ốc thương phẩm, và trong ao, vẫn đang còn 10 tấn.
“Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, sẽ tiêu thụ hết. Đồng nghĩa với việc, trong năm nay, gia đình sẽ thu cả 2 loại (ốc giống và thương phẩm), khoảng 2,2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi ròng 1,2 tỷ đồng.
Chưa kể, quanh bờ ao, gia đình còn trồng 200 cây dừa xiêm lùn, vừa để lấy bóng mát che cho ốc, vừa thu hoạch quả. Dự kiến, từ năm 2024 trở đi, riêng tiền dừa, sẽ thu mỗi năm 100-200 triệu đồng” - anh Bảo cho biết thêm.
Mặt khác, anh Bảo cũng đang tích cực đi tìm đối tác để xuất khẩu. Vì vậy, anh rất muốn nối vòng tay lớn, để giới thiệu ốc sạch Yên Thành đến với bạn bè trong và ngoài nước, với giá cả hợp lý.
Nhân rộng mô hình
Ông Hoàng Khắc Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Đức Thành, cho biết: “Mô hình nuôi ốc bươu, cá lóc và cua đồng đang phát triển khá mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao, trên nền đất khó canh tác nông nghiệp của địa phương. Hiện, sản phẩm ốc bươu của Đức Thành đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, giá trị thu nhập đạt 1,4 tỷ đồng/ha/năm. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã đã đạt: 26,1ha; sản lượng đạt 90 tấn; giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt 6,843 tỷ đồng.
Vì vậy, địa phương đang nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu, cua đồng và cá lóc trên nền đất canh tác nông nghiệp ít hiệu quả, giữ vững sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Ngoài ra, Đức Thành đang nỗ lực xây dựng 2-3 nhà vườn đạt chuẩn NTM trong thời gian ngắn nhất”.
Anh Nguyễn Văn Dương, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, cho biết: “Diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 1.660ha, sản lượng 8.469,6 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 5.656,3 tấn. Sản lượng khai thác nội địa 2.818,3 tấn, sản lượng thuỷ sản khác: ốc bươu đen, ba ba, ếch và lươn, ước đạt 46,8 tấn. Khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có, để nuôi thả thuỷ sản tốt. Chăn nuôi tăng trưởng ổn định, nhất là các con đặc sản như ốc bươu đen, ếch, baba, lươn...
Giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt 192,6 tỷ đồng, tăng 1,86% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.660ha, sản lượng đạt 8.469,6 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5.656,3 tấn. Sản lượng khai thác nội địa 2.818,3 tấn, sản lượng thuỷ sản khác (ốc bươu đen, ba ba, ếch và lươn) ước đạt 46,8 tấn. Khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có để nuôi, thả cá, xây dựng cơ chế phù hợp, khuyến khích dân đầu tư vốn vào nuôi trồng thủy sản. Hiện, ốc bươu đen đã được xây dựng tem truy xuất nguồn gốc.
Trong năm 2021 có thêm 9 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh (trong đó có 1 sản phẩm được nâng hạng), nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh của huyện lên 14 sản phẩm, đạt 3 sao năm 2019, trong đó có ốc bươu đen của Tổ hợp tác Đức Thành xã Đức Thành”.
Mặt khác, cũng theo ông Dương, địa phương đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Mở rộng liên kết sản xuất, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất,... Chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi; tăng năng suất, chất lượng, giá trị các loại nông sản, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo đó, chỉ tiêu năm 2022 của Đức Thành, tăng tốc độ ngành nông lâm thủy sản: 3 - 4%. Đầu tư thâm canh thuỷ sản, mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao, trong đó, nuôi trồng 5.712 tấn, thủy sản khác 2.771 tấn. Rà soát, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển, đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhất là các loài thủy sản đặc sản nội địa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.