Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 6 năm 2023 | 10:36

Quê hương đổi thay

Kỷ niệm 112 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2023): Tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Cách đây 112 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng.

Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ thiếu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn trở thành nơi đáng sống, đời sống người dân ngày càng được nâng cao... 

Đổi thay ở quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa

Vùng căn cứ kháng chiến của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)  trước năm 1975 là vùng đất “bom cày đạn xới”, không có chỗ nào là không có dấu vết của sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn, cực khổ trăm bề… Thế nhưng, giờ đây, bằng nội lực của chính mình và sự đồng hành, hỗ trợ của cấp trên, vùng đất này đã thay da đổi thịt, đời sống nhân dân được nâng cao.

Đáng nói hơn, từ vùng “đất chết”, nay xã Hòa Tú 1 đã là xã nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu…

Thay đổi đến ngỡ ngàng

Về Hòa Tú 1, ông Mã Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã giới thiệu: Hòa Tú 1 là xã vùng căn cứ kháng chiến, quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa (ngày 23/11/1040), là vùng đất 6 tháng mặn – ngọt thay nhau, đời sống nhân dân vất vả, khó khăn nhưng giờ đây đã thay đổi đến ngỡ ngàng khi thực hiện thành công mô hình sản xuất tôm-lúa, đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 9/2015 và nông thôn mới nâng cao vào giữa tháng 12/2021.

Đình Hòa Tú, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Sóc Trăng.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tôm - lúa bền vững, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên để triển khai thực hiện các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân; đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối với tổ hợp tác và hợp tác xã. Với nhiều giải pháp cụ thể, Hòa Tú 1đã tạo bước phát triển trong kinh tế, nâng cao đời sống người dân địa phương, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Trương Hoàng Khai, Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1, cho biết thêm: Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương, Đảng bộ và chính quyền xã luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, nhờ đó đã tạo được đồng thuận cao trong Nhân dân.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, xã đã vận động doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp gần 40 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới và trong năm 2021 đã vận động Nhân dân hiến đất, hoa màu làm lộ giao thông nông thôn với số tiền gần 2 tỷ đồng, nhờ đó diện mạo nông thôn Hòa Tú 1 đã có chuyển biến rõ rệt, hệ thống giao thông nông thôn liên xã, liên ấp đều được nhựa hóa, bêtông hóa, 4 điểm trường trên địa bàn xã và Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 100% hộ dân địa phương có điện và nước hợp vệ sinh sử dụng.

Nói đến sự đổi thay của quê hương, ông Lương Văn A (ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1) cười và nói: So với trước, quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa Hòa Tú 1 chúng tôi đã đổi thay rất nhanh, đổi thay mà cứ tưởng như một giấc chiêm bao. Bây giờ, đường giao thông liền ấp, đường lên huyện đều thảm nhựa nóng hoặc bê tông, đi lại vô cùng thuận tiện. Trước đây, muốn ra thị trấn Mỹ Xuyên với quãng đường chưa đầy 20km thì người dân phải dậy từ 4 giờ sáng để đón đò. Mỗi ngày chỉ có một chuyến, xuất phát lúc 5 giờ. Đến thị trấn là khoảng 8 giờ. Nếu chậm là lỡ chuyến thì phải đợi đến ngày sau mới có chuyến khác. Còn bây giờ, đi đường nào cũng được, không phải lụy đò lụy phà gì nữa. Đặc biệt, con đường trục phát triển tôm - lúa từ xã ra đến thành phố Sóc Trăng chỉ hơn 25km, xe chạy bon bon, chừng 30 phút là tới. Điện, đường, trường, trạm đã đầy đủ, đời sống nhân dân được nâng cao, không gì phấn khởi hơn vậy nữa.

