EU là thị trường lớn, chiếm 43% (khoảng 62 tỷ Euro) thương mại rau quả toàn cầu. Bài viết dưới đây giới thiệu với bạn đọc các quy định về ATTP của EU, cụ thể đối với trái bưởi và các biện pháp mà người sản xuất và doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện để đáp ứng yêu cầu về ATTP khi xuất khẩu sang thị trường EU. về ATTP khi xuất khẩu sang thị trường EU.
Xuất khẩu bưởi vào thị trường EU và các rào cản chính
Đến nay, mặc dù có nhiều lợi thế, nhất là thuế suất đã được gỡ bỏ nhưng tốc độ tăng trưởng rau quả của Việt Nam xuất vào thị trường EU còn khiêm tốn. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam sang EU vào khoảng 235 triệu USD và Việt Nam mới là nhà cung cấp đứng thứ 59 (Eurostat). Riêng với sản phẩm bưởi có tăng trưởng mạnh mẽ từ 327 tấn (năm 2012) lên 1510 tấn (năm 2022) và Việt Nam một trong số ít nước tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU những năm gần đây. Tuy nhiên, việc gia tăng sản lượng xuất khẩu bưởi vào EU còn gặp nhiều rào cản.
Báo cáo Phân tích tuân thủ trên cơ sở phân tích số liệu các trường hợp bị từ chối nhập khẩu rau quả của các quốc gia, trong đó có Việt Nam do Cơ quan Liên hợp quốc về phát triển công nghiệp (UNIDO) xây dựng cho thấy: lý do bị từ chối nhập khẩu trái cây và quả hạnh (mà - HS 08) của Việt Nam vào 5 thị trường lớn nhất giai đoạn 2010 - 2020 (EU, Mỹ, Nhật bản, Trung Quốc và Úc cho thấy tổng số trường hợp bị từ chối nhập trái cây của Việt Nam vào thị trường Mỹ cao nhất (211/313 trường hợp, chiếm 64%), kế đến EU (40/313 trường hợp, chiếm 13%). Nguyên nhân chính khiến rau quả Việt Nam bị từ chối năm 2020 là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (25%), nhiễm khuẩn (23%) và ghi nhãn (21%). Nguyên nhân khác là giả mạo hoặc thiếu giấy tờ (7%)...
Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu.
Cảnh báo số 2021.4761 ngày 6/9/2021 với sản phẩm là bưởi, Na Uy thu hồi sản phẩm trên thị trường; lô hàng số 32/1; khối lượng 7,1 kg. Nhà vườn sản xuất là “Nguyen Truc Thuy”, địa chỉ ấp 1, thị trấn Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Lý do chứa thuốc BVTV propargite 0,23 ppm và Fenobucarb 0,032 ppm, mức MRL tối đa với Propargite là 0,01 mg/kg còn Fenobucarb không có trong danh mục được phép sử dụng.
Trường hợp mới nhất là Thông báo của Hà Lan số 2023.5117 ngày 28/7/2023 với cảnh báo rằng bưởi hữu cơ của Nam Phi nhiễm Glufosinate (có thể từ thuốc trừ cỏ từ muối Amonium Glufosinate) với dư lượng 0,39 và 0,51 mg/kg trong khi dư lượng tối đa cho phép là 0,05 mg/Kg. Cảnh báo ngay lập tức được các nước thành viên EU hành động và sản phẩm bưởi của Nam Phi nói trên không được phép bán tại thị trường EU. (https://webgate.ec.europa.eu/rasff-window/screen/notification/624748).
Những thông tin và những ví dụ trên cho thấy vi phạm dư lượng BVTV tối đa cho phép (MRL) là một trong yếu tố quan trọng nhất trong đảm bảo ATTP khi xuất khẩu nông sản nói chung và trái bưởi nói riêng vào thị trường EU. Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm quy định về MRL là do:
- Sử dụng hóa chất BVTV nhiều, chưa tuân thủ “ 4 đúng”, đặc biệt là chưa đảm bảo thời gian cách ly;
- Sử dụng các thuốc BVTV không có trong Danh mục được phép sử dụng của EU. Đối với các thuốc BVTV không được EU cho phép sử dụng bị áp mức MRL rất thấp, thường là 0,01 ppm, hầu như nếu đã sử dụng thì không thể đáp ứng quy định này.
