Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 3 năm 2023 | 10:4

Phụ nữ làm giàu từ mô hình kinh tế VAC

Những năm gần đây, phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC đã và đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với hội viên Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Từ làm kinh tế VAC, kinh tế vườn, nhiều phụ nữ đã vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Làm VAC bằng niềm đam mê

Theo lời giới thiệu của chị Tạ Thị Tần, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Thành (Yên Thành), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế VAC  của chị Hồ Thị Nguyệt ở xóm Tây Bắc Mã, một trong những tấm gương tiêu biểu người phụ nữ đảm đang, vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tại nhà chị Nguyệt, qua tâm sự được biết, chị sinh ra và lớn lên trong gia đình ở vùng quê thuần nông; năm 2002 chị kết hôn với anh Trần Hoàng Tuần. Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Tài sản chẳng có gì ngoài mảnh đất do bố mẹ để lại, suốt ngày quanh quẩn với cây ngô, cây lúa. Rồi những đứa con của anh chị lần lượt chào đời, chị luôn trăn trở: “Phải làm gì đây để có điều kiện chăm lo cho con cái học hành, gia đình bớt đi cảnh nghèo khó?”.

Hội Nông dân huyện tham quan khảo sát xây dựng vườn chuẩn NTM.

Với mong muốn thoát nghèo vươn lên làm giàu cộng bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, sau khi tìm tòi trên sách vở, báo mạng, các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, của các tổ chức hội nghề nghiệp trên địa bàn, chị đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Qua tìm hiểu, nhận thấy giống mít Thái chịu hạn tốt, năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu và được thị trường ưa chuộng, chị bàn với chồng gom góp số tiền dành dụm được đầu tư trồng mít Thái, ổi và chăn nuôi. Trên diện tích hơn 1ha vườn sẵn có, vợ chồng chị tập trung chăm sóc mít Thái, ổi; đào ao, xây bể nuôi ếch, lươn rồi chăn nuôi thêm lợn, gà… Nhờ đó, gia đình chị nhanh chóng vượt qua khó khăn, từ đó vươn lên khá rồi giàu.

Đưa chúng tôi tham quan mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, chị Nguyệt phấn khởi kể về thành quả lao động sau hơn 10 năm. Nhờ kết hợp cả trồng trọt và chăn nuôi, đến nay, gia đình chị có khoảng 40 con lợn; gần 150 con gà, 1ha cây ăn quả các loại và 5 bể  nuôi ếch, lươn, chạch.

Chị Nguyệt chia sẻ: Do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên những năm đầu, việc chăn nuôi đạt chất lượng không đồng đều, không thu được lãi là mấy, có khi chỉ hòa vốn. Nhưng với sự kiên trì, không sợ khó khăn, chị  không nản chí, thường xuyên động viên và cùng chồng nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, tham khảo thêm các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi do Hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Hội Làm vườn giới thiệu, tuyên truyền. Qua nhiều năm,  mô hình chăn nuôi của gia đình chị phát triển khá mạnh, với 5 bể xây và 1 ao thả nuôi lươn, ếch, chạch, xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn ếch, lươn, thu về 60 -70 triệu đồng/năm.

Hiện tại, với 1ha trồng cây ăn quả, mang lại thu nhập cho gia đình chị 30 - 40 triệu/năm. Đối với chăn nuôi gà, lợn, ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, trừ  chi phí, chị Nguyệt thu trên 60 triệu đồng/năm. Cũng chính từ nguồn thu nhập ổn định này, gia đình chị Nguyệt đã xây nhà cửa khang trang, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt, con cái có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn.

Ngắm nhìn vườn cây trĩu quả, chị chia sẻ trong niềm vui và hạnh phúc: Có được thành quả này là do sự phấn đấu lao động miệt mài của hai vợ chồng, đồng sức, đồng lòng cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái, xây dựng gia đình bền vững, ấm no, hạnh phúc. Giờ đây, với vợ chồng anh chị, làm nông nghiệp không chỉ là công việc mà là niềm đam mê, lao động không cảm thấy mệt, mà ngược lại làm cho mình cảm thấy vui, khỏe và cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

Vườn cây ăn quả mang lại thu nhập cho gia đình chị  Nguyệt 30 - 40 triệu đồng/ năm.

Gia đình nhà sạch, vườn đẹp

Hiệu quả kinh tế từ mô hình kinh tế VAC của gia đình chị Hồ Thị Nguyệt, xã Tiến Thành đã khảo sát và chọn làm điểm xây dựng mô hình vườn chuẩn NTM.

Ông Tạ Quốc Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Thành, cho biết: “Qua khảo sát đảm bảo theo tiêu chí vườn chuẩn nông thôn mới, chúng tôi đã động viên gia đình chị Hồ Thị Nguyệt xây dựng theo hướng này. Thời gian tới, Hội nông dân, Hội Làm vườn phối hợp với UBND xã Tiến Thành sẽ tiếp tục hướng dẫn gia đình xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới và khảo sát nếu đạt sẽ đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ một phần kinh phí theo quy định để vườn đạt chuẩn nông thôn mới, cũng như khuyến khích hộ nông dân phát triển kinh tế theo hướng này”.

Gia đình chị Nguyệt thả nuôi hơn 5 vạn chạch trong 5 bể.

Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Nguyệt còn chăm lo, tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Dù tất bật với công việc gia đình, thế nhưng, chị vẫn luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương và phong trào do Hội Phụ nữ tổ chức. Gia đình chị liên tục được nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Đặc biệt, năm 2022, gia đình chị vinh dự được Hội Phụ nữ huyện Yên Thành công nhận là Gia đình nhà sạch, vườn đẹp.

Chị Hồ Thị Nguyệt là một trong những gương phụ nữ điển hình với tinh thần cần cù, sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất. Thành quả đạt được hôm nay của gia đình chị Nguyệt thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top