Ông Đặng Minh Liệt, hàng xóm của ông Lương Văn A, chia sẻ: Hồi trước, đất đai thì mênh mông nhưng ngặt nỗi có tới 6 tháng nước mặn phải bỏ hoang, còn 6 tháng nước ngọt nên chỉ làm được một vụ lúa nhưng giống cũ, năng suất thấp. Một hecta làm lúa một năm được khoảng 4 tấn lúa là cao nhưng giá thất thường nên phải chịu cảnh đói nghèo. Còn bây giờ, hạ tầng giao thông đã phát triển, điện lưới quốc gia về tận xóm ấp nên sản xuất vô cùng thuận lợi. Bây giờ chúng tôi sản xuất theo mô hình tôm - lúa. Một năm 1 vụ lúa và 2 vụ tôm. Lúa là giống lúa ST25, năng suất đạt khoảng 6,5 tấn/ha, giá bán 7.000 – 8.000 đồng/kg; nuôi tôm sú cũng cho nhà nông thu hoạch 700kg/ha/vụ. Tính ra, cả lúa và tôm cho nhà nông thu nhập 100-120 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa như trước đây. Hiện, xã có đến mấy chục chiếc ô tô của nông dân, tương lai sẽ có nhiều hơn nữa.

“Hiện, các tuyến giao thông liên ấp của Hòa Tú 1 đều được bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sinh hoạt và sử dụng nước hợp vệ sinh, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xã vận động bà con nông dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã để cùng nhau áp dụng các giải pháp kỹ thuật tổng hợp vào sản xuất. Theo đó, mô hình luân canh 1 vụ tôm , 1 vụ lúa  mang tính bền vững được duy trì. Xã huy động các nguồn vốn ưu đãi lồng ghép nguồn vốn mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, tạo động lực cho sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập của người dân”, ông Mã Thanh Sơn cho biết thêm.

Ông Lương Văn A chia sẻ, Hòa Tú 1 là quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa, chúng tôi tự hào về truyền thống của quê hương mình. Trong đấu tranh chống ngoại xâm, người Hòa Tú 1 kiên cường, anhh hùng, bất khuất. Trong sản xuất, người Hòa Tú 1 rất năng động, cần cù, sáng tạo. Phát huy truyền thống quật cường trong chiến đấu chống ngoại xâm, người dân Hòa Tú 1 đã làm một cuộc cách mạng trong xây dựng quê hương, biến đất nghèo, đồng hoang cỏ dại, nhiễm phèn, nhiễm mặn thành đất vàng và thoát nghèo, vươn lên giàu có.

Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

Gặp phóng viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Đặng Văn Phương,phấn khởi kể: “Những năm đầu mới tái lập tỉnh, Hòa Tú 1 còn là  xã nghèo, đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu là độc canh cây lúa, một năm chỉ làm 1 vụ lúa, năng suất khoảng 2 tấn/ha; đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng; điện chưa được đầu tư. Thế nhưng, bây giờ quê hương đã thay đổi. Điện đã về tận xóm ấp, nhiều tuyến đường ôtô đến trung tâm xã, đường trục tôm – lúa, đường trục Đông Tây, các tuyến huyện lộ được đầu tư. Hiện nay xã Hòa Tú 1 được chọn làm nơi đặt trung tâm hành chính huyện Mỹ Xuyên (mới). Đây là niềm tự hào, cũng là điều kiện thuận lợi để quê hương khởi nghĩa Nam Kỳ chuyển mình vươn lên”.

Hòa Tú 1 hôm nay.

Bí thư Mã Thanh Sơn nhớ lại: Năm 2015, Hòa Tú 1 được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, trên cơ sở đó Hòa Tú 1 tiếp tục nâng chất các tiêu chí và định hướng xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức.

Thời gian tới, theo ông Trương Hoàng Khai, Đảng ủy, UBND xã xác định mục tiêu chính của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong xã. Để nâng cao thu nhập cho nhân dân theo hướng bền vững, UBND xã phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân giữ vững mô hình tôm - lúa, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ, gắn với đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Từ đó, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả thiết thực.

Giữa tháng 12/2021, Hòa Tú 1 vinh dự đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bây giờ, Đảng bộ và Nhân dân Hòa Tú 1 lại bắt tay vào công cuộc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top