Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024 | 9:57

Quảng Ngãi đa dạng hình thức tuyên truyền giảm nghèo về thông tin

Sáng nay (27/11), Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá công tác giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi Trần Thanh Trường cho biết: Trong công tác giảm nghèo, hoạt động thông tin, truyền thông được xác định có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ, mà còn giúp người nghèo nắm được chủ trương, chính sách và học hỏi các gương điển hình, các mô hình, từ đó áp dụng để vươn lên thoát nghèo.

Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi Trần Thanh Trường phát biểu khai mạc Hội nghị.

Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi Trần Thanh Trường phát biểu khai mạc Hội nghị.

Với mục tiêu triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiếp tục tăng cường hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, Sở TT&TT tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá công tác giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQGGN bền vững giai đoạn 2022-2025 để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã triển khai thực hiện về công tác truyền thông giảm nghèo trong 3 năm qua và tìm giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian đến.

Ngoài việc tăng cường, đa dạng hóa hình thức truyền thông về giảm nghèo trên các phương tiện truyền thông, thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nên cơ sở vật chất, trang thiết bị đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông được tập trung củng cố, nâng cấp, đầu tư; đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở từng bước được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Những kết quả truyền thông giảm nghèo về thông tin

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Ngãi  đã tổ chức 11 Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho 2.175 cán bộ thông tin và truyền thông. Xây dựng 99 chuyên mục phát thanh, 44 chuyên mục truyền hình tuyên truyền giảm nghèo bền vững phát trên kênh phát thanh và truyền hình, nội dung tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, các mô hình, dự án giảm nghèo có hiệu quả.  Tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, các mô hình, dự án giảm nghèo, với số lượng 65 chuyên trang trên báo điện tử. Thiết lập mới 102 hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, cho 21 xã và 01 huyện đảo Lý Sơn.

Về nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông, Sở TT&TT tổ chức 3 Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho 600 cán bộ thông tin và truyền thông.

Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 26 chuyên mục phát thanh, 11 chuyên mục truyền hình tuyên truyền giảm nghèo bền vững phát trên kênh phát thanh và truyền hình, nội dung tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, các mô hình, dự án giảm nghèo có hiệu quả. 

Phối hợp với Báo Quảng Ngãi tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, các mô hình, dự án giảm nghèo, với số lượng 27 chuyên trang trên báo in và mua báo 27 kỳ cấp phát về cơ sở. 

Sở TT&TT đã lắp đặt 75 cụm loa cho huyện Lý Sơn và 12 xã khó khăn để từng bước chuyển đổi mô hình đài truyền thanh (hữu tuyến/FM) qua truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.

Xuất bản 5.500 tờ gấp hướng dẫn thực hiện triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cấp cho cán bộ làm công tác truyền thông giảm nghèo cấp huyện, xã, thôn; tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Phú Yên; tỉnh Hà Giang và một số tỉnh phía Nam; Thiết kế và đăng tải Infographics về tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 để hướng dẫn thực hiện triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cấp cho cán bộ làm công tác truyền thông giảm nghèo cấp huyện, xã, thôn…

Trung bình mỗi năm, trên hai ấn phẩm báo in và báo điện tử của Báo Quảng Ngãi đã đăng trên 500 tin, bài, ảnh liên quan đến công tác giảm nghèo của tỉnh. Trong năm 2024, trung bình mỗi tháng bố trí từ 6-10 kỳ, tuyên truyền liên quan về công tá giảm nghèo của các đơn vị, địa phương. Ngoài ra, Báo Quảng Ngãi còn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xuất bản phụ trương Giảm nghèo bền vững (04 trang/tháng).

Đài đã phối hợp với Sở TT&TT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã SX, phát sóng 108 phóng sự ngắn trong các chương trình thời sự, 01 chương trình truyền hình thực tế Chuyến xe hướng nghiệp, 02 chương trình truyền hình trực tiếp Tư vấn nghề nghiệp, 12 chuyên mục Giảm nghèo bền vững, 13 chuyên mục Lao động và Việc làm trên kênh phát thanh, 15 Bản tin Lao động và Việc làm trên kênh truyền hình và 01 chương trình truyền hình trực tiếp truyền thông chính sách về Giảm nghèo ở các huyện miền núi Quảng Ngãi. Hàng năm, Đài cũng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh SX, phát sóng bình quân 26 phóng sự ngắn/năm….