Yêu cầu chung về ATTP đối với trái bưởi nhập khẩu vào EU
Ngoài hồ sơ hải quan nhập khẩu và xuất khẩu và Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan của Cục BVTV cấp chứng nhận không có các đối tượng kiểm dịch thực vật, các lô hàng bưởi khi xuất từ Việt Nam sang EU phải đáp ứng các yêu cầu luật pháp tối thiểu về ATTP sau đây:
Quy định của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Nếu phát hiện thấy có lô hàng vi phạm, tần suất lấy mẫu kiểm tra ATTP của nông sản đến từ nước có chủng loại hàng hóa đó sẽ tăng lên. Nếu phát hiện nhiều lô hàng đến từ nước nào đó vi phạm, chủng loại hàng hóa bị phát hiện vi phạm của quốc gia đó sẽ bị đưa vào diện nhập khẩu với “ điều kiện đặc biệt” và EU yêu cầu kiểm soát rất chặt chẽ từ phía các cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu và tại cửa khẩu, biên giới cũng như trên thị trường EU. Như vậy, chỉ cần một doanh nghiệp vi phạm quy định của EU sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp khác xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Các nhà sản xuất và các công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải thường xuyên kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan và các thông tin trên Hệ thống quản lý của của EU.
Cần lưu ý rằng, ngoài các yêu cầu bắt buộc trên, doanh nghiệp nhập khẩu/khách hàng EU cũng có thể đòi hỏi đối tác xuất khẩu bổ sung: chứng nhận chất lượng thực phẩm, Tiêu chuẩn GlobalGAP, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn mức quy định của pháp luật EU (các siêu thị của EU yêu cầu mức MRL thấp hơn so với luật của EU 33 - 80%, trách nhiệm đối với xã hội và môi trường của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu…
Việc kiểm tra ATTP của thực phẩm nhập khẩu vào EU, trong đó có bưởi, không những chỉ được thực hiện tại cửa khẩu/biên giới mà còn được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra khi thực phẩm đó được lưu thông trên thị trường. Nếu phát hiện vi phạm, thực phẩm đó vẫn có thể bị yêu cầu tái xuất, thu hồi, tiêu hủy và cấm nhập đồng thời doanh nghiệp phải chịu chi phí và đưa cảnh báo lên Hệ thống để các nước giám sát...
Cách tra cứu Quy định của EU về thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng tối đa cho phép (MRL) trên bưởi
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng ở mức độ cao, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, không gây nguy cơ/rủi ro với môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản, Nghị viện châu Âu ban hành Quy định (EC) 396/2005 (Quy định MRL) về Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) trên hoặc trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật và động vật.
Đường dẫn vào trang cơ sở dữ liệu MRL thuốc BVTV của EU:
https://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/eu-pesticides-database/start/screen/mrls
Để biết MRL mà EU quy định đối với bưởi, sau khi truy cập vào Cơ sở dữ liệu MRL của thuốc BVTV (Pesticides database - MRL), xem mục Search options phía bên trái màn hình ở mục Product(s), bấm vào ô Select product(s). Màn hình mới sẽ hiện ra “Select product(s)” và có các gợi ý để điền thông tin cần tìm. Trong cơ sở dữ liệu về MRL thuốc BVTV của EU, bưởi thuộc nhóm “Grape fruits” với mã số 0110010. Nếu một hoạt chất không có MRL trong cơ sở dữ liệu (chưa được đăng ký hoặc đã xóa khỏi danh mục) thì rất có thể sẽ phải thực hiện quy định về MRL mặc định (thường là 0.01ppm).
Để biết về các hoạt chất thuốc BVTV được EU phê duyệt sử dụng hay không, có thể truy cập vào Cơ sở dữ liệu thuốc BVTV của EU theo đường dẫn:
https://ec.europa.eu/food/plants/pesticides/eu-pesticides-database_en. (EU pesticides database), sau đó chọn mục “active substances” (các hoạt chất) và điền tên của hoạt chất muốn kiểm tra vào ô trống có sẵn. Kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra: “Approve” trên nền màu xanh lá cây có nghĩa là hoạt chất được EU phê duyệt; nếu kết quả tìm kiếm là “Not approved” trên nền màu đỏ có nghĩa là hoạt chất đó không được EU phê duyệt. Ví dụ về kết quả truy cứu hiện trên màn hình máy tính khi kiểm tra hoạt chất thuốc BVTV Hexaconazole trong Cơ sở dữ liệu thuốc BVTV của EU như sau:
Kết quả tra cứu là “Not approved” trên nền đỏ chứng tỏ hoạt chất này không có trong Danh mục được phép sử dụng tại EU.
Quy định của EU về chất gây ô nhiễm thực phẩm
EU đã ban hành Quy định (EC)1881/2006 về thiết lập mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm nhất định trên thực phẩm. Với trái bưởi tươi nếu được trồng tại vùng quy hoạch và có quản lý và cấp mã số vùng trồng, cách xa các khu công nghiệp và dùng nước tưới sạch thì hạn chế tối đa bị ô nhiễm với kim loại nặng như Chì hoặc Cadmium. Giới hạn tối đa cho phép trên trái bưởi với chì là 0,1 mg/Kg va Cadmium là 0,05 mg/Kg.
