Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 18 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 5 năm 2024 | 14:53

Quảng Nam: Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm kéo dài, ảnh hướng đến người chăn nuôi

Thời gian qua, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc và gia cầm gây hại kéo dài tại nhiều địa phương của Quảng Nam, ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi.

Dịch bệnh kéo dài

Ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho biết, từ ngày 26/2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương của huyện.

Thống kê tại 20 thôn của 6 xã Bình Giang, Bình Lãnh, Bình Tú, Bình Định Nam, Bình Chánh, Bình Định Bắc có tổng cộng 423 con heo của 245 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh, chết phải tiêu hủy bắt buộc.

Tính đến ngày 20/5, trên địa bàn huyện còn 2 xã bị dịch tả lợn châu Phi gây hại chưa qua 21 ngày là Bình Giang và Bình Tú.

Phun khử khuẩn chuồng bò trước khi nhập chuồng.

Phun khử khuẩn chuồng bò trước khi nhập chuồng.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, những tháng đầu năm 2024, bệnh lở mồm long móng xuất hiện ở 2 thôn Phước Bình và Bình An của xã Sơn Viên làm 66 con bò nhiễm bệnh, trong đó có 2 con bị chết phải tiêu hủy bắt buộc.

Đối với bệnh viêm da nổi cục, vi rút gây bệnh xuất hiện tại các thôn Bình Yên, Xuân Hòa (xã Phước Ninh) và Tứ Trung, Phước Hội (xã Quế Lâm) của huyện Nông Sơn khiến 5 con bò nhiễm dịch, trong đó có 1 con bị chết phải tiêu hủy bắt buộc.

Tại Hiệp Đức, từ đầu tháng 1/2024 đến nay dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 3 thôn, khối phố của 2 xã Quế Thọ, Bình Sơn và thị trấn Tân Bình. Tổng số heo mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc là 88 con. Bệnh viêm da nổi cục cũng xuất hiện tại 3 hộ chăn nuôi ở 3 thôn của 3 xã Thăng Phước, Hiệp Thuận, Bình Lâm khiến 3 con bò bị nhiễm dịch...

Mới đây, tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023 - 2024, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh xảy ra 21 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 21 xã thuộc 7 huyện gồm Hiệp Đức, Bắc Trà My, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang. Tổng số heo mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc là 789 con với trọng lượng hơn 54,4 tấn hơi.

Cạnh đó, bệnh lở mồm long móng xảy ra 11 ổ dịch ở 11 xã, phường của 5 huyện, thành phố gồm Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Đông Giang, Hội An. Tổng số gia súc mắc bệnh là 304 con (284 con bò, 19 con trâu, 1 con heo), trong đó có 2 con bò bị chết phải tiêu hủy bắt buộc.

Ngoài ra, bệnh viêm da nổi cục xảy ra 25 ổ dịch ở 25 xã, phường thuộc 6 huyện, thành phố gồm Nông Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ. Tổng số gia súc mắc bệnh là 105 con bò, trong đó có 4 con chết phải tiêu hủy bắt buộc…

Cần xác định rõ nguyên nhân

Thực tế nhiều năm nay cho thấy, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này tại nhiều địa phương của Quảng Nam thời gian qua đạt kết quả thấp, thậm chí một số nơi thả nổi.

Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên thông tin, tính đến thời điểm này tổng đàn gia súc của Duy Xuyên là 57.000 con (gồm 3.000 con trâu, 17.000 con bò, 37.000 con heo), giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023; còn tổng đàn gia cầm là 710.000 con các loại, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian qua, mặc dù UBND huyện và ngành nông nghiệp huyện liên tục chỉ đạo, đôn đốc nhưng việc triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trong đợt 1 năm 2024 ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp.

Trong tổng đàn gia súc và gia cầm nêu trên, đến nay mới có khoảng 55 - 60% được chích ngừa các loại vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, yêu cầu UBND tỉnh đặt ra là phải đảm bảo tỷ lệ đàn vật nuôi được chích ngừa vắc xin đạt từ 80% trở lên.

Vệ sinh trại heo phòng chống các bệnh dịch lây nhiễm cao.

Vệ sinh trại heo phòng chống các bệnh dịch lây nhiễm cao.

“Kết quả tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi ở Duy Xuyên chưa bảo đảm đáp ứng miễn dịch cho tổng đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, các địa phương của huyện đang tiếp tục tiêm phòng bổ sung để đảm bảo an toàn dịch bệnh” - ông Công nói.

Ông Nguyễn Văn Lanh thì cho hay, hiện nay tổng đàn gia súc của huyện Nông Sơn là 15.065 con, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 1.620 con trâu, 6.305 con bò, 6.820 con heo, 320 con dê.

Còn tổng đàn gia cầm là 102.050 con (tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái), gồm: 85.500 con gà, 13.000 con vịt, 3.200 con ngan, 350 con ngỗng. Thời gian qua đàn vật nuôi của Nông Sơn được tiêm phòng các loại vắc xin trong đợt 1 năm 2024 đạt tỷ lệ thấp.

Đáng chú ý là, toàn huyện có 2.600 con trâu và bò được chích vắc xin lở mồm long móng, đạt tỷ lệ 53,3%; 330 con trâu và bò được tiêm vắc xin viêm da nổi cục, đạt tỷ lệ 6,8%; 380 con heo được tiêm vắc xin dịch tả lợn, đạt tỷ lệ 7,8%...

Theo tìm hiểu, hiện nay tổng đàn gia súc của Quảng Nam khoảng 556.800 con; trong đó đàn trâu 56.600 con, đàn bò 178.900 con, đàn heo 321.300 con. Tổng đàn gia cầm khoảng 8.250.000 con, trong đó riêng đàn gà là 6.820.000 con.

Còn ông Trương Xuân Tý nhìn nhận, trong những tháng đầu năm 2024, một số loại dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh trên đàn vật nuôi ở nhiều địa phương của tỉnh và có biểu hiện lây lan nhanh. Thế nhưng, tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc trong đợt 1 năm 2024 diễn ra khá chậm. Trong khi đó, đàn gia cầm hầu hết không được chích ngừa vắc xin phòng bệnh.

Ngoài ra, chăn nuôi theo quy mô nông hộ chiếm đa số nhưng chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh... cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh kéo dài.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top