Huyện Nghĩa Hành đổi mới công tác phối hợp truyền thông

Tham luận tại Hội gnhị, bà Vũ Thị Kim Loan, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nghĩa Hành chia sẻ về “Cách tiếp cận và đổi mới công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí, để phổ biến nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững tại địa phương”.

Một số hình ảnh về mô hình giảm nghèo ở huyện Nghĩa Hành được các cơ quan báo chí tuyên truyền.

Một số hình ảnh về mô hình giảm nghèo ở huyện Nghĩa Hành được các cơ quan báo chí tuyên truyền.

Theo bà Vũ Thị Kim Loan, địa phương cũng đã xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về các mô hình giảm nghèo bền vững tại huyện. Thông qua các đợt khảo sát về địa phương, nhận thấy người dân nắm bắt thông tin về các chủ trương, chính sách, các mô hình, các gương điển hình tại huyện rất nhiều…

Từ năm 2022 đến nay, qua 3 năm thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo về thông tin nói riêng, trên địa bàn huyện đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các báo như Kinh Tế và Đô thị, Báo văn hoá, Báo Du lịch… truyền thông bằng nhiều hình thức như báo in, báo điện tử, thông qua các trang Fb, Zalo… để giới thiệu về các mô hình này.

Nhìn chung, nhờ sự phối hợp tốt giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự chỉ đạo hướng dẫn tuyên truyền kịp thời nên công tác giảm nghèo về thông tin thời gian qua được triển khai có hiệu quả phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về giảm nghèo, các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo cũng đã được triển khai với nhiều hình thức, mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua tuyên truyền đã động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, SX, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. 

Công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu dự án 1 Dự án 6 và Dự án 7 về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cơ bản đúng tiến độ, đạt chất lượng. Công tác truyền thông về giảm nghèo đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, chú trọng và đã triển khai tuyên truyền rộng khắp. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo của UBND huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan kịp thời; công tác báo cáo, phối hợp thực hiện của các đơn vị triển khai đúng tiến độ.

Việc tăng cường đầu tư các đài truyền thanh cấp xã đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở. Từng bước, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ TT&TT, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển hài hoà giữa kinh tế và an sinh xã hội.

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và sự vào cuộc tích cực của địa phương, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đài truyền thanh cơ sở được tập trung củng cố, nâng cấp, đầu tư; đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở từng bước được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã có đài truyền thanh, trong đó nhiều đài đã được đầu tư mới với trang thiết bị và công nghệ hiện đại.

Giải pháp triển khai trong thời gian tới

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường cho biết các giải pháp triển khai trong thời gian tới: Đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên nền tảng số, sử dụng đa dạng kênh truyền thông về giảm nghèo thông tin, từ đó đưa thông điệp truyền thông đến đa số các đối tượng trong xã hội, giúp cộng đồng tiếp cận thông tin nhanh hơn.

Tạo các kênh truyền thông hai chiều, đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước và tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về việc thực hiện Chương trình;

Thường xuyên cập nhật các nội dung thông tin về Chương trình và chính sách giảm nghèo trên trang Thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương.

Tăng cường việc phối hợp với các cấp, ngành, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo thông tin đối với các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để các đơn vị kịp thời tổ chức công tác truyền thông hiệu quả những mô hình, cá nhân điển hình về thực hiện tốt công tác giảm nghèo về thông tin.

Tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, đề xuất thiết lập Đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông của từng huyện, thị xã, thành phố.

Đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin. Hướng dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, góp phần đảm bảo các cụm loa truyền thanh hoạt động thường xuyên tại các thôn, tổ dân phố phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền về giảm nghèo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác phát thanh, truyền thanh.  

Phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục về giảm nghèo; tăng cường các tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình thực hiện giảm nghèo trên các lĩnh vực, những kinh nghiệm trong sản xuất; thông tin biểu dương, khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu…

Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng (điểm Bưu điện văn hóa xã) phục vụ tiếp cận thông tin của Nhân dân ở các xã có vùng điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, huyện đảo.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình tại địa phương để đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số của tỉnh…

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top