Quy định giới hạn tối đa các chất chất ô nhiễm trong thực phẩm theo Quy định (EC)1881/2006 được tra cứu tại đường link:
http:/eur-lex.europa.eu/eli/reg/2006/1881/oj.
Điều đáng lưu ý là nhiều thuốc bảo vệ thực vật chưa được phê duyệt hoặc bị rút khỏi danh mục ở EU lại vẫn còn được phép sử dụng và được sử dụng phổ biến ở Việt Nam (ví dụ: Hexaconazole, mancozeb, propineb, zineb, imidacloprid, matrine, cartap, acephate, chlorfenapyr…). Các loại thuốc này không nên sử dụng cho mục đích bảo vệ thực vật và không được phép nhiễm trên trái bưởi xuất khẩu sang EU.
Ngoài ra, không phải tất cả hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đều được đăng ký tại EU và nằm trong danh mục thuốc đã được phê duyệt của EU. Các hoạt chất này trên sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị áp mức MRL rất thấp (MRL mặc định), thường là 0,01 ppm.
Thu hoạch bưởi tại Sông Xoài, TX. Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Hồng Phúc.
Các biện pháp đảm bảo chất lượng bưởi xuất khẩu vào thị trường EU
Cần tăng cường hệ thống giám sát ATTP quốc gia, phối hợp với tất cả các bên liên quan xây dựng năng lực phân tích, đánh giá rủi ro vệ sinh, ATTP thực phẩm và áp dụng Thực hành Sản xuất Tốt (GMP) và Thực hành Vệ sinh Tốt (GHP) trong các chuỗi thực phẩm khác nhau.
Hỗ trợ doanh nghiệp và các HTX/Tổ hợp tác áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, áp dụng quy trình sản xuất bưởi hữu cơ và áp dụng truy xuất nguồn gốc hiện đại như blockchain - một giải pháp thay thế nhiều chứng nhận giấy về chất lượng sản phẩm đang được các siêu thị lớn của châu Âu khuyến khích.
Quy hoạch, quản lý vùng trồng và cơ sở sơ chế, đóng gói
Quy hoạch và quản lý vùng trồng sẽ hình thành vùng sản xuất cho sản lượng đủ lớn, tạo liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà vườn (thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã ...) để xây dựng chuỗi ngành hàng bưởi khép kín, cùng áp dụng quy trình kỹ thuật, thực hành nông nghiệp tốt (GlobalGAP). Qua đó, chính các nhà vườn giám sát lẫn nhau việc tuân thủ các biện pháp chăm sóc, quản lý dịch hại đồng thời ghi chép nhật ký với đầy đủ thông tin liên quan đến quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV,... đảm bảo việc truy xuất thông tin sau này.
Cơ sở sơ chế, đóng gói được thiết lập, giám sát cần đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: có nguồn nước sạch, điện, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh ATTP và phòng chống cháy nổ. Cơ sở đóng gói phải đảm bảo cơ sở vật chất cho tiếp nhận, phân loại, sơ chế bảo quản và đóng gói trái bưởi theo nguyên tắc một chiều có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, tránh tái nhiễm và lây nhiễm chéo. Các loại hóa chất sử dụng trong quá trình sơ chế, bảo quản, đóng gói phải trong danh mục được phép sử dụng của nước nhập khẩu. Bao bì và nguyên liệu dùng cho đóng gói phải đảm bảo VSATTP, các quy cách thông tin ghi đáp ứng yêu cầu về KDTV của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt - GAP
Áp dụng GlobalGAP cho các nhà vườn trong vùng trồng bưởi xuất khẩu sang EU cùng với định hướng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đảm bảo dinh dưỡng cân đối, cây khỏe, chống chịu bệnh; đảm bảo vệ sinh đồng ruộng theo quy trình thống nhất.
Quản lý dịch hại trên vườn bưởi
Giải pháp thực tế nhất cho các nhà vườn trồng bưởi tại Việt Nam để xuất sang EU là giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV nói chung và tránh sử dụng những thuốc không có trong danh mục thuốc đã được phê duyệt tại EU. Nếu buộc phải dùng thuốc BVTV, phải chọn những hoạt chất đã được phê duyệt hợp pháp tại EU và được phép sử dụng tại Việt Nam. EU cũng áp dụng chính sách khuyến khích thuốc bảo vệ thực vật sinh học bằng cách xóa bỏ yêu cầu về MRL đối với thuốc vi sinh. Do đó, cùng với sử dụng các phương pháp phòng ngừa và không sử dụng thuốc hóa học BVTV, thuốc sinh học, vi sinh phải là phương án ưu tiên trong quản lý dịch hại trên cây bưởi để đảm bảo yêu cầu về ATTP của thị trường EU. Hơn nữa, cần áp dụng biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) với các biện pháp chính sau:
Biện pháp canh tác:
Chú trọng cây giống sạch bệnh, giống được xác nhận khi trồng mới hoặc ghép cải tạo; mọi tàn dư thực vật, đặc biệt là quả hư, dụng, cành bị bệnh phải được thu gom, tiêu hủy; Vườn luôn được đảm bảo tưới đủ nước vào mùa khô và thoát nước nhanh, không gây ngập úng vào mùa mưa; cắt tỉa những cành già cỗi, cành bị bệnh, hoặc cành nằm khuất trong tán, tạo thông thoáng giúp cây khỏe, ít bệnh. Dùng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng mùn, giúp gia tăng hệ vi sinh vật có lợi trong đất và tăng khả năng giữ nước; sử dụng phân vô cơ cân đối, đảm bảo pH 5,5-6,5.
Biện pháp bao quả:
Sử dụng túi chuyên dụng giúp việc trao đổi không khí dễ dàng hơn, không gây ứ đọng nước trong túi như các loại túi thông thường khác. Trong quá trình phát triển, trái cây được bao bọc, hạn chế tình trạng thối trái, rụng trái non, tránh bị ruồi, sâu đục trái và các côn trùng chích hút, nhện đỏ gây hại; giúp bảo vệ vỏ trái cây trước các tác động bất lợi của tia cực tím, sương muối đồng thời giảm nguy cơ thuốc BVTV bám trên bề mặt trái cây qua đó tạo ra nguồn nông sản sạch, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Thực hiện bao trái khi quả có kích thước bằng quả chanh. Trước đó nên phun thuốc trừ nấm bệnh và côn trùng trong danh mục được phép sử dụng, để khô sau 1-2 ngày sau đó tiến hành bao trái.
Biện pháp sinh học:
Bón đầy đủ phân hữu cơ, tủ gốc giữ ẩm và tưới nước đầy đủ. Bón kết hợp phân hữu cơ với vi sinh vật có ích như: Trichoderma, Bacillus hoặc các chế phẩm chứa vi sinh vật có lợi để hạn chế bệnh hại có nguồn gốc từ đất. Nuôi và duy trì đàn kiến vàng Oecophylla smaragdina và các và sử dụng chế phẩm Trichoderma hoặc các chế phẩm chứa vi sinh vật có lợi để hạn chế bệnh hại có nguồn gốc từ đất.
Biện pháp hóa học
Kiểm tra thường xuyên tình hình dịch hại trên cây và khi thật sự cần thiết sử dụng thuốc BVTV. Phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng đó là đúng thuốc, thời điểm, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách và theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Đặc biệt lưu ý chỉ sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được EU cho phép (với cách tra cứu, xác định tên dư lượng cho phép ở phần 2 của bài viết này), ghi chép tên thuốc, thời gian sử dụng, cách sử dụng, liều lượng sử dụng vào sổ nhật ký sản xuất và lưu giữ để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU.
Với các đối tượng kiểm dịch thực vật
Không được phép xuất hiện các đối tượng KDTV trong trái bưởi, bao bì và các phương tiện bao gói đi kèm. Tại văn bản (EU) 2019/2072 đã quy định có 2 đối tượng sâu bệnh hại phổ biến trên bưởi tại Việt Nam là Ruồi đục quả thuộc họ Tephritidae và bệnh do vi khuẩn Xanthomonas Citri. Các biện pháp phòng trừ các đối tượng KDTV này đã được giới thiệu chi tiết tại bài theo chuyên đề KDTV của Tạp chí này.
Thu hoạch và sau thu hoạch, đóng gói vận chuyển:
Trái bưởi phục vụ xuất khẩu phải được thu hoạch từ vùng trồng đã được cấp và quản lý mã vùng trồng với chất lượng quả đảm bảo:
- Tại thời điểm thu hoạch vườn bưởi phải đảm bảo đủ thời gian cách ly đối với thuốc BVTV và phân bón theo quy định.
- Trong quá trình thu hoạch tuyệt đối không để trái bưởi xuống đất, hay đựng (kể cả tạm thời) vào bao bì đã đùng đựng phân bón hay thuốc BVTV;
- Trái bưởi sau khi được phân loại, lựa chọn theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu phải được xử lý hơn 2 phút bằng Calcium hoặc Potassium Hypoclorite Ca(ClO)2 hoặc KclO nồng độ 2000 ppm. Sau đó được rửa sạch bằng dây truyền chuyên dụng dùng nước sạch kết hợp với hoạt chất (ozon, Clo...) và phải đảm bảo không để lại tồn dư các chất trong danh mục cấm của nước nhập khẩu. Trái bưởi sau khi được làm khô (tự nhiên hay dùng quạt) được bao màng sinh học để giảm hô hấp và bảo quản lâu hơn cho phép vận chuyển đến các thị trường xa như EU, Mỹ…
